Đánh giá chất lượng vacxin trước khi sử dụng diện rộng
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), đầu năm 2022, cả nước xảy ra 753 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 225 huyện của 47 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 36.516 con.
Hiện cả nước có 138 ổ dịch tại 62 huyện của 21 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày, số lợn mắc bệnh là 9.867 con, tổng số lợn chết và tiêu hủy là 10.076 con. So với cùng kỳ năm 2021, xã có dịch tả lợn Châu Phi giảm 1,5 lần và số lợn bị tiêu hủy giảm gần 3 lần.
Cuối tháng 5/2022 vừa qua, Bộ NN-PTNT đã có ý kiến để Cục Thú y cấp giấy chứng nhận lưu hành vacxin dịch tả lợn Châu Phi NAVET-ASFVAC cho Công ty Cổ phần Thuốc thú y Navetco và tổ chức lễ công bố vacxin vào ngày 3/6/2022.
Ngày 6/7, Cục Thú y tổ chức họp với các tỉnh, các doanh nghiệp về sử dụng 600.000 liều vacxin NAVET-ASFVAC từ tháng 7/2022.
Trao đổi với báo Nông nghiệp Việt Nam, Quyền Cục trưởng Cục Thú y, ông Nguyễn Văn Long, cho biết, ngay sau khi vacxin dịch tả lợn Châu Phi được chứng nhận lưu hành, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y kiểm tra, đánh giá chất lượng, đảm bảo vô trùng, an toàn về hiệu lực của 10 lô vacxin sắp được đưa vào sử dụng tới đây.
Đồng thời, việc sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, 600.000 liều vacxin dịch tả lợn Châu Phi sẽ được tiêm tại một số trang trại, địa phương để theo dõi, đánh giá và kiểm soát. Giai đoạn thứ hai, sau khi có kết quả đánh giá, Cục Thú y sẽ báo cáo Bộ NN-PTNT để xem xét, sử dụng trên diện rộng.
Thực hiện theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục Thú y đã làm việc với Công ty Navetco và các địa phương để lập danh sách các cơ sở chăn nuôi dự kiến sẽ sử dụng vacxin để theo dõi, đánh giá.
“Trước và sau khi tiêm vacxin, cần lưu ý việc theo dõi xem đàn lợn có biến động về mặt lâm sàng hay không. Bên cạnh đó, cần lấy mẫu để kiểm tra tầm ảnh hưởng, biến đổi bài thải virus của vacxin cũng như lấy mẫu để đánh giá đáp ứng miễn dịch của đàn lợn đã được tiêm vacxin”, ông Nguyễn Văn Long lưu ý.
Với những tiêu chí kĩ thuật như vậy, lãnh đạo Cục Thú y bày tỏ sự tin tưởng việc sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi sẽ thành công. Theo đó, sau khi đã đảm bảo an toàn, hiệu lực của vacxin, Cục Thú y sẽ báo cáo Bộ NN-PTNT xem xét, quyết định đưa vacxin dịch tả lợn Châu Phi vào sử dụng trên diện rộng.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Cục Thú y cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, trước tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, trong những tháng còn lại của năm 2022, toàn bộ hệ thống thú y phải tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa công tác quản lý thuốc, quản lý vacxin, quản lý hoạt động giết mổ và phòng chống dịch bệnh, hình thành lá chắn thép trước dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Đảm bảo nguồn cung thực phẩm những tháng cuối năm
Theo ông Nguyễn Văn Long, vào những tháng cuối năm cũng như đầu năm sau, nguy cơ xảy ra dịch bệnh thường tăng cao do 3 nguyên nhân chính: Tổng đàn gia tăng; lưu lượng buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia tăng và các yếu tố về thời tiết.
Chính vì vậy, theo lãnh đạo Cục Thú y, để có thể đảm bảo một nguồn cung thực phẩm ổn định, chất lượng, đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng lớn vào dịp cuối năm, các đơn vị cần phải theo dõi, giám sát, kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng và phải xử lý các ổ dịch ngay từ khi còn trong diện hẹp.
“Bên cạnh đó, cần chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa bằng cách tiêm phòng vacxin. Hiện nay chúng ta có đầy đủ tất cả các loại vacxin, ngay cả bệnh dịch tả lợn Châu Phi cũng đã có”, ông Nguyễn Văn Long cho biết.
Cùng với đó, Quyền Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh việc đẩy mạnh các giải pháp xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Để làm được việc đó, trong năm 2022, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về đẩy mạnh xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh. Đồng thời, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch, dự án đẩy mạnh xây dựng vùng an toàn dịch bệnh quy mô lớn.
“Theo đó, các cơ quan của ngành thú y phải bám sát tình hình thực tiễn, đồng thời thành lập các tổ đội công tác hỗ trợ người chăn nuôi, các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các yêu cầu về an toàn dịch bệnh, từ đó tiến hành tổ chức xây dựng. Ngoài ra, cần chủ động, giám sát để chứng minh không có dịch bệnh tại khu vực, nếu có nguy cơ cần kịp thời xử lý, không để phát sinh dịch bệnh”, ông Nguyễn Văn Long nêu yêu cầu.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lũy kế cả nước có 2.329 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 50 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh, bao gồm: 1.052 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 1.131 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn và 146 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Thú y đã thẩm định và cấp giấy chứng nhận cho 10 vùng cấp huyện của TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước.
Theo Quyền Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, vừa qua Cục đã tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ NN-PTNT về việc cấp Giấy chứng nhận lưu hành vacxin AVAC ASF LIVE (vacxin dịch tả lợn Châu Phi nhược độc, đông khô) của Công ty TNHH MTV AVAC Việt Nam. Đồng thời, tổ chức thẩm định giống virus vacxin và kiểm nghiệm 3 lô vacxin dịch tả lợn Châu Phi của Tập đoàn Dabaco Việt Nam.