Công trình ra đời dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn về tư liệu nhưng trải qua 60 năm đây vẫn là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng đối với những người nghiên cứu lịch sử.
Cuốn sách hơn 900 trang, với 27 chương, được GS Trần Văn Giàu thể hiện trên trang viết của mình diễn tiến của lịch sử trong 40 năm từ 1858 đến 1898, khi người Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) cho đến khi tắt lịm tiếng súng phong trào Cần Vương, chính phủ Pháp bắt đầu thi hành chính sách khai thác, bóc lột thuộc địa.
Tác giả cuốn “Chống xâm lăng” rất chú trọng sử liệu. Những tư liệu đó được kiểm chứng qua nhiều nguồn. Trong quá trình biên soạn, tác giả sử dụng tư tưởng biện chứng theo quan điểm chủ nghĩa Mác – Lê nin về sử học. Tuy viết dưới dạng biên niên sử, ngòi bút khách quan, lạnh lùng khi bàn lẽ hưng phế của triều đại nhà Nguyễn và các cuộc khởi nghĩa của nhân dân cũng như sĩ phu yêu nước cuối thế kỷ 19 nhưng không hề khô khan bởi Trần Văn Giàu thể hiện ngay chính kiến của mình trong những trang viết bằng sự yêu ghét rõ ràng, đan xen giữa chi tiết sử học sinh động là đánh giá của tác giả, dù rất ngắn, đôi khi chỉ một câu.
GS Trần Văn Giàu xuất thân không phải nhà sử học. Như ông tự nhận, mình chỉ là người học sử. Từ năm 1930, ông học sử để làm công tác tuyên giáo của Đảng. Nhận thấy anh em xung quanh mình học lịch sử nước Pháp nhiều hơn, hoặc biết đến Bắc sử (lịch sử Trung Quốc), chứ ít biết đến quốc sử nước nhà, thậm chí nhà trường thực dân còn xuyên tạc cả lịch sử Việt Nam, ông đã mày mò học lịch sử Việt Nam.
“Chống xâm lăng” gồm 3 quyển: quyển thứ nhất “Nam Kỳ kháng Pháp”, quyển thứ hai “Bắc Kỳ kháng Pháp”, quyển thứ ba “Phong trào Cần Vương”.
Cùng với những công trình khác, “Chống xâm lăng” là một dẫn chứng rõ ràng về một nhà khoa học lớn của nước ta, có uy tín cao trong nước và thế giới, tác giả của hơn 150 công trình khoa học, với hàng vạn trang sách đã xuất bản. Qua công trình nghiên cứu của mình, GS Trần Văn Giàu đã đưa ra những phát hiện mới, thể hiện dấu ấn cá nhân riêng biệt, những quan điểm có tính thuyết phục cao.