Ông phân tích, chục năm qua, có nguyên nhân từ chính sách tín dụng mà ngành thủy sản lâm cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản phá sản, chủ doanh nghiệp bị bắt.
Ở tỉnh An Giang, có 14 doanh nghiệp chế biến thủy sản nhưng hầu hết hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động, chỉ 4 doanh nghiệp khá, trong đó có Tafishco. Khi có chủ trương thí điểm xây dựng chuỗi liên kết dọc cá tra, vận động mãi Tafishco mới chịu tham gia. Thực hiện chuỗi, giải quyết được vấn đề lớn của ngành cá tra là vốn tín dụng đáp ứng đủ nhu cầu, từ nuôi đến chế biến xuất khẩu.
Về ý kiến nhận xét, cho vay chuỗi là bỏ vốn tín dụng vào một giỏ (vốn vay cuối cùng tập trung ở doanh nghiệp chế biến xuất khẩu) nên cần “nắm người có tóc”, theo ông Thắng là rất cần trao đổi thêm. Còn Tafishco khi lập đề án thực hiện chuỗi, đang khá năng động và hoạt động có hiệu quả, tuy nhiên tài chính yếu là thực trạng chung. Và dù tài chính yếu, Tafishco thực hiện chuỗi mấy năm đầu có kết quả khá tốt. “Ngay cả bây giờ, theo tôi nếu vợ chồng ông bà chủ Tafishco ở lại điều hành doanh nghiệp thì vẫn hoạt động không đến nỗi”, ông Thắng nhấn mạnh.
Từ đó, ông Thắng bày tỏ hy vọng, ngân hàng và UBND tỉnh An Giang sẽ tìm được con đường xử lý nợ của chuỗi liên kết Tafishco không để xảy ra đổ vỡ dây chuyền. Cũng chính lúc này, ngân hàng càng cần tỏ rõ vai trò là mạch máu của nền kinh tế, không để đổ vỡ chuỗi liên kết thí điểm; không chỉ hỗ trợ nông dân yên tâm nuôi cá mà còn thúc đẩy phát triển công nghệ chế biến để nâng cao giá trị cá tra.
Ông Thắng phân tích thêm, nhà máy của Tafishco và cả ngành chế biến cá tra nói chung còn kém, mới chủ yếu chế biến phi-lê đông lạnh, còn hơn 60% khối lượng con cá được coi là phụ phẩm chưa khai thác tốt. “Chỉ hai miếng phi-lê mà phải gánh hiệu quả kinh tế cho cả con cá là rất khó khăn. Ngân hàng cần cho vay vốn khuyến khích đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm mới, khai thác tiềm năng phụ phẩm của con cá thì ngành cá tra phát triển bền vững”, ông Thắng nói.
Và dù chuỗi liên kết Tafishco đang dội gáo nước lạnh vào ngành cá tra nhưng ông Thắng vẫn có niềm tin lạc quan vào thế đi lên của ngành. Dẫn chứng năm 2016 nhiều khó khăn mà xuất khẩu sản phẩm cá tra đạt kim ngạch hơn 1,71 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2015. Ông nói, thời kỳ khó khăn nên có nhiễu loạn, lâu lâu bùng nổ một vụ việc, nhưng khi mạch máu kinh tế lưu thông tốt thì sẽ trật tự, khỏe mạnh.