Ngày 28/5, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, sức khỏe bệnh nhân Trần T. (31 tuổi, trú TP. Huế) đã ổn định, bệnh nhân sinh hoạt bình thường sau khi được các bác sĩ cứu nỗ lực cứu chữa.
Trước đó, 15h40’ ngày 22/5, anh T. được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương không may bị giật điện và ngã xuống nước. Tại đây, các bác sĩ phát hiện anh T. ngưng hô hấp tuần hoàn, ngưng tim, ngưng thở, da niêm mạc tím tái, đồng tử 2 bên giãn to không đáp ứng ánh sáng.
Bệnh nhân được cấp cứu khẩn trương, tiến hành hồi sức tim phổi, ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng oxy qua mask, đặt nội khí quản, sốc điện, dùng thuốc vận mạch và thở máy.
Sau 25 phút hồi sức, bệnh nhân có mạch, huyết áp trở lại, đồng tử co nhỏ, da niêm mạc hồng. Bệnh nhân T. được chuyên khoa Hồi sức tích cực theo dõi điều trị tiếp, một ngày sau đó thì bệnh nhân được rút nội khí quản. Đến nay, bệnh nhân T. tỉnh táo, có thể sinh hoạt như người bình thường.
BS. Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, bệnh nhân được cứu sống nhờ cấp cứu ban đầu kịp thời và chính xác không để lại di chứng tổn thương các phủ tạng như: não, tim, thận....
Theo kết quả nghiên cứu, ngưng tim ngoài viện có tỷ lệ tử vong cao. Theo đó, nghiên cứu tại Mỹ năm 2007 và 2010, tỷ lệ bệnh nhân sống sót do ngưng tim ra viện là 5%. Chính vì vậy, việc cấp cứu ngừng tim, ngừng thở cần tiến hành tại chỗ, khẩn trương kiên trì và đúng kỹ thuật.