| Hotline: 0983.970.780

Đàn bò tót gầy trơ xương vì... thiếu kinh phí

Thứ Tư 30/09/2020 , 12:42 (GMT+7)

Đàn bò tót 11 con thuộc đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về nguồn gen ở Ninh Thuận gầy trơ xương là do thời hạn nghiên cứu kết thúc, thiếu kinh phí.

Sống thiếu thốn cả năm trời

Thời gian gần đây, đàn bò tót 11 con trong đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận – Lâm Đồng – Khánh Hòa” đang được nuôi nhốt tại Trại khảo nghiệm Phước Bình (Vườn quốc gia Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận) trở nên ốm yếu, gầy guộc. Những cá thể bò từng béo tốt, có trọng lượng từ 500-800kg nay sa sút, chỉ còn bộ dạng da bọc xương.

Bò tót lai F1 gầy trơ xương trong trại nuôi khảo nghiệm. Ảnh: X.L.

Bò tót lai F1 gầy trơ xương trong trại nuôi khảo nghiệm. Ảnh: X.L.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng (đơn vị trực tiếp nắm nhiệm vụ quản lý đàn bò tót) cho biết, đàn bò gầy guộc là do nguồn kinh phí chăm nuôi không được duy trì như trước.

Ông nói: “Trước đây, khi chưa kết thúc đề tài, kinh phí phát triển đàn bò đều đặn mỗi tháng 50 triệu đồng. Nay nguồn này chỉ còn 10 triệu đồng. Hơn nữa, trước đây khu vực đất chăn thả mà dự án thuê của người dân lên đến 2ha nhưng giờ người dân lấy lại. Nay không có nơi chăn thả, phải nuôi nhốt nên ảnh hưởng nhiều”.

Cũng theo ông Chương, khi đề tài đang được triển khai, chế độ ăn và vận động của bò luôn được đảm bảo. Hiện tại, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên thức ăn xanh bị cắt giảm, bò chỉ được ăn rơm, cỏ khô.

Trước tình trạng suy kiệt thể trạng của đàn bò quý, Trung tâm ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị các cấp ngành có phương án giải quyết nhưng do thủ tục hành chính chậm trễ nên đàn bò vẫn chưa được “giải thoát”. Dẫn chứng về việc này, ông Chương thổ lộ: “Năm 2019, đề tài kết thúc và nghiệm thu, đánh giá với kết quả Đạt. Đàn bò đã tạo ra được 3 con F2, trong đó có 1 con đực. Đến tháng 11/2019, Trung tâm kiến nghị lên cấp trên để bàn giao cho cơ quan nhà nước và thực hiện các thủ tục nhưng mãi đến cuối tháng 9/2020 mới hoàn thành”.

Từ tháng 11/2019 đến nay, đàn bò tót lai F1 bị nuôi nhốt, ăn rơm khô để duy trì sự sống. Ảnh: X.L.

Từ tháng 11/2019 đến nay, đàn bò tót lai F1 bị nuôi nhốt, ăn rơm khô để duy trì sự sống. Ảnh: X.L.

Trong thời gian kết thúc đề tài, chờ bàn giao, vì không còn kinh phí như trước đây nên Trung tâm ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng phải tự bỏ tiền để duy trì đàn bò.

Khi nguồn kinh phí bị cắt, 2 cán bộ thú y túc trực 24/24 tại trang trại cũng không thể ở lại để đảm nhiệm công việc. Hiện tại, Trung tâm ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng phải tự chi tiền mua rơm khô làm thức ăn cho bò và với định kỳ 2 lần/tháng sẽ cắt cử cán bộ xuống kiểm tra sức khỏe cho bò.

“Thấy bò xuống sức nên Trung tâm cũng lo lắng. Ngày 8/5 vừa rồi, đích thân tôi lái xe chở 800kg thức ăn xuống cho bò ăn”, ông Nguyễn Như Chương cho hay.

Ráng chăm sóc, chờ ngày chuyển giao

Đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận – Lâm Đồng – Khánh Hòa” do Bộ Khoa học Công nghệ quản lý và được triển khai từ tháng 10/2015, kết thúc vào tháng 11/2019.

Để duy trì đàn bò, Trung tâm ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng phải bỏ kinh phí mua thức ăn cho bò. Ảnh: X.L.

Để duy trì đàn bò, Trung tâm ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng phải bỏ kinh phí mua thức ăn cho bò. Ảnh: X.L.

Cuối tháng 10/2020 này, Trung tâm ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng sẽ bàn giao đàn bò cho Vườn quốc gia Phước Bình quản lý, chăm sóc. Về vấn đề vực lại đàn bò gen quý hiếm, ông Chương thổ lộ, Trung tâm vẫn tiếp tục chi kinh phí để chăm sóc, duy trì đàn bò. Trung tâm đang huy động nguồn lực, bổ sung thêm thực phẩm để nuôi dưỡng.

Ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng nói: “Nhiều đơn vị muốn hợp tác chăn nuôi đàn bò nhưng đây là tài sản nhà nước nên bán không được, cho cũng không được. Giờ trung tâm phải duy trì kinh phí, đây là trách nhiệm khoa học, phải nuôi bò chứ đâu thể bỏ được”.

Đàn bò tót lai 11 con có nguồn gốc từ bò tót rừng của Vườn quốc gia Phước Bình. Năm 2009, bò tót đực về khu dân cư ở xã Phước Bình (huyện Bác Ái, Ninh Thuận) và giao phối với bò của người dân chăn thả. Đàn bò nhà của người dân sau đó sinh sản được khoảng 20 con lai F1 với vóc dáng, đặc tính hoang dã như bò rừng nên Vườn quốc gia Phước Bình phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện đề tài nghiên cứu, bảo quản nguồn gen quý hiếm này.

Dự án nghiên cứu mua được 10 con bò F1 từ người dân địa phương, trong đó bao gồm 5 con đực, 5 con cái và tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng... Đến tháng 11/2019, đề tài kết thúc với kết quả đạt được là 3 bò lai F2.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự nhiều hội nghị cấp cao tại Trung Quốc

Sáng 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã tới thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bắt đầu chuyến công tác dự nhiều hội nghị cấp cao.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.