| Hotline: 0983.970.780

Đặc biệt quan tâm đến giai đoạn tưới dưỡng lúa vụ xuân 2023

Thứ Hai 06/02/2023 , 20:44 (GMT+7)

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo cần tính toán vận hành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình một cách phù hợp để các địa phương lấy nước, đảm bảo cho giai đoạn tưới dưỡng lúa vụ xuân 2023.

Empty

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (ngoài cùng bên trái) dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra công tác lấy nước đổ ải đợt 2 phục vụ gieo cấy vụ xuân năm 2023. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hà Nội, Vĩnh Phúc chưa hoàn thành lấy nước

Ngày 6/2, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đi kiểm tra công tác lấy nước đổ ải đợt 2 phục vụ gieo cấy vụ xuân năm 2023 tại Trạm bơm Trung Hà, huyện Ba Vì, TP Hà Nội và Trạm bơm điện Đại Định, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo ông Nguyễn Duy Du, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai TP Hà Nội, theo kế hoạch sản xuất vụ Xuân năm 2023, Hà Nội có khoảng hơn 81.000ha diện tích canh tác. Sau 2 đợt xả nước, thành phố đã lấy được nước cho khoảng 55.000ha, đạt 66% diện tích.

“Từ tình hình thực tế đó, Chi cục đã tham mưu cho Sở NN-PTNT TP Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con sử dụng nước tiết kiệm và có kế hoạch sử dụng nước hợp lý. Đồng thời, chỉ đạo các công ty điều tiết nước từ các hồ chứa trong khu vực, lắp bổ sung các trạm bơm dã chiến để cung cấp nước cho bà con địa phương”, ông Nguyễn Duy Du thông tin.

Empty

Dự kiến trong vòng 2 ngày tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ hoàn thành 100% công tác lấy nước phục vụ gieo cấy của người dân. Ảnh: Phạm Hiếu.

Còn theo ông Nguyễn Văn Khước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ngay từ ngày mùng 4 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua, Vĩnh Phúc đã tổ chức đi kiểm tra công tác chuẩn bị để sẵn sàng tiếp cận nguồn nước khi thực hiện xả nước.

Theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT, ngày 2/2 mới thực hiện xả nước nhưng ngay từ ngày 31/1, địa phương đã có thể lấy được nước khi xả đệm. Hiện nay, Vĩnh Phúc đã có 85% diện tích đất canh tác lấy được nước. Dự kiến trong vòng 2 ngày tới, tỉnh sẽ hoàn thành 100% công tác lấy nước phục vụ gieo cấy của người dân.

“Điều chúng tôi lo lắng nhất là giai đoạn tưới dưỡng lúa trong vụ xuân 2023. Do đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Sở NN-PTNT và các công ty thủy nông chuẩn bị các phương án đảm bảo nguồn nước kịp thời cho giai đoạn tưới dưỡng của bà con trong trường hợp xả nước không đạt yêu cầu”, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ.

Đảm bảo đủ nước sản xuất cho vụ xuân 2023

“Đến ngày 8/2 tới, chúng ta sẽ kết thúc lấy nước đợt 2. Hiện nay chỉ còn có 3 địa phương gồm TP Hà Nội, Vĩnh Phúc và Hưng Yên chưa đảm bảo được toàn bộ diện tích đổ ải gieo cấy vụ xuân 2023. Các tỉnh khác cơ bản đã lấy nước theo kế hoạch”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin.

Empty

Hiện nay còn 3 địa phương gồm TP Hà Nội, Vĩnh Phúc và Hưng Yên chưa đảm bảo được toàn bộ diện tích đổ ải gieo cấy vụ xuân 2023. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Thứ trưởng, công tác lấy nước đổ ải vụ xuân 2023 hiện đang phát sinh 2 vấn đề. Thứ nhất, để đảm bảo cho Hà Nội và Vĩnh Phúc có thể đảm bảo công tác lấy nước, cần duy trì mực nước ở trên mực nước tối thiểu một thời gian dài.

“Điều này phụ thuộc vào năng lực của một số trạm bơm dọc sông Hồng của 2 địa phương này”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định.

Thứ hai, đến khoảng trung tuần tháng 2, vụ xuân 2023 của bà con bắt đầu bước vào giai đoạn tưới dưỡng lúa. Theo Thứ trưởng, cần phải tính toán vận hành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình một cách phù hợp để các tỉnh, thành phố có thể lấy nước đảm bảo cho giai đoạn này.

IMG_0681

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, cần quan tâm đến giai đoạn tưới dưỡng lúa của bà con. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Với mực nước tối thiểu và được duy trì bằng cách bơm chuyền, nối trạm bơm, các địa phương cần tiếp tục vận hành liên tục ngày đêm các trạm bơm ngầm để đảm bảo lấy nước đủ cho sản xuất. Trong thời gian nửa tháng đến 1 tháng bắt đầu vào thời điểm tưới dưỡng lúa, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều hành để các địa phương và các trạm bơm dọc tuyến sông Hồng có thể hoạt động bình thường nhằm đảm bảo giai đoạn tưới dưỡng lúa của bà con”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT chia sẻ.

Chia sẻ về lí do cho đến nay tỉ lệ lấy nước của TP Hà Nội thấp hơn so với các địa phương khác, ông Nguyễn Duy Du cho biết, do tập quán canh tác cấy vụ xuân muộn hơn của người dân Thủ đô. Ngoài ra, do bị biến đổi và suy giảm nên lòng dẫn của các sông chính như sông Đà, sông Hồng đang bị giảm rõ rệt dẫn đến mực nước cho các trạm bơm trên địa bàn hoạt động không được đảm bảo.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.