| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn công nghệ, kỹ thuật thủy lợi ở Vĩnh Long năm 2020

Thứ Hai 25/01/2021 , 10:25 (GMT+7)

Năm 2020, đánh dấu nhiều công nghệ, kỹ thuật thủy lợi mới được ứng dụng vào thực tiễn ở tỉnh Vĩnh Long. Nhất là các công trình kiểm soát mặn ngọt.

Đột phá trong ứng phó hạn, mặn

Đột phá lớn nhất có thể kể đến là việc xây dựng hai công trình cống thủy lợi có quy mô lớn nhất, tiến tiến nhất ở tỉnh từ trước đến nay, đó là cống Vũng Liêm (ở huyện Vũng Liêm) và cống Tân Dinh (ở huyện Trà Ôn). Hai công trình này có nhiều điểm mới, vượt trội so với các công trình cống truyền thống trước đây cả về quy mô, về kỹ thuật xây dựng và công nghệ vận hành.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường (trên cùng hàng bên trái) ban giao cống Tân Dinh cho hai địa phương Trà Vinh và Vĩnh Long. Ảnh: Minh Đảm.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường (trên cùng hàng bên trái) ban giao cống Tân Dinh cho hai địa phương Trà Vinh và Vĩnh Long. Ảnh: Minh Đảm.

Cống Vũng Liêm, cống Tân Dinh, cống Bông Bót nằm trong Tiểu dự án Kiểm soát nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu vùng Nam Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh thuộc Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ICRSL), đầu tư từ nguồn vay Ngân hàng Thế giới.

Về quy mô, cống Vũng Liêm có khẩu độ lớn nhất ở Vĩnh Long, lên đến 75m (gồm 3 khoang hay 3 cửa, mỗi khoang rộng 25m), còn cống Tân Dinh có khẩu độ 40m (gồm 2 khoang, mỗi khoang rộng 20m), gấp đôi cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông, Vũng Liêm). Đáng chú ý, hai cống đặt tại đầu các kinh trục (các cống trước là đặt tại đầu các kinh cấp II, cấp III), khẩu độ cống không làm thu hẹp lòng sông, chiếm từ 70-75% diện tích mặt cắt ngang dòng sông (so với 10-20% đối với các cống truyền thống).

Nếu như năng lực phục vụ (tưới, tiêu, ngăn triều, ngăn mặn) của cống Nàng Âm khoảng 3.000 ha, các cống khác từ 200-500 ha, thì cống Vũng Liêm là 11.375ha (thuộc huyện Vũng Liêm), cống Tân Dinh trên 7.000 ha (Trà Ôn: 5.500ha và Cầu Kè: 1.500ha).

Cống có nhà quản lý khang trang (nhà cấp III) có 2 tầng, hệ thống điện vận hành sử dụng nguồn điện lưới quốc gia, cây xanh, bồn hoa, tiểu cảnh.

Về kỹ thuật xây dựng và công nghệ vận hành cống, Bộ NN-PTNT, chủ đầu tư đánh giá hai công trình này có nhiều ứng dụng mới, tiên tiến nhất Việt Nam hiện nay trong việc kiểm soát nguồn nước mặn, ngọt. Trong đó, nổi bật nhất là ứng dụng công nghệ vận hành cửa van (cửa cống) bằng hệ thống xi lanh thuỷ lực lớn nhất Việt Nam, lần đầu được áp dụng tại tỉnh Vĩnh Long.

Cống Vũng Liêm, một trong các công trình kiểm soát mặn - ngọt tiến tiến nhất Việt Nam. Ảnh: Minh Đảm.

