Huy động nguồn xã hội hóa để thực hiện tiêu chí khó
Theo ông Đào Trọng Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã, quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, Thiện Kế đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân tham gia hiến đất, ngày công lao động làm rãnh thoát nước, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, mở rộng khuôn viên nhà văn hóa thôn, thực hiện vệ sinh môi trường, tự phân loại rác tại hộ gia đình; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, kịp thời phát hiện những mô hình, cách làm hay để nhân rộng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã tranh thủ vận động nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cho xây dựng NTM nâng cao.
Với cách làm này, chỉ sau hơn 2 năm, Thiện Kế đã huy động từ nguồn xã hội hóa được trên 60 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp trên 25 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao, nhất là tiêu chí khó, cần đến nguồn lực lớn như xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án thuộc tiêu chí văn hóa, giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường…
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng làm được như Thiện Kế. Tại các địa phương đăng ký đạt chuẩn xã NTM nâng cao, thôn dân cư NTM kiểu mẫu năm 2021 của tỉnh, tiến độ thực hiện các tiêu chí còn chậm và gặp nhiều vướng mắc, nhất là các tiêu chí: Giao thông, môi trường, thu nhập… Nguyên nhân chủ yếu là do thời gian qua, các địa phương đều tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Mặt khác, UBND tỉnh chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các xã thực hiện chương trình này trong khi khả năng đóng góp của nhân dân còn hạn chế; một số thôn người dân chưa vào cuộc, chưa phát huy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Trên thực tế, xây dựng NTM nâng cao chính là quá trình chuyển từ “lượng” sang “chất” và người dân vẫn là chủ thể, trực tiếp thực hiện cũng như hưởng thụ. Giai đoạn 2021 - 2025, Vĩnh Phúc đã đặt mục tiêu phấn đấu có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 30% số thôn được công nhận thôn dân cư NTM kiểu mẫu.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 8/2021, trong số 11 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, 36 thôn đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2021, mới chỉ có 2 xã đạt 4/5 tiêu chí, 4 xã đạt 3/5 tiêu chí, 4 xã đạt 2/5 tiêu chí và 1 xã đạt 1/5 tiêu chí; có 1 thôn đạt 9/9 tiêu chí, 18 thôn đạt 8/9 tiêu chí, 6 thôn đạt 7/9 tiêu chí, 7 thôn đạt 6/9 tiêu chí, 3 thôn đạt 4/9 tiêu chí…
Đây là con số rất khiêm tốn bởi xây dựng xã NTM nâng cao phải là quá trình liên tục nhằm bảo vệ, giữ vững thành quả trong xây dựng NTM bền vững. Nếu các địa phương không duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí sẽ rất dễ đánh mất các tiêu chí đã đạt trước đó.
Ban hành cơ chế, chính sách phù hợp
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, nhất là về nguồn vốn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành phụ trách tiêu chí nông thôn mới tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM tỉnh ban hành bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, thôn dân cư NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021- 2025 cùng những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho chương trình.
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hồ sơ, thủ tục; phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng và hoàn thiện các hạng mục trong các tiêu chí chưa đạt như: Rải nhựa các tuyến đường trục xã, trục thôn; xây dựng hệ thống điện chiếu sáng đường giao thông trục xã, trục thôn, liên thôn, ngõ xóm; hỗ trợ duy tu, nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng, xây dựng trường đạt chuẩn mức độ 2…
Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên cùng với nỗ lực, quyết tâm hoàn thành mục tiêu của các địa phương, chương trình xây dựng NTM nâng cao năm 2021 của tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tháo dần các nút thắt, nhất là những ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh Covid-19 đem lại để có thể cán đích theo đúng lộ trình.