Theo cáo trạng, cuối năm 2008, PVN đã ký thỏa thuận với Oceanbank và trở thành cổ đông, đối tác chiến lược, góp 20% vốn điều lệ vào ngân hàng này.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn |
Nguyễn Xuân Sơn, TGĐ công ty Tài chính Dầu khí VN (PVFC) được PVN giới thiệu cử làm thành viên HĐQT kiêm chức vụ TGĐ Oceanbank và đã được HĐQT Oceanbank bổ nhiệm, giữ chức vụ TGĐ từ ngày 1/1/2009 đến ngày 15/11/2010.
Trả lời thẩm vấn của luật sư, Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, từ khi PVN góp vốn vào Oceanbank, Tập đoàn Dầu khí đã để ông Nguyễn Ngọc Sự và bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện vốn, còn Sơn được giới thiệu nhưng chưa có quyết định.
"Theo quy định, người đại diện phải có quyết định đại diện bao nhiêu phần trăm cổ phần, từ ngày nào đến ngày nào... HĐQT phải có một nghị quyết, có quyết định bổ nhiệm, có văn bản giới thiệu với Oceanbank. Nhưng bị cáo chưa nhận được quyết định của PVN”, Nguyễn Xuân Sơn nói.
Được mời đối chất, luật sư Hoàng Văn Dũng – người đại diện PVN tại phiên tòa khẳng định: Mặc dù không có quyết định bổ nhiệm nhưng PVN đã có công văn gửi sang Oceanbank cử ông Nguyễn Xuân Sơn làm đại diện góp vốn. Theo luật sư, theo quy chế cử người đại diện thì có thể dùng công văn hoặc có quyết định bổ nhiệm bị cáo Sơn đại diện phần vốn góp của PVN tại Oceanbank.
Về vấn đề này, khi được hỏi, Hà Văn Thắm khai, khi PVN gửi quyết định cử Nguyễn Xuân Sơn sang Oceanbank, chính Hà Văn Thắm đã không đồng ý vì sai luật và PVN có giới thiệu bị cáo Sơn sang đại diện vốn góp của PVN tại Oceanbank nhưng Oceanbank chưa bao giờ tiếp nhận nên quyết định này chưa có giá trị pháp lý.
Theo Hà Văn Thắm, TGĐ của Ngân hàng không được kiêm nhiệm chức vụ ở tổ chức khác nên quyết định giới thiệu ông Sơn làm người đại diện vốn góp là không có hiệu lực, do vậy mới có việc chuyển toàn bộ phần đại diện sang cho ông Sự. Sau đó bà Hương làm đại diện thay thế và tham gia vào HĐQT của Oceanbank.
Mặc dù có văn bản giới thiệu nhưng ông Sơn không có tư cách làm người đại diện và chỉ đơn thuần là giai đoạn quá độ từ ông Sự sang bà Hương, ông Sơn không tham cuộc họp HĐQT nào với tư cách đại diện vốn của PVN.
Bất ngờ hơn, Hà Văn Thắm còn khẳng định, theo quy định của Điều lệ và Luật Doanh nghiệp, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tham gia HĐQT của Oceanbank là do đại diện 62,9% phần vốn góp của bị cáo. “Nếu quy kết anh Sơn lợi dụng chức vụ gây thiệt hại cho các cổ đông thì anh Sơn chỉ lợi dụng bị cáo”, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank cho biết.
Ngoài ra, Hà Văn Thắm khai nhận, Oceanbank không phải làm các thủ tục hợp thức người đại diện phần vốn góp. Ngân hàng chỉ tiếp nhận tờ quyết định/giới thiệu xem xét có hợp lệ không: “Với trường hợp anh Nguyễn Xuân Sơn bị cáo thấy không hợp lệ vì anh Sơn từng là Tổng giám đốc Oceanbank. Trước đó, anh Sơn có đơn xin thôi việc ở PVN. Anh Sơn không thể là đại diện phần vốn góp. Còn đối với trường hợp ông Nguyễn Ngọc Sự, bà Lê Thị Thanh Hương, Oceanbank tiếp nhận, không có quyền từ chối”.
Với việc tranh cãi như trên, hành vi, trách nhiệm liên quan đến việc góp vốn của cổ đông có vốn Nhà nước vào Oceanbank, mà cụ thể là PVN góp 800 tỷ đồng, đến nay không có khả năng thu hồi do Oceanbank bị NHNN mua với giá 0 đồng, dẫn tới các đơn vị này bị lỗ số tiền góp vốn cần phải tiếp tục làm rõ.