| Hotline: 0983.970.780

Giao khoán bảo vệ rừng gắn với sinh kế, cách làm hay của Ninh Thuận

Thứ Tư 30/09/2020 , 08:36 (GMT+7)

Những hộ nghèo, cận nghèo ở vùng đệm tại Ninh Thuận nhờ được giao khoán bảo vệ rừng kết hợp phát triển kinh tế đã dần thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Giúp người dân thoát nghèo

Trước năm 2016, gia đình anh Pi Năng Tón, thôn Tân Hà, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận thuộc diện hộ nghèo. Gia đình không có nhà ở phải tá túc nhờ người dân trong thôn, không có nghề nghiệp phải làm thuê, làm mướn, cuộc sống khó khăn, thường xuyên thiếu đói.

Nhờ tham gia bảo vệ rừng, nhiều hộ là đồng bào đã có tiền mua bò nuôi phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ tham gia bảo vệ rừng, nhiều hộ là đồng bào đã có tiền mua bò nuôi phát triển kinh tế gia đình.

Thế nhưng, cuộc sống gia đình anh Pi Năng Tón đã thay đổi hoàn toàn khi năm 2016, anh được Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang giao khoán bảo vệ rừng với diện tích 30ha theo chương trình phát triển sinh kế bền vững gắn với quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Với diện tích rừng này, mỗi năm gia đình anh được nhận 12 triệu đồng (400.000 đồng/ha/năm) tiền công. Từ tiền nhận khoán bảo vệ rừng, anh  mua được 1 con bò để thực hiện mô hình sinh kế chăn nuôi dưới tán rừng. Sau 3 năm chăn nuôi, đến nay con bò đã sinh sản được 2 con (bò đực 1 con; bò cái 1 con). Bò đực anh Pi Năng Tó đã bán và thu được 11 triệu đồng, còn con bò cái thì giữ lại nuôi cho sinh sản.

Không chỉ vậy, năm 2017, gia đình anh Pi Năng Tó còn được giúp đỡ để vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 50 triệu đồng. Có vốn, anh đầu tư mua thêm 2 con bò với số tiền 22 triệu đồng. Số tiền còn lại hộ cải tạo lại rẫy trồng cỏ, chăn nuôi gia cầm, mở rộng thâm canh ruộng lúa. Từ khi tham gia nhận khoán và thực hiện mô hình sinh kế chăn nuôi bò, mỗi năm gia đình có thu nhập khoảng 70 triệu đồng, giúp ổn định cuộc sống và xây được nhà mới.

Còn đối với gia đình ông Tà Thía Tận, thôn Tà Dương, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước trước đây cũng thuộc hộ nghèo. Năm 2016, khi tham gia nhận khoán 30ha rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang, nhờ tiết kiệm gia đình ông đã mua được 2 con bò. Sau thời gian chăn nuôi 3 năm, đến nay bò đã sinh sản được 3 con (bò đực 1 con; bò cái 2 con). Bò đực gia đình ông đã bán thu được 11,5 triệu đồng, còn bò cái thì giữ lại để nhân đàn.

Năm 2019 gia đình ông còn được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 50 triệu đồng để phát triển kinh tế. Nhờ có tiền từ nhận khoán và phát triển chăn nuôi bò, đến thời điểm hiện nay, kinh tế gia đình đã dần thoát cảnh nghèo khó.

Ông Trần Công Minh, Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn cho biết: Thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững, từ năm 2016 đến nay mỗi năm đơn vị giao khoán cho hàng trăm hộ dân với diện tích rừng khoảng 5.000ha/năm. Nhờ tiền giao khoán đến nay các hộ dân đã mua được trên 185 con bò để phát triển kinh tế, đồng thời hỗ trợ người dân trồng khoảng 50ha các loại cây như điều, bưởi da xanh, xoài trên gò đồi, triền núi. Nhờ vậy các hộ dân có thu nhập ổn định và đã dần thoát nghèo.

Các hộ nghèo trước trước đây ở Ninh Thuận nhờ nhận khoán bảo vệ rừng đã có vốn mua bò, kết hợp phát triển kinh tế gia đình nay đã dần thoát nghèo.

Các hộ nghèo trước trước đây ở Ninh Thuận nhờ nhận khoán bảo vệ rừng đã có vốn mua bò, kết hợp phát triển kinh tế gia đình nay đã dần thoát nghèo.

Giải pháp phát triển rừng bền vững

Ông Dương Đình Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận cho biết: Kết quả triển khai chương trình phát triển sinh kế bền vững gắn với quản lý bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận từ năm 2016 đến tháng 3/2020 đã giúp cho người dân mua được 1.422 con bò, dê, cừu, heo để phát triển kinh tế. Số vật nuôi trên đã sinh sản được trên 200 con con. Người dân đã phát triển trên 315ha rừng trồng xen cây ăn quả có giá trị như: sầu riêng, măng cụt, bưởi, xoài… Hỗ trợ trên 403 tấn gạo cấp phát cho 1.260 lượt hộ dân…

Hàng năm, các chủ rừng đã phối hợp Ngân hàng chính sách xã hội giúp cho hàng trăm hộ dân vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế với số tiền trên 5 tỷ đồng… từ đó những mô hình sản xuất, chăn nuôi đem lại hiệu quả xuất hiện càng nhiều, giúp người dân cải thiện cuộc sống.

Đánh giá về hiệu quả chương trình phát triển sinh kế bền vững gắn với quản lý bảo vệ, phát rừng, ông Dương Đình Sơn khẳng định sau gần 5 năm triển khai, đến nay đã giúp đời sống của hàng nghìn hộ dân tại các vùng đệm có thu nhập, cuộc sống được cải thiện. Từ đó nhận thức bảo vệ rừng của người dân được nâng lên, tình trạng phá rừng làm nươc rẫy và khai thác lâm sản trái phép ngày càng giảm.

Ninh Thuận hiện có trên 204.200 ha đất rừng và đất quy hoạch phát triển rừng, diện tích đất có rừng trên 155.400 ha những năm qua được bảo vệ tốt, trong đó hàng chục ngàn ha được triển khai thực hiện mô hình quản lý bảo vệ rừng gắn với sinh kế bền vững đem lại hiệu quả thiết thực. Thông qua công tác trồng rừng, bảo vệ rừng chất lượng rừng được cải thiện, nhiều diện tích rừng nghèo kiệt được phục hồi, trữ lượng và độ che phủ rừng ngày càng tăng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.