Tham dự Đại hội, về phía Công ty mẹ - Cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có ông Đinh Văn Sơn, Thành viên HĐTV Tập đoàn cùng đại diện các Ban Chuyên môn Tập đoàn.
Về phía PVCFC có ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch HĐQT; ông Văn Tiến Thanh, Tổng giám đốc cùng các ông, bà trong HĐQT, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát, cán bộ chủ chốt của Công ty và đặc biệt là sự hiện diện của các cổ đông, đại diện cho 85,19% số cổ phần có quyền biểu quyết, cùng đại diện Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, Công ty TNHH Deloite Việt Nam.
Trong phiên họp, các cổ đông đã nghe các báo cáo, tờ trình: Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2019 và các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2020; Báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị năm 2019, phương hướng hoạt động 2020; Báo cáo hoạt động của BKS năm 2019, kế hoạch 2020 và đề xuất lựa chọn đơn vị kiểm toán BCTC năm 2020; Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019; Phương án phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ, chia cổ tức năm 2019 và Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2020; Báo cáo tiền lương, tiền thưởng, thù lao, lợi ích khác năm 2019 và Kế hoạch năm 2020 của Ban Quản lý, Điều hành; Bầu cử Thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát.
Báo cáo tại phiên họp, ông Văn Tiến Thanh, Tổng giám đốc PVCFC cho biết, năm 2019, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng Đạm Cà Mau đã nỗ lực và đạt kết quả đáng tự hào.
Trong đó, sản xuất duy trì ở mức 110% công suất và là năm đầu tiên đạt 870.000 tấn, về đích trước 36 ngày. Doanh thu kết năm đạt 7.209 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 460 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 426 tỷ đồng. Hơn 1 triệu tấn sản phẩm được tiêu thụ, cán mốc 6 triệu tấn sau 8 năm vận hành. Bên cạnh giữ vững 60% thị phần khu vực Tây Nam bộ, Đạm Cà Mau tiếp tục nâng dần thị phần ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Campuchia và từng bước tham gia thị trường quốc tế với việc xuất khẩu 75.000 tấn vào các nước thuộc khu vực Đông Nam Á.
Kết quả đó đã thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ Đạm Cà Mau khi phải đối diện với rất nhiều khó khăn ở các góc độ khác nhau. Từ đầu năm 2019, Đạm Cà Mau phải đối mặt với việc không còn hưởng cơ chế giá khí ưu đãi như các năm qua mà bắt đầu chịu giá khí thị trường điều này làm tăng chi phí mua khí, giảm hiệu quả SXKD và giảm khả năng cạnh tranh với các đơn vị sản xuất phân đạm khác trong nước và cả khu vực. Thêm vào đó là sự ảnh hưởng của thời tiết bất lợi và giá nông sản xuống thấp làm nhu cầu sụt giảm, thị trường phân bón cạnh tranh khốc liệt hơn.
Trong năm 2020, DCM đặt kế hoạch sản xuất hơn 1 triệu tấn phân bón, trong đó hơn 800.000 tấn Đạm Cà Mau, 160.000 tấn NPK; sản lượng kinh doanh hơn 1 triệu tấn phân bón; doanh thu gần 8.000 tỷ đồng, tăng 10% tổng doanh thu so với năm 2019.
Để đạt được kế hoạch, DCM đề ra và khẩn trương thực hiện các giải pháp tối ưu hóa đồng bộ từ sản xuất đến kinh doanh, nghiên cứu phát triển và tái cấu trúc bộ máy nhằm phát huy các lợi thế cạnh tranh, phát triển những thị trường tiềm năng, đa dạng hóa sản phẩm, định hướng nguồn nguyên liệu lâu dài cho Nhà máy, đồng thời tiếp tục ưu tiên tiết giảm chi phí mọi mặt để bảo đảm hiệu quả kinh doanh…
Trong năm 2020, DCM cũng đặt ra 6 nhiệm vụ chủ yếu, trong đó, quan trọng nhất là đưa vào vận hành và khai thác hiệu quả phân xưởng NPK, đưa sản phẩm NPK Cà Mau phát triển hiệu quả ở thị trường Tây Nam bộ…
Cũng trong phiên họp, Ban lãnh đạo Công ty cũng cập nhật sơ bộ đến các cổ đông về tình hình SXKD của PVCFC ước trong 6 tháng đầu năm 2020. Theo đó, nhờ sản lượng sản xuất cao, chi phí năng lượng được tối ưu; đặc biệt là lợi thế giá khí nguyên liệu đầu vào thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lợi nhuận trước thuế của DCM trong 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 330 tỷ, vượt nhiều lần so với kế hoạch năm đề ra ban đầu.
