| Hotline: 0983.970.780

Cuối năm trên công trường hồ chứa nước Sông Lũy

Thứ Sáu 29/01/2021 , 14:51 (GMT+7)

Hồ chứa nước Sông Lũy, công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Bình Thuận đã tích nước được hơn 25 triệu m3, trước kế hoạch 6 tháng, giúp chống hạn trong mùa khô năm 2021.

Những ngày cuối năm Canh Tý, từ TP Phan Thiết, chúng tôi vượt hàng trăm km lên vùng cao Phan Lâm, Phan Sơn (huyện Bắc Bình) để săn ảnh… hồ Sông Lũy tích nước. Dọc tuyến quốc lộ 28B trở nên rộn ràng với những công trình đang thi công. Từng đoạn đường lên vùng cao Bắc Bình đang được nâng cấp, rải nhựa, hứa hẹn về một cung đường du lịch lý tưởng trong nay mai.

Công trình đầu mối hồ chứa nước Sông Lũy.

Công trình đầu mối hồ chứa nước Sông Lũy.

Khu vực công trình hồ chứa nước Sông Lũy hiện lên trước mắt chúng tôi sừng sững giữa núi rừng. Vừa mới đến chân đập, chúng tôi chứng kiến hàng chục xe cẩu, xe múc và xe tải, cùng những công nhân đang tích cực lao động giữa cái nắng đầu mùa khô.

Anh Vũ Thế Anh, Trưởng Ban quản lý dự án Sông Lũy thuộc Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 7 (đơn vị chủ đầu tư) cho biết: Công trình này nằm dưới hợp lưu của các sông Ta Mai, Ma Tin và Sông Lũy khoảng 700m. Cách tuyến đập dâng Phan Rí-Phan Thiết đã xây dựng trước đó khoảng 700 - 800m về phía thượng lưu.

“Dự án hồ chứa nước Sông Lũy được khởi công vào cuối tháng 2/2019, sau 20 tháng triển khai thi công đến cuối tháng 11/2020 đã cơ bản hoàn thành và đến 15/12/2020 bắt đầu tích nước, phát huy hiệu quả từng phần của dự án. Đây cũng là dự án về đích đầu tiên trong loạt các công trình bố trí vốn trung hạn 2016-2020 của Bộ NN-PTNT.

Hồ chứa nước Sông Lũy tích nước trước 6 tháng góp phần chống hạn cho sản xuất nông nghiệp.

Hồ chứa nước Sông Lũy tích nước trước 6 tháng góp phần chống hạn cho sản xuất nông nghiệp.

Vượt qua không ít khó khăn, thử thách trong quá trình giải phóng mặt bằng, thi công, việc công trình tích nước 6 tháng so với kế hoạch đã giải bài toán chống hạn cho vùng phía Bắc tỉnh Bình Thuận ngay trong mùa khô năm nay. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Cục Quản lý xây dựng công trình, UBND tỉnh Bình Thuận và sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của tất cả các đơn vị tham gia dự án”, anh Vũ Thế Anh chia sẻ.

Đứng trên đỉnh đập, trước mắt chúng tôi là một không gian mênh mông nước màu xanh ngọc, nhấp nhô dưới những ngọn núi. Nước nhiều quá! Đúng là một khung cảnh lý tưởng cho những tay săn ảnh chuyên nghiệp. Vẻ đẹp ấy, không đơn thuần là khung cảnh đẹp cho du lịch, mà trên hết, đây là công trình cấp nước tưới cho trên 24.000 ha đất canh tác. Đồng thời, cấp nước phục vụ sinh hoạt và du lịch, duy trì dòng chảy môi trường, giảm lũ hạ du. Đây còn là nguồn cấp nước sinh hoạt nhằm nâng cao mức sống cho người dân trong vùng, kết hợp phát điện.

Tôi gặp và bắt chuyện với Ou Prong Duy Khánh, một công nhân đang bảo dưỡng hạng mục đường bê tông trên mặt đập hồ Sông Lũy. Khánh là người dân tộc K’ho ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, xuống làm công nhân ở đây cả năm nay. Anh Ou Prong Duy Khánh cho biết, đến thời điểm này công trình chuẩn bị hoàn thành, anh em công nhân chúng tôi đang làm việc tích cực 3 ca/ngày để sớm hoàn thành các hạng mục còn lại.

Hồ chứa nước Sông Lũy là điểm du lịch lý tưởng trong tương lai.

Hồ chứa nước Sông Lũy là điểm du lịch lý tưởng trong tương lai.

Có mặt ở công trình, ông Phạm Quang Lộc, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 7 bày tỏ vui mừng khi công trình hồ chứa lớn nhất tỉnh Bình Thuận nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ NN-PTNT và chính quyền các cấp của tỉnh.

Ông Phạm Quang Lộc cho biết, tổng mức đầu tư dự án hồ chứa nước Sông Lũy khoảng 1.484 tỷ đồng, gồm các hạng mục đập chính, đập phụ, tràn xả lũ, cống lấy nước. Đến tháng 6/2021, đơn vị phấn đấu phải tích nước đạt cao trình + 126m, tương đương với 53 triệu m3. Riêng đến thời điểm này, tiến độ công việc đã đạt 98%, chỉ còn khoảng 2% khối lượng công việc, chủ yếu là hoàn thiện công trình.

Vậy là từ nay, trên bản đồ thủy lợi của tỉnh Bình Thuận, lại có thêm một công trình lớn, hiệu quả với dung tích 100 triệu m3. Ông Võ Đức Anh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Thuận cho biết, khi hoàn thành, hồ Sông Lũy có thể kết nối với các hồ khác trên địa bàn, tạo ra mạng lưới nước cho Bình Thuận, đáp ứng hơn 40.000 ha đất sản xuất các huyện phía Bắc tỉnh và góp phần giảm lũ.

Đó là chuyện tương lai gần, còn trước mắt với trên 25 triệu m3 nước hiện có tại công trình này sẽ thực hiện tốt việc chống hạn trong mùa khô 2021, phục vụ nước sản xuất vụ Đông Xuân, đảm bảo tưới ổn định cho khu vực phía Bắc tỉnh.

Việc hồ chứa nước Sông Lũy chính thức tích nước từ ngày 15/12/2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng với tỉnh khô hạn như Bình Thuận. Từ đây, hàng ngàn ha đất nông nghiệp của các huyện phía Bắc tỉnh sẽ được đảm bảo nước tưới, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần xây dựng Nông thôn mới.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.