| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu ngành lúa gạo và cà phê

Mong VnSAT tiếp tục đồng hành cùng người trồng cà phê

Thứ Tư 30/09/2020 , 06:00 (GMT+7)

Những nông dân tham gia mô hình sản xuất cà phê do dự án VnSAT hỗ trợ đều cho rằng đây là cách làm hiệu quả và mong muốn dự án mở rộng hơn nữa.

Nâng tầm kỹ thuật, sản xuất

Tại xã Nam Bình (huyện Đăk Song, Đăk Nông), gia đình bà Phan Thị Lan đang tập trung bón phân, chăm sóc cho vườn cà phê 2ha để đảm bảo chất lượng quả cho mùa thu hoạch cuối năm. Bà Lan trồng cà phê từ những năm 1990 và cuộc sống của cả gia đình phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ khu vườn.

Từ hiệu quả dự án VnSAT mang lại, người trồng cà phê ở Tây Nguyên kiến nghị các chương trình dự án tiếp tục triển khai và mở rộng thêm đối tượng tham gia. Ảnh: M.H.

Từ hiệu quả dự án VnSAT mang lại, người trồng cà phê ở Tây Nguyên kiến nghị các chương trình dự án tiếp tục triển khai và mở rộng thêm đối tượng tham gia. Ảnh: M.H.

Bà Lan chia sẻ, trước đây, gia đình chăm sóc cây theo phương thức truyền thống và mỗi mùa vụ có mức năng suất khác nhau. Chất lượng cà phê cũng không đồng đều đã khiến gia đình nhiều lần bị thương lái ép giá.

Từ năm 2018, gia đình được chọn tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững của dự án VnSAT và phương thức canh tác mới có những sự thay đổi mạnh.

“Chúng tôi được đào tạo về kỹ thuật chăm bón phân, cắt tỉa cành... để cho cây phát triển tốt nhất. Trước đây, những việc này chỉ làm theo thói quen nên chất lượng cà phê không được đồng đều. Phải nói rằng dự án VnSAT đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều, giúp chúng tôi nâng tầm sản xuất”, bà Phan Thị Lan khẳng định.

Sau khi áp dụng quy trình chăm sóc mới, cà phê gia đình bà Lan đã có sự phát triển mạnh, năng suất cũng cao hơn. Thời gian chưa áp dụng kỹ thuật chăm sóc mới, cà phê để cành quá nhiều, cây giao tán nhau nên năng suất không cao. Hiện nay, cành được cắt tỉa tỉ mỉ, khoa học nên trái nhiều. Năng suất vì thế cũng tăng từ 3 tấn nhân/ha lên 4 tấn/ha.

Dự án VnSAT đã giúp người trồng cà phê nâng cao kỹ thuật sản xuất. Ảnh: M.H.

Dự án VnSAT đã giúp người trồng cà phê nâng cao kỹ thuật sản xuất. Ảnh: M.H.

Cũng tại Đăk Nông, gia đình ông Nguyễn Xuân Trung ở xã Đức Mạnh (huyện Đăk Mil) được chọn tham gia dự án VnSAT với mô hình tái canh. Ông Trung bén duyên với cây cà phê từ những năm 1980 và vẫn xác định đây là cây trồng chủ lực, sinh kế của gia đình. Với 2ha cà phê, gia đình ông trồng xen vào đó sầu riêng và các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao để cải thiện thêm nguồn thu nhập.

Ông chia sẻ, năm 2018, cà trên vườn già cỗi, kém hiệu quả nên gia đình đã tham gia vào dự án tái canh của VnSAT. Được hỗ trợ về giống, phân bón lẫn kỹ thuật nên vườn tái canh của gia đình ông Trung có sự phát triển mạnh mẽ.

Theo ông Nguyễn Xuân Trung, vì được đào tạo nhiều nên kỹ thuật làm cà phê của ông cũng cao hơn hẳn so với trước đây. Bây giờ người dân thấy vườn gia đình phát triển đẹp đến tham khảo và học hỏi kinh nghiệm. “Những lúc như vậy tôi lại đưa các kiến thức đã được tập huấn ra để hướng dẫn bà con. Thậm chí đến tận vườn để cùng họ làm đất, xuống giống. Dự án VnSAT đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình và ông mong muốn dự án mở rộng thêm để giúp đỡ nhiều nông dân khác”, ông Trung nói.

Canh tác 3,5ha cà phê và từng chịu nhiều rủi ro bởi khô hạn, gia đình ông Quách Đức Thường ở xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, Đăk Lăk được dự án VnSAT hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm. Theo ông Thường, mùa khô vừa qua, nếu không có hệ thống tưới tiết kiệm thì toàn bộ cây trên vườn sẽ héo úa, giảm chất lượng.

“Dự án hỗ trợ một phần chi phí và mình bỏ thêm vào nên cũng nhẹ nhàng trong khoản đầu tư. Mô hình này giúp tiết kiệm nước và các chi phí khác. Nói chung là giảm chi phí và tăng được lợi nhuận. Đây là mô hình hiệu quả và mong dự án hỗ trợ nhiều hơn nữa cho bà con Tây Nguyên” ông Thường chia sẻ.

Mong VnSAT tiếp tục đồng hành

Từ hiệu quả của các mô hình, nông dân vùng cà phê Tây Nguyên tham gia dự án đều mong muốn VnSAT tiếp tục được triển khai, đồng hành cùng họ. Bà Phan Thị Lan (xã Nam Bình, huyện Đăk Song, Đăk Nông) cho hay, mô hình của gia đình bà phát triển vượt trội nhưng thời gian thực hiện lẫn quy mô hỗ trợ không được nhiều. Do vậy, kiến nghị VnSAT kéo dài thời gian thực hiện hơn nữa và tăng quy mô diện tích mô hình, mở rộng thêm để nhiều nông dân có cơ hội tham gia.

Theo người dân, cà phê được chăm sóc theo quy trình mới, khoa học nên năng suất cao hơn so với cách làm cũ. Ảnh: M.H.

Theo người dân, cà phê được chăm sóc theo quy trình mới, khoa học nên năng suất cao hơn so với cách làm cũ. Ảnh: M.H.

Bà Lan mong muốn “Mô hình mình mạnh và bà con trong xóm rất quan tâm. Cách làm, kỹ thuật chăm sóc thì chỉ cần trao đổi là họ có thể nắm được. Cái khó nhất vẫn là giá cà phê giảm liên tục nên nhiều gia đình không đủ vốn thực hiện. Do vậy họ rất cần dự án và các cơ quan nhà nước hỗ trợ”.

Tại xã Nam Hà (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) gia đình ông Tạ Quang Việt tham gia vào dự án sản xuất cà phê bền vững do dự án VnSAT triển khai từ năm 2017 và đã đạt những thành quả rõ rệt. Ông cho biết, cây trồng trên vườn được chăm sóc, bón phân theo đúng tiêu chuẩn về kỹ thuật nên cho trái nhiều. Cũng trên vườn cà, ông được hướng dẫn trồng xen mắc ca và một số cây ăn trái khác nên đảm bảo được nguồn thu nhập trong những năm giá sụt giảm. Ông Tạ Quang Việt kiến nghị: Gia đình được VnSAT hỗ trợ 1ha và giờ kết quả tốt nên đã chủ động mở rộng thêm 1ha đối xứng. Mô hình này rất tốt nên rất mong muốn dự án sẽ nhân rộng trong thời gian tới.

Trên diện tích vườn 5ha, những lứa cà phê tái canh vào 3 năm trước của gia đình ông Nguyễn Quang Triều xã Đức Minh (huyện Đăk Mil, Đăk Nông) đã cho trái đầy cành. Ông Triều canh tác cà phê từ những năm 1990 và trong số 5ha, gia đình được dự án VnSAT hỗ trợ tái canh trên diện tích 0,5ha. Nhận thấy cách làm mới khoa học, có hiệu quả nên gia đình ông quyết tái canh thêm 1,5ha.

Từ các mô hình điểm, cách làm mới, khoa học đang dần được lan tỏa ra cộng đồng. Ảnh: M.H.

Từ các mô hình điểm, cách làm mới, khoa học đang dần được lan tỏa ra cộng đồng. Ảnh: M.H.

Sau 3 năm, những cây cà trong vườn đã đạt chiều cao lên đến 1,6m, có cành lá tua tủa và trái trĩu trịt. Ông chia sẻ: “Có những thành công này là nhờ sự đồng hành của dự án VnSAT. Làm theo mô hình này thì cây tái canh ít bị chết bởi dịch bệnh và đặc biệt là phát triển nhanh, mạnh. Tôi kiến nghị VnSAT mở rộng mô hình và đặc biệt hỗ trợ nhiều hơn nữa cho nông dân chúng tôi”.

Ông Quách Đức Thường, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, Đăk Lăk cho hay, về mùa khô, người trồng cà phê ở Tây Nguyên rất vất vả trong việc tưới nước cho cây. Khi dự án có mô hình tưới tiết kiệm, người dân thấy được sự hiệu quả và rất muốn đầu tư nhưng vốn ít nên khó thực hiện. “Những người nông dân như chúng tôi rất muốn VnSAT hoặc nhà nước hỗ trợ về kinh phí để thực hiện, mở rộng mô hình”, ông Quách Đức Thường thổ lộ.

Xem thêm
Cần 114 tỷ USD cho lộ trình phát thải ròng bằng '0' đến năm 2040

Con số trên được chia sẻ tại lễ thành lập Mạng lưới đối tác khí nhà kính Việt Nam tại Hà Nội ngày 12/4. Mạng lưới nhằm thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực để hỗ trợ khối doanh nghiệp, các tổ chức kinh doanh Việt Nam trong kiểm kê khí nhà kính.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.

Bình luận mới nhất