Cống Vũng Liêm, một trong các công trình kiểm soát mặn - ngọt tiến tiến nhất Việt Nam. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Hà Thành Thặng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Vĩnh Long cho biết: Cửa van cống theo kiểu clape trục dưới (kiểu cửa sập) bằng thép đóng mở cưởng bức bằng hệ thống xi lanh thủy lực (cống Vũng Liêm mỗi cửa nặng khoảng 130 tấn, cống Tân Dinh mỗi cửa nặng chừng 70 tấn), không như cửa van phẳng đóng mở tự động nhờ chênh lệch cột nước như các cống trước đây. Hệ thống xi lanh thủy lực có công suất lớn, 2 xi lanh có thể nâng 180 tấn, là bộ phận chính để vận hành đóng, mở cửa cống theo hướng thẳng đứng trong điều kiện bị ngập nước.

Điều đặc biệt khác, cống Vũng Liêm và cống Tân Dinh được thi công trong điều kiện “nền ướt”, không chặn dòng sông, ít ảnh hưởng cản trở đến giao thông thủy. Còn các cống trước đây được thi công trong điều kiện “nền khô”, phải đắp đê quay trước, sau cống để chặn dòng chảy.

Hai công trình chỉ thi công trong vòng đúng 2 năm: Khởi công ngày 17/9/2018, hoàn thành cơ bản vào tháng 1/2020 đưa vào vận hành để ứng phó hạn, mặn đầu mùa khô năm 2019-2020. Bộ NN-PTNT bàn giao vào ngày 22/9 cho hai địa phương Trà Vinh và Vĩnh Long.

Ứng dụng mới trong xử lý sạt lở bờ sông, rạch

Năm 2020 là năm tiếp tục ghi nhận nhiều công trình kè chống sạt lở có quy mô, hiện đại và thân thiện với môi trường được xây dựng. Đầu tiên có thể kể đến là dự án kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên (từ chân cầu Mỹ Thuận đến rạch Cái Sơn Bé, đi qua các phường Trường An, Tân Ngãi, 9 và 5 của TP Vĩnh Long).

Chủ đầu tư Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp - PTNT tỉnh Vĩnh Long hoàn tất phân đoạn dài hơn 800m thuộc Khóm 6, Phường 5 và đang thi công phân đoạn cuối cùng dài hơn 375 m thuộc Phường 2 (từ cầu Cái Cá đến Cầu Lộ).

Tuyến kè dài 10.775m, là 1 trong 9 dự án kè chống sạt lở bờ sông kết hợp chỉnh trang đô thị được triển khai thực hiện từ năm 2008 trên địa bàn tỉnh. Kè không những nhằm chống ngập, chống sạt lở cho thành phố Vĩnh Long và lâu dài còn ứng phó với nước biển dâng. Kè còn là điểm nhấn độc đáo của thành phố ven sông về văn hóa, du lịch, nơi vui chơi giải trí, sinh hoạt, thể dục thể thao cho người dân.

Kè Vĩnh Long. Ảnh: Mỹ Trung.

Kè Vĩnh Long. Ảnh: Mỹ Trung.

Một điểm mới là ứng dụng công nghệ xử lý sạt lở thân thiện môi trường. Đầu tiên có thể kể đến “kè mềm” được Chi cục Thủy lợi Vĩnh Long triển khai đầu tư thí điểm gia cố sạt lở bờ sông Long Hồ dài 50m tại ấp Long Thuận B (xã Long Phước, huyện Long Hồ). Công nghệ này dùng bao đựng cát bằng chất liệu vải địa kỹ thuật Soft Rock để gia cố sạt lở. Các bao có độ bền đặc biệt, có thể chịu được các điều kiện thời tiết, thủy văn khắc nghiệt bên ngoài, chống chịu được va đập.

Với đoạn kè dài 50m, thời gian thi công hoàn thiện là 22 ngày, có chi phí tương đối thấp so với giải pháp cứng (dùng rọ đá hay kè bê tông), trung bình khoảng 10 triệu đồng mỗi mét kè, tuổi thọ công trình lên đến 10-15 năm, bước đầu cho thấy thích hợp để ứng dụng trong việc gia cố, phòng chống sạt lở bờ sông ở tỉnh ta hiện nay.

