Sáng 4/1, trao đổi với PV NNVN, ông Cao Thanh Thọ, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (NTTS) cho biết, ngay sau khi nhận được nguồn tin, ngày 23/12 Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành (Chi cục Thú y, Phòng NTTS) phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xuống hiện trường khảo sát, đánh giá tình hình.
Ngao chết trắng bãi (ảnh do người dân cung cấp)
“Kết quả xét nghiệm mẫu nước, mẫu ngao cho thấy nguyên nhân ngao chết không phải do mắc bệnh truyền nhiễm ký sinh trùng perkinsus”, ông Thọ khẳng định.
Qua lời kể của các hộ nuôi thuộc địa bàn xã Hải Lộc, tình trạng ngao chết bắt đầu xuất hiện từ ngày 17/12 nhưng chỉ ở mức độ rải rác không đáng kể, tuy nhiên thời gian tiếp theo, đỉnh điểm là 2 ngày 21 và 22/12 thì số lượng ngao chết tăng nhanh chóng mặt. Trải dài khắp các bãi triều diện tích hàng chục hecta nhìn đâu đâu cũng thấy xác ngao nằm chất đống, đảo mắt xung quanh là một màu trắng xóa, ngao chết nhiều đến độ người dân không kịp xử lý thu gom, chứng kiến cảnh này nhiều người không kìm nổi nước mắt.
“Gia đình tôi đầu tư 500 triệu đồng triển khai nuôi 2ha ngao thành phẩm, dự kiến sẽ thu hoạch không dưới 100 tấn để phục vụ cho thị trường dịp Tết Nguyên Đán. Đang tính toán sau vụ này sẽ có thêm đồng ra, đồng vào trang trải bớt nợ nần, có ngờ đâu tất cả bỗng chốc tan biến như bọt biển.
Chỉ trong chớp mắt 80% diện tích ngao chết sạch bách, như thế này người nông dân chúng tôi biết xoay xở ra sao”, anh Mai Văn Thủy, trú tại thôn Tân Lộc, xã Hải Lộc rầu rĩ cho biết.
Chung tâm trạng là hộ của ông Nguyễn Văn Tự, trú cùng thôn. Gắn bó với nghề nhiều năm nay, trải qua bao phen thăng trầm nhưng chưa bao giờ ông Tự thấy tình hình bi đát như lúc này.
“Nuôi ngao phụ thuộc hoàn toàn vào môi trường tự nhiên nên rủi ro là điều khó tránh khỏi, nhưng mức độ nghiêm trọng như thế này thì chưa từng có. Bao nhiêu vốn liếng, công sức đổ dồn vào ao đầm giờ đổi lại là 2 bàn tay trắng, 60 tấn ngao thịt đến kỳ cho thu hoạch và 50 tấn ngao giống chết trắng hết cả rồi”, nói đến đây ông Tự thở dài thườn thượt.
Được biết, xã Hải Lộc là địa phương có truyền thống nuôi ngao với tổng diện tích 201ha, đến nay trên địa bàn có 248 hộ nuôi. Số liệu thống kê cho thấy, sự cố vừa qua khiến 40ha ngao bị chết đồng loạt với số lượng lớn, trong đó tỷ lệ ngao thịt chết chiếm 60-70%, ngao giống chết 100%.
Tính toán sơ bộ, bình quân mỗi hecta cho thu hoạch 10 tấn (nhiều hộ nuôi dày có thể đạt 30-40 tấn), tổng số lượng ngao chết phải lên đến hàng trăm, thậm chí cả ngàn tấn, với mức giá dao động từ 14.000-15.000 đồng/kg, nhà nuôi ít thiệt hại dăm trăm triệu, hộ nuôi nhiều mất trắng hàng tỷ đồng.
Nhận định đây là sự cố bất thường, không loại trừ khả năng có đối tượng cố tình phá hoại. Rạng sáng ngày 31/12, các hộ nuôi tại xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc đã mật phục, bắt quả tang 2 đối tượng là cặp vợ chồng Hoàng Văn Thành và Hoàng Thị Huệ đang điều khiển tàu chở 14 thùng phuy nhựa màu xanh, với dung tích khoảng 50 lít/thùng thực hiện hành vi đổ chất thải tẩy rửa chế biến hải sản (mai mực, da mực, nước thải sau sơ chế) xuống bãi nuôi ngao.
Các hộ nuôi mật phục bắt quả tang các đối tượng (ngồi), thu giữ tang vật (ảnh do người dân cung cấp)
Thời điểm nói trên, 2 đối tượng đã tiến hành đổ chất thải trong 11 thùng phuy xuống bãi nuôi. 3 thùng còn lại được người dân đưa về UBND xã niêm phong, đồng thời báo cáo cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng xuống tìm hiểu, xử lý. Bước đầu, Thành và Huệ khai nhận được một cơ sở chế biến hải sản Hoàng Thắng (ở xã Ngư Lộc, Hậu Lộc) thuê chở chất thải nói trên đến khu vực cồn bãi ngang xã Hải Lộc rồi đổ trộm vào bãi nuôi ngao của các hộ dân, cứ 3 ngày tiến hành một lần.
Buổi chiều cùng ngày (31/12), phía Chi cục Môi trường (Sở TN-MT) đã tiến hành lấy mẫu phẩm gửi đi xét nghiệm, đến thời điểm này vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
“Của đau con xót”, hiện các hộ nuôi tại xã Hải Lộc đang rất hoang mang, lo lắng, tất cả đều mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.