| Hotline: 0983.970.780

Đặc sắc mâm cỗ tết của người vùng cao

Thứ Năm 11/02/2021 , 07:52 (GMT+7)

Cứ mỗi dịp tết đến, các dân tộc ở Cao Bằng lại chuẩn bị những lễ vật, đồ cúng để chuẩn bị cho mâm cỗ ngày tết với những bản sắc văn hóa riêng.

Là hai dân tộc có dân số đông nhất ở Cao Bằng, chiếm khoảng 70% tổng dân số, mâm cỗ tết dân tộc Tày và Nùng có nhiều nét tương đồng.

Chiều 30 Tết Nguyên đán, mọi gia đình đều tất bật chuẩn bị đồ ăn phục vụ cho ngày tết. Quan trọng nhất là phải có con gà thiến để cúng tổ tiên.

Bên cạnh đó, mâm cỗ tết không thể thiếu các món ăn như: Lạp sườn, khau nhục, cá rán, thịt ba chỉ luộc hoặc rán, xôi ngũ sắc, canh miến…

Món xôi đen đặc sản của người Nùng ở Cao Bằng. Ảnh: Công Hải.

Món xôi đen đặc sản của người Nùng ở Cao Bằng. Ảnh: Công Hải.

Bên cạnh các món ăn, các loại bánh như: bánh chưng, bánh khảo, khẩu sli, chè lam… cũng không thể thiếu trên bàn thờ các gia đình người Tày, Nùng; ngoài ra còn để mời khách đến chúc tết gia đình thưởng thức.

Đối với dân tộc Mông, họ thường ăn tết trong 3 ngày nhưng cũng có nơi ăn 6 - 7 ngày, nên việc chuẩn bị cỗ tết được họ chuẩn bị rất chu đáo, cẩn thận.

Giáp tết, những người phụ nữ trong gia đình quây quần bên bếp lửa, giúp nhau chuẩn bị gạo nếp, thịt lợn, lá dong cùng gói bánh chưng. Các chàng trai đảm đương phần việc giã bánh dày.

Món bánh dày của người Mông. Ảnh: Công Hải.

Món bánh dày của người Mông. Ảnh: Công Hải.

Với người Mông, bánh dày là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai gái, bánh dày còn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài. Nhịp chày giã bánh ở các gia đình vang lên lúc nhanh lúc chậm, vang vọng cả núi rừng, làm cho không khí đón tết thêm rộn ràng, náo nức.

Bên cạnh đó, món mèn mén làm từ ngô được xát mịn, trải qua nhiều lần đồ chín cũng là món ăn đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết.

Anh Đào Văn Lùng, dân tộc Mông, xóm Ca Rài, xã Đại Tiến, huyện Hòa An chia sẻ: Người Mông ở Đại Tiến những năm gần đây đều đón Tết Nguyên đán đúng ngày. Những gia đình khá giả có thể còn mổ lợn, bò... làm lễ cúng tết. 

Đối với người Dao, trước tết cả tháng, các gia đình đã chuẩn bị lợn, gà, gạo nếp ngon và lá dong để gói bánh chưng. Nét đặc sắc của chiếc bánh chưng người Dao là tượng trưng cho hình ảnh người phụ nữ chịu thương, chịu khó. Khi gói bánh, những bàn tay khéo léo sẽ tạo ra chiếc “lưng gù” cho bánh nên bánh chưng của người Dao còn được gọi là bánh chưng gù.

Những ngày cuối của tháng Chạp bận rộn, mỗi gia đình sẽ mổ một con lợn để làm thực phẩm ăn trong dịp tết, phần còn lại sẽ làm thịt treo gác bếp làm thức ăn dự trữ ra tháng Giêng. Riêng món thịt treo gác bếp để càng lâu thịt sẽ chảy mỡ, miếng thịt khô lại và trong, khi đó đem xào với lá tỏi. Đậu nhồi thịt cũng là món ăn đặc trưng của người Dao. Đậu phụ trắng đem nhồi thịt băm có trộn mắm muối, hành lá vào rồi đem nấu chín.

Người Dao đỏ nấu mèn mén làm từ ngô xay dịp tết. Ảnh: Công Hải.

Người Dao đỏ nấu mèn mén làm từ ngô xay dịp tết. Ảnh: Công Hải.

Đặc biệt, người Dao có một thứ đặc sản đó là rượu ngô men lá. Loại rượu nấu bằng ngô hạt địa phương, ủ lâu ngày bằng men lá và chưng cất cách thủy sẽ cho ra thứ rượu trong vắt, có nồng độ cồn từ 30 - 35 độ vừa thơm vừa đặc, khách uống vào say lúc nào không biết. Món ăn mèn mén cũng là món ăn truyền thống của người Dao, cách làm như mèn mén của người Mông.

Với người Lô Lô, vào ngày cuối cùng của năm cũ, mọi người sẽ quét dọn nhà cửa sạch sẽ để chuẩn bị đón tài lộc năm mới, tổ chức bữa cơm sum họp. Những người đàn ông trong gia đình có nhiệm vụ bắt lợn, gà chuẩn bị các món ăn cho bữa cơm tất niên.

Người Lô Lô quan niệm bước sang năm mới, trong nhà không chỉ có ngô, gạo mà phải có nhiều củi và nước - biểu hiện của một năm làm ăn sung túc.

Thịt treo gác bếp là thức ăn không thể thiếu của người Lô Lô trong ngày Tết. Ảnh: Công Hải.

Thịt treo gác bếp là thức ăn không thể thiếu của người Lô Lô trong ngày Tết. Ảnh: Công Hải.

Đêm giao thừa sẽ có người đi gánh nước tại mỏ nước của bản về nhào bột, làm bánh nếp. Đây là loại bánh cũng gói bằng lá dong tựa như bánh chưng. Màu bánh rất đặc biệt bởi gạo được ngâm bằng nước của loại lá lấy từ trên rừng, có màu xám đen.

Theo quan niệm của người Lô Lô, bữa cơm cúng tổ tiên và các thần linh phải được chuẩn bị từ những thực phẩm từ thiên nhiên hoặc do chính bàn tay lao động làm ra, để tỏ lòng thành kính với tổ tiên và thần đất sẽ xua đuổi tà ma, rủi ro, đem lại may mắn trong năm mới.

Cao Bằng hiện có hơn 20 dân tộc cùng sinh sống. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng biệt được gìn giữ đến ngày nay.

Đặc biệt, phong tục đón tết và dư vị mâm cỗ ngày tết của nhiều dân tộc được lưu giữ nguyên vẹn đến ngày nay.

Ngày tết, các thành viên gia đình, anh em họ hàng cùng nhau quây quần bên mâm cỗ, cùng thưởng thức những món ăn truyền thống của dân tộc mình góp phần tăng thêm tình đoàn kết, góp phần tạo nên hương vị ngày tết vùng cao thêm đậm đà, đầm ấm.

Xem thêm
Vì sao áp thuế GTGT 5% lại tạo điều kiện giảm giá phân bón?

Lo lắng áp thuế GTGT 5% lên phân bón sẽ làm tăng giá, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp có đúng không?

Bệnh chết cây con dưa hấu và cách phòng trị

Dưa hấu có thể trồng quanh năm và cho giá trị kinh tế cao, nhưng thường bị bệnh chết cây con khiến nhà nông rất mệt mỏi và âu lo.

Mavin được vinh danh tại giải thưởng Saigon Times CSR 2024

Ngày 14/11/2024, tại GEM Center, TP.HCM, Tập đoàn Mavin đã vinh dự nhận giải thưởng Saigon Times CSR 2024 do The Saigon Times, thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?