Đặc biệt, đầm Thị Nại còn là đường tiêu thoát lũ của sông Kôn và sông Hà Thanh.
Người dân phản ứng gay gắt nạn hút cát ở đầm Thị Nại để phục vụ thi công dự án. |
Hiện đầm đang bị “băm nát” bởi hoạt động hút cát của các doanh nghiệp để thực hiện các dự án chung cư, thương mại, du lịch, dịch vụ.
Chỉ tay về chiếc máy hút cát nằm chình ình trên đầm Thị Nại, ông Nguyễn Văn Mới (69 tuổi) phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), bức xúc nói: “Đầm Thị Nại có đến 500 hộ dân ở vùng Tuy Phước, Quy Nhơn kiếm sống bằng khai thác thủy sản. Do đó, chẳng những người dân chúng tôi bảo vệ rừng ngập mặn tự nhiên để giữ kế sinh nhai, mà Nhà nước cũng đổ rất nhiều tiền để trồng thêm rừng để giữ gìn hệ sinh thái. Vậy mà đầm đang bị biến dạng do những chiếc máy hút cát của doanh nghiệp để thực hiện các dự án chung cư, thương mại, du lịch, dịch vụ”.
Dự án “bức tử” đầm Thị Nại đầu tiên bị người dân địa phương “điểm mặt” là dự án “Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại” của Cty CP Thị Nại EcoBay. Dự án được quy hoạch nằm ở khu vực ven đầm Thị Nại với quy mô trên 117ha, dự kiến tổng vốn đầu tư 4.998 tỷ đồng. Theo giới thiệu tổng quan của chủ đầu tư, dự án sẽ có 982 biệt thự (29,04ha), khu dịch vụ thương mại (2,45ha), nhà hàng trên đảo (1,60ha), khu resort trên mặt nước (1,59ha) và khách sạn trên đảo…
Cảnh hút cát trên đầm Thị Nại để phục vụ dự án Eco Bay. |
Theo tìm hiểu của PV, để thực hiện dự án “Thị Nại Eco Bay” trong khi chưa được bố trí mỏ khai thác chính thức, đơn vị thi công đã hút cát ở đầm Thị Nại, mua nguồn cát được lấy từ Khu kinh tế Nhơn Hội để san lấp mặt bằng. “Chúng tôi cho hút bùn cát trong dự án để san lấp mặt bằng tạm, chứ không thì cả trăm công nhân bị thất nghiệp”, ông Đinh Trọng Quang, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thị Nại Eco Bay, bộc bạch.
Đối với dự án này, theo khẳng định của một lãnh đạo Sở TN-MT Bình Định, chủ đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Thị Nại Eco Bay. Tuy nhiên, nội dung báo cáo chỉ đánh giá tác động môi trường của khu EcoBay, chưa đánh giá tác động hoạt động nạo vét, bơm hút bùn và cát tại đầm Thị Nại vì có hồ sơ riêng.
Tiếp đến là Dự án là Chung cư cao cấp An Phú Thịnh Garden Tower, có tổng diện tích 1,15ha, được thiết kế hai tòa tháp cao 19 tầng theo hình chữ V. Chủ đầu tư dự án là Cty Đầu tư phát triển - Xây dựng và du lịch An Phú Thịnh. Đây là dự án có mật độ phạm vi san lấp mặt bằng rất lớn với diện tích hàng nghìn m2.
Khu vực dự án được san lấp mặt bằng với số lượng cát rất lớn được hút lên từ đầm Thị Nại. |
Điều đáng nói ở đây là chủ đầu tư dự án này đã ngang nhiên hút cát dưới đầm Thị Nại đưa về san lấp lạch Lá Bé để tạo mặt bằng xây dựng dự án. Doanh nghiệp dùng cát hút từ dưới đầm cùng đất đất và xà bần đổ xuống lấp làm thu hẹp diện tích mặt nước lạch, giảm lưu lượng dòng chảy và mất nguồn sinh sống của các loài thủy hải sản sinh sống trên đầm. Nghiêm trọng hơn cả khu vực rừng đước bị hủy diệt bởi đất, xà bần, cát, khiến rừng đước không còn khả năng sinh trưởng và phát triển.
“Việc hình thành các dự án trên đầm Thị Nại chắc chắn sẽ gây tác động, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, dòng chảy tại khu vực, nên cần có các tính toán cụ thể và giải pháp giảm thiểu đi kèm khi tiến hành thẩm định, triển khai xây dựng dự án. Ngoài ra, để có các giai pháp lâu dài tổng thể, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng lập đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực phía Đông Đầm Thị Nại”, một lãnh đạo Sở TN-MT Bình Định cho hay. |