Trong phần thảo luận, các cổ đông đã tích cực đóng góp các ý kiến, đặt câu hỏi và đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Đoàn chủ tịch phiên họp cũng đã cập nhật thông tin, trả lời các vấn đề mà các cổ đông quan tâm liên quan đến nguồn khí, giá khí và vấn đề sản phẩm, thị trường của sản phẩm NPK.
Thay mặt cho lãnh đạo PVN, ông Đinh Văn Sơn biểu dương và đánh giá cao kết quả SXKD mà PVCFC đạt được trong năm 2019. Trong năm qua, PVCFC có những khó khăn, thách thức đồng thời có những may mắn, cơ hội nhưng quan trọng hơn hết là tập thể Ban lãnh đạo, CBCNV PVCFC đã nỗ lực, đồng lòng, rất quyết tâm và sáng tạo; áp dụng nhiều biện pháp để tiết giảm chi phí, tối ưu hóa công nghệ, nâng cao năng suất, vận hành Nhà máy ổn định, hiệu quả để mang lại những kết quả chung ngoài mong đơi.
Thành viên HĐTV Đinh Văn Sơn cũng bày tỏ tin tưởng những giải pháp, chiến lược mà Ban lãnh đạo PVCFC xây dựng, triển khai trong giai đoạn tới liên quan đến công tác quản trị, chiến lược nguồn khí, nguồn nguyên liệu thay thế ổn định, đa dạng hóa sản phẩm,… là phù hợp và tốt nhất. Qua đó, tin tưởng rằng hoạt động của Đạm Cà Mau giai đoạn tới sẽ tiếp tục gặt hái được thành công.
Ông Đinh Văn Sơn mong muốn Đạm Cà Mau sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các cổ đông trong giai đoạn tới. Về phía Tập đoàn, ông cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực hết trách nhiệm trong việc hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, đảm bảo nguồn khí cho Đạm Cà Mau hoạt động ổn định, phát triển bền vững.
Thay mặt Ban quản trị, điều hành và CBCNV Công ty, ông Văn Tiến Thanh - Tổng giám đốc PVCFC đã trân trọng gửi lời cảm ơn đến các cổ đông đã tham dự, đóng góp ý kiến và quan tâm chia sẻ về hoạt động của Công ty trong năm 2019 và kế hoạch năm 2020. Đặc biệt là sự quan tâm hỗ trợ và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tập đoàn đã tạo cơ hội cho Đạm Cà Mau hoạt động ổn định, từ đó phát huy nội lực và phát triển.
Trên cơ sở nhận thức các thách thức, Ban quản trị, điều hành và người lao động của Công ty cam kết sẽ quyết tâm, nỗ lực triển khai các giải pháp, tận dụng cơ hội để phát triển, hoàn thành nhiệm vụ được ĐHĐCĐ giao phó.
Cũng tại phiên họp, các cổ đông cũng đã bỏ phiếu thông qua các báo cáo, tờ trình với số phiếu đồng thuận cao; tại phiên họp, các cổ đông cũng đã bầu 02 thành viên HĐQT và 01 Kiểm soát viên (do hết nhiệm kỳ), bầu bổ sung 01 thành viên HĐQT độc lập với nhiệm kỳ của từng thành viên là 5 năm từ năm 2020-2025.