| Hotline: 0983.970.780

Dân buôn lậu ngạo ngược tuyên bố: 'Chấp cơ quan chức năng nửa đường'

Thứ Tư 29/11/2023 , 15:15 (GMT+7)

Dân buôn lậu Lạng Sơn từ lâu tự trang bị nhiều công cụ hỗ trợ, đặc biệt là bộ đàm có tầm liên lạc xa ít nhất gấp đôi so với lực lượng chức năng.

Nhiều "hàng rào" tinh vi

Nhiều "hàng rào" tinh vi được dân buôn lậu thiết lập nên để chống lại các cơ quan có thẩm quyền ở cửa khẩu.

Đầu tiên là chiếc bộ đàm được "hack" tín hiệu cho tầm liên lạc 15 - 20km, trong khi bộ đàm của lực lượng biên phòng chỉ tầm 5km. Thắng "Long Đầu", tay buôn lậu nổi tiếng một thời ở Chi Ma, xác nhận với chúng tôi điều ấy. Trong nhà Thắng, còn một chiếc bộ đàm, kỷ niệm một thời ngang dọc các đường mòn, lối mở dày đặc như mạng nhện tại biên giới.

Chiếc bộ đàm với 'râu' dài cả mét giúp dân buôn lậu dễ dàng liên lạc ở cự ly 20km. Ảnh: Văn Việt.

Chiếc bộ đàm với 'râu' dài cả mét giúp dân buôn lậu dễ dàng liên lạc ở cự ly 20km. Ảnh: Văn Việt.

Thắng bảo chiếc bộ đàm này được nhập lậu từ Trung Quốc. Bản thân nó có 2 ăng-ten, mà dân buôn quen gọi là "râu". Chiếc râu ngắn phục vụ cự ly liên lạc tầm 5km đổ lại. Khi cần theo dõi lực lượng chức năng, bám đuôi, nhóm của Thắng sẽ lắp chiếc râu thứ hai, dài xấp xỉ 2m vào.

Đứng từ đầu ngã 3 thị trấn Lộc Bình, nơi có đường nhựa độc đạo vào cửa khẩu Chi Ma, nhóm của Thắng dễ dàng trao đổi thông tin, dù cự ly xấp xỉ 20km. Hầu như cán bộ của các đơn vị như Công an huyện, Bộ đội biên phòng, Quản lý thị trường, Thuế, Hải quan ở khu vực Chi Ma đều bị Thắng và tay chân nhẵn mặt. Thậm chí nhà cán bộ ở đâu, gia đình thế nào, đều bị các "chim lợn" nắm rõ không sót chi tiết nào.

Nếu cán bộ không phải người huyện Lộc Bình, mà là ở các huyện khác ở Lạng Sơn, cũng không phải là trở ngại gì với Thắng. Mạng lưới buôn lậu như mạng nhện khổng lồ phủ khắp nơi.

“Nó là một hệ sinh thái. Từ dân ở bản làng, đến thị trấn Lộc Bình. Từ đây, hàng được cửu vạn đưa đi khắp nơi. Đừng nói là ở Lạng Sơn, kể cả người ở Bắc Giang, Bắc Ninh hay xuống tận mạn Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, bọn anh biết hết”.

Thắng bảo điều này không khó, người bán thì có người mua. Chính những người mua sẽ là tai mắt nối dài của dân buôn lậu vùng biên.

Việc "hack" bộ đàm không có gì kỳ bí. Bộ đàm mua từ Trung Quốc về, vốn dĩ đã khỏe gấp đôi cự ly 5km của lực lượng chức năng. Nhóm của Thắng mang hàng tới vài cơ sở sửa chữa đồ điện tử, thay một số linh kiện, cự ly liên lạc sẽ lên tối đa 20km.

Ngã 3 thị trấn Lộc Bình, nơi có thể đi về Quảng Ninh, hoặc Bắc Giang, hay ngược tới Quốc lộ 1A để đi TP Lạng Sơn, luôn có nhiều nhóm "chim lợn". Từng nhóm 3-5 người trang bị đầy đủ bộ đàm, smartphone, dõi theo nhất cử nhất động của lực lượng chức năng, hoặc người lạ mà họ thấy khả nghi.

“Ví dụ nhé, anh thấy chú mặc áo đen, đi xe máy nhãn hiệu A, biển số B. Trước nay anh chưa thấy chú. Cơ mà chú cứ lảng vảng quanh đây, kiểu gì bọn anh cũng “soi”. Giơ điện thoại lên chụp, rồi gửi vào nhóm zalo. Chú đi vào Chi Ma, bọn anh báo nhóm trong đó ngay. Chỉ có 1 con đường, nếu chú không qua, nghĩa là chú đi vào trong làng. Lúc đó là việc của nhóm khác sẽ theo chú”, Thắng nói.

Chỉ có một trường hợp mà người lạ qua được hệ thống "chim lợn", đó là đi vào nhà người quen, không xuất hiện trên các cung đường buôn lậu mà "chim lợn" giăng sẵn. Cũng có nghĩa, người lạ vô hại với Thắng. Ngược lại, gần như không ai qua được hệ thống theo dõi chặt như vậy.

Hàng rào thứ hai là ngôn ngữ. Tiếng Tày là ngôn ngữ phổ thông ở nhiều vùng tại Lