Sống để tri ân
“Các anh đã hi sinh, chỉ tôi được sống và cầm bút phục vụ nhân dân, tôi muốn trả ơn bằng sự lao động sáng tạo cật lực của mình, còn một phút sống trên đời, tôi vẫn sẽ viết về các anh” - tự tay chôn cất 58 đồng đội trong một đêm trên chiến trường đẫm máu Thành cổ Quảng Trị, trở lại các chiến trường xưa tìm 23 liệt sĩ đưa về quê hương, Cựu chiến binh - thương binh - nhà văn Đỗ Trọng Dũng không chỉ sống xứng đáng với sự hi sinh của đồng đội mà ông còn thay họ tiếp tục quan tâm giúp đỡ những đồng đội đang sống trong cảnh khó khăn.
Gặp lại Cựu chiến binh Đỗ Trọng Dũng những ngày tháng Bảy này, thấy ông gày gò và già đi mấy tuổi. Trong căn phòng nhỏ ở tổ 13, phường Quán Triều (TP Thái Nguyên), chúng tôi ngồi trò chuyện mới biết, ông vừa gầy đi hơn 5kg, không phải do thời tiết nắng nóng, cũng không phải vì vết thương cũ tái phát hành hạ, mà thời gian này ông đang đau đáu hoàn thành cuốn hồi ký về Trung đoàn 165 anh hùng.
Chỉ trong vài năm vừa qua, ông đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ với hàng chục nghìn trang in, gồm các tiểu thuyết “Trung đoàn 165”, “Lính 312 - Khúc bi tráng thời đại”, tổ chức biên tập, biên soạn bộ sách “Ký ức thành cổ” 10 tập.
Đây là những cuốn sách quý về đề tài chiến tranh, góp phần tri ân những người lính, anh hùng liệt sĩ, trong đó có những người con của quê hương Thái Nguyên, đã từng chiến đấu và nằm lại tại mảnh đất Thành cổ Quảng Trị.
Ông tâm sự: Tôi là trai Hà Nội chính cống, sinh năm 1952 tại phường Quán Thánh, quận Ba Đình. Năm 1970, khi là sinh viên đại học năm thứ nhất, tôi xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 20, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 (đơn vị 2 lần được phong tăng danh hiệu Anh hùng LLVT) là chiến sĩ trinh sát.
Tôi từng tham gia 3 chiến trường, 6 chiến dịch và trực tiếp chiến đấu nhiều trận, như: tại Cánh Đồng Chum (Xiêng Khoảng - Lào), chiến trường Quảng Trị, trực tiếp vào giải phóng Sài Gòn… Tôi bị thương 2 lần, hiện là thương binh hạng 2.
Sau khi đất nước thống nhất, tôi về học tại Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là ĐH SP Thái Nguyên) và được cử đi đào tạo chuyên ngành Tiến sĩ Địa lý tại Liên Xô, rồi làm công tác giảng dạy tại ĐH Sư phạm.
Bản thân tôi đã sống sót sau biết bao bom đạn, những trận đánh giáp lá cà, nên tôi hiểu rất rõ giá trị của cuộc sống thời bình. Điều này đã giúp tôi dồn hết tâm sức vào học tập, khi ở nước bạn tôi không quản ngày đêm nghiên cứu, lĩnh hội những tri thức mới, phương pháp hay để về giảng dạy cho sinh viên.
Suốt những năm tháng công tác tại trường đại học Thái Nguyên, tôi đã tham gia chủ biên, soạn nhiều công trình khoa học, giáo trình chuyên môn phục vụ công tác giảng dạy, như: Giáo trình tự nhiên địa lý Việt Nam, Cơ sở khoa học phát triển du lịch Việt Nam…
Ông tâm sự: “Là người lính, trước mặt là quân thù thì phải chắc tay súng, mưu trí, dũng cảm, còn với nhiệm vụ là người thầy thì phải luôn trau dồi kiến thức, đào tạo nhiều trí thức giỏi”.
Mấy năm nay, mặc dù đã nghỉ hưu, ông vẫn tích cực tham gia cộng tác với nhà trường trong công tác giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh.
Đây cũng là khoảng thời gian để ông lục giở hàng chục cuốn nhật ký chiến trường, mỗi trang viết vẫn còn in dấu khói lửa chiến tranh, có những trang thấm máu đồng đội đã ra đi trên chính đôi tay ông. Từ đây, bắt đầu những trang viết thấm đẫm tình đồng chí đồng đội.
Luôn sát cánh cùng đồng đội
Có lẽ, bạn đọc trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên đã quen thuộc với tên tuổi nhà văn Đỗ Dũng, song ít người biết với vai trò Trưởng Ban Liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Sư đoàn 312 tỉnh Thái Nguyên, trong suốt gần 10 năm qua ông đã dành dụm lương hưu để đi khắp các chiến trường xưa, tìm được 23 hài cốt đồng đội, cùng các gia đình đưa 17 liệt sĩ về nước.
Ông kể: Từ lâu, tôi luôn trăn trở, suy nghĩ về những đồng đội đã hi sinh. Phải đến năm 2012 được nghỉ hưu, tôi mới có thời gian toàn tâm toàn ý đi tìm đồng đội. Tôi đã đi Quảng Trị 7 chuyến, sang Lào 8 chuyến.
Có những trường hợp tìm được hài cốt liệt sĩ nhưng khi về địa phương theo địa chỉ của liệt sĩ thì không tìm thấy người thân, tôi và đồng đội lại tiếp tục tìm gia đình cho bằng được để báo tin. 17 lần trực tiếp đưa hài cốt liệt sĩ về với quê hương, với người thân là 17 lần xúc động khôn xiết hòa trong niềm vui hoàn thành tâm nguyện với đồng đội.
Trường hợp tìm mộ của liệt sĩ Hoàng Kiến Phong ở phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên và liệt sĩ Bàn Ngọc Hoàn ở xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương để đưa về quê hương sau 40 năm nằm lại nơi chiến trường cũng khá gian nan.
Đầu tiên là về các đơn vị cũ tìm kiếm thông tin, lần theo đó, tôi đã lặn lội sang Tỉnh đội Xiêng Khoảng (Lào) để hỏi thông tin về phần mộ nhưng không có kết quả.
Không nản lòng, năm 2017 tôi quay trở lại Nghĩa trang Liệt sĩ Việt Lào (tỉnh Nghệ An) để đi từng ngôi mộ, đọc từng tấm bia. Thật may mắn, tôi đã tìm được phần mộ liệt sĩ Bàn Ngọc Hoàn.
Ngay sau khi được tôi báo tin, gia đình từ Phú Lương đã lập tức vào Nghệ An để tiến hành các thủ tục trong đó có giám định ADN… Khi nhận được kết luận chính xác đó là hài cốt liệt sĩ Bàn Ngọc Hoàn, tôi đã cùng với gia đình đưa anh trở về nhà sau 40 năm xa quê hương.
Không chỉ tìm kiếm và đưa đồng đội đã hi sinh về quê nhà, người thương binh, cựu chiến binh Đỗ Trọng Dũng luôn đau đáu tri ân những người đang sống.
Hàng năm, vào cuối tháng 4, Ban liên lạc tổ chức gặp mặt thăm hỏi hội viên. Các anh đã đi xin tài trợ hàng trăm triệu đồng để giúp xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho các hộ thương bệnh binh, nạn nhân chất độc hóa học có hoàn cảnh khó khăn.
Ông trăn trở, năm nay dự định đi xin 5 nhà tình nghĩa, mỗi nhà 50 triệu đồng, các doanh nghiệp đã hứa rồi nhưng do đại dịch việc làm ăn khó khăn nên chưa thực hiện được.
Người cựu binh của Sư đoàn 312 Anh hùng luôn tự hào vì cả đời sống xứng đáng với phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ.
Hơn 40 năm tâm huyết, tận tụy trên bục giảng đường đại học với bao lớp sinh viên đã trưởng thành và giờ đây là những trang viết dạt dào cảm xúc về đồng đội xưa, đó là sự tri ân những đồng đội đã hi sinh để ông được sống và phục vụ nhân dân.
Bằng sự lao động sáng tạo cật lực, ông hy vọng những cuốn sách về Trung đoàn 165 và Sư đoàn 312 sẽ là những khúc tráng ca bất tử.