Một công nghệ khác để sử lý sạt lở bờ sông được sử dụng khá nhiều trong thời gian gần đây là kè Rọ đá, thay thế cho xử lý sạt lở theo kiểu truyền thống (đóng cừ, tấn cây, đắp đất hoặc cát). Các rọ là thảm đá lớn kích thước (4x2x0,3)m, (6x2x0,3)m và (2x1x0,3)m...

Dây bọc rọ đá là dây thép mạ kẽm bọc PVC, ổn định hóa, UV (chống tia cực tím). Dây thép có cường độ chịu kéo 45,5kG/mm2, ứng suất kéo đứt lớp nhựa PVC: 220kG/mm2 theo tiêu chuẩn ASTM… Rọ đá được xếp chồng theo bậc thang để thành thân tuyến kè đứng trên nền cừ tràm đã được đóng chắc trước đó, mặt tiếp với đất liền có trải vải địa kỹ thuật đê giữ đất không bị trôi ra sông.

Kè rọ đá có chi phí thấp so với kè bê tông - cốt thép, trung bình khoảng 15-20 triệu đồng mỗi mét kè, tuổi thọ cao hơn, mỹ quan hơn so với xử lý sạt lở truyền thống. Năm 2020, kỹ thuật kè này đã được dùng để khắc phục 31 điểm sạt lở trong tỉnh với tổng chiều dài 1.339m, tổng kinh phí hơn 10,3 tỷ đồng.

Phát triển công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước

Nhằm hiện thực hóa chủ trương của Bộ NN-PTNT đến năm 2020 sẽ có 500 nghìn héc-ta cây trồng cạn được tưới bằng phương thức tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, các tổ chức sản xuất nông nghiệp trong tỉnh đã đầu tư xây dựng các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm áp dụng trong thực tế sản xuất.

Tưới phun mưa. Ảnh: Minh Đảm.

Tưới phun mưa. Ảnh: Minh Đảm.

Cuối năm 2020, Vĩnh Long có khoảng 200 ha lúa và 9.639,5 ha cây trồng cạn áp dụng tưới tiến tiến, tiết kiệm nước. Trong đó chủ yếu là tưới phun mưa 9.634,1 ha. Thị xã Bình Minh áp dụng kỹ thuật tưới này có diện tích lớn nhất với trên 880 ha cây trồng cạn.

Hiện có 32 doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh đã áp dụng kỹ thuật tưới nước bằng pec phun mưa trên diện tích trên 621ha. Một số tổ chức điển hình có qui mô lớn, như: HTX sản xuất và tiêu thụ Bưởi Năm Roi xã Mỹ Hòa (TX.Bình Minh) 95 ha bưởi, HTX chôm chôm xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) 43 ha chôm chôm, HTX sản xuất, chế biến Tân Lập (Bình Tân) 32 ha khoai lang, HTX cam sành Khánh Nhân (Tam Bình) 35ha cây có múi…

Tuy diện tích ứng dụng còn khiêm tốn nhưng hiệu quả rất thiết thực. Các kỹ thuật trên giúp giảm lượng nước tưới so với tưới truyền thống từ 30-50%, giảm chi phí đầu tư, công lao động từ 20-50% và giảm lượng phân bón từ 10-25%. Đồng thời, giúp tăng năng suất cây trồng từ 10-50% và tăng thu nhập của hộ gia đình từ 15-30%.

Xem thêm
Trung Quốc đã mua 1,5 triệu tấn sầu riêng trong 10 tháng

Trong 10 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD để nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn sầu riêng từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ và giống đặc sản nâng tầm chất lượng cam tươi FVF

Cam tươi FVF có nguồn gốc từ giống cam đặc sản trứ danh Xã Đoài với quy trình chăm sóc tỉ mỉ và ứng dụng những công nghệ canh tác tiên tiến nhất hiện nay.