| Hotline: 0983.970.780

Dân bất bình vì doanh nghiệp bất chấp pháp luật

Chủ Nhật 18/08/2019 , 10:33 (GMT+7)

Nhiều người dân chưa chấp nhận đền bù nhưng Cty CP Phát triển Bất động sản Gia An vẫn tiến hành đổ đất lấp ruộng để làm khu dân cư. 

Dự án khu dân cư nông thôn mới Gia An - Nghĩa Kỳ (thôn An Hội Nam 1, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 1/2019. Chủ đầu tư là Cty CP Bất động sản Gia An (trụ sở tại TP Quảng Ngãi) thực hiện trên diện tích đất khoảng 9,4ha.

Dự án Khu dân cư nông thôn mới Gia An - Nghĩa Kỳ tại xã Nghĩa Kỳ với tổng diện tích đất gần 9,4ha.

Đến thời điểm này, chủ đầu tư vẫn chưa nhận được sự chấp thuận đền bù của 100% hộ dân trong vùng dự án. Thế nhưng thời gian qua, Cty này lại tiến hành san lấp mặt bằng, đổ đất lấp ruộng gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của người dân. Việc làm này khiến nhiều hộ dân tỏ ra rất bất bình.

Bà Võ Thị Phố (thôn An Hội Nam 1, Nghĩa Kỳ) cho biết, gia đình bà có 4 sào đất nằm trong vùng quy hoạch của dự án. Tuy nhiên, bà chưa đồng ý giao đất vì phương án đền bù chưa thỏa đáng.

“Nếu dự án vì cộng đồng như trường học, trạm y tế... thì chúng tôi sẵn sàng nhường đất, thậm chí là hiến tặng. Nhưng vì họ xây khu dân cư để bán, mà mức giá bồi thường lại quá thấp thì chúng tôi không chấp nhận”, bà Phố bức xúc.

Người dân bức xúc vì doanh nghiệp tự ý san lấp mặt bằng khi chưa đạt được đồng thuận.

Cũng theo bà Phố, phía doanh nghiệp cho rằng họ chỉ lấp đất ở khu vực đã chấp nhận bồi thường và giao đất. Tuy nhiên, việc đổ đất này khiến mương nước bị bồi lấp, ảnh hưởng việc tưới tiêu của những thửa ruộng còn lại. Chỉ cần mưa xuống là đất cát sẽ trôi lấp ruộng, công sức của người dân bỏ ra chăm sóc mấy tháng trời coi như mất hết.

Tương tự, ông Nguyễn Thành Hạnh (thôn An Nam Hội 1, Nghĩa Kỳ) cho hay, gia đình ông có 3,2 sào đất lúa (500m2/sào) sắp đến thời điểm thu hoạch. Với mức giá đền bù là 74 triệu đồng/sào, gia đình ông có thể thu về gần 240 triệu đồng. Tuy nhiên, gia đình ông quyết không chấp nhận.

Ngoài lý do mức đền bù thấp, ông Hạnh chia sẻ số diện tích này là phần đất canh tác duy nhất còn lại của gia đình ông. Trước đó, gia đình ông cũng đã chấp nhận nhường hơn 2 sào đất cho dự án làm đường cao tốc, nếu bây giờ số đất này cũng phải nhường cho dự án khu dân cư thì gia đình ông không biết dựa vào đâu để sống.

“Nếu muốn chúng tôi chấp nhận nhường đất cho dự án, phía chủ đầu tư phải đưa ra mức bồi thường hợp lý hơn. Đồng thời hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, giúp bà con ở đây có công việc để làm ăn sau khi bị thu hồi đất ruộng”, ông Hạnh nói.

Trước sự việc này, ông Nguyễn Hồng Hà, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Kỳ xác nhận, dự án Khu dân cư nông thôn mới Gia An - Nghĩa Kỳ có 87 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch. Đến thời điểm hiện tại còn khoảng hơn 20 hộ dân chưa đồng ý với phương án đền bù từ phía chủ đầu tư. Lý do người dân đưa ra là vì mức giá đền bù và hỗ trợ quá thấp.

Việc đổ đất san lấp mặt bằng gây ảnh hưởng đến nhiều thửa ruộng xung quanh khiến người dân bất bình

Tuy nhiên, ông Hà cho rằng giá bồi thường là do chủ đầu tư và người dân tự thỏa thuận. Chính quyền địa phương chỉ có trách nhiệm giải thích cho người dân nắm rõ mức giá này do tỉnh đưa ra và đảm bảo quá trình tổ chức thi công, an toàn giao thông vùng dự án.

Còn ông Huỳnh Ngọc Quận, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết, dự án này chưa được cấp giấy phép thu hồi đất, giao đất. Việc chưa hoàn thành công tác đền bù cũng như thủ tục pháp lý mà chủ đầu tư đã san lấp mặt bằng là không đúng với quy định.

“Việc này chúng tôi đã nắm được thông tin và đang chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra. Trước mắt, về nguyên tắc thì chủ đầu tư nếu muốn thi công dự án thì phải được cơ quan chức năng cấp giấy phép thu hồi đất, giấy phép xây dựng”, ông Quận nói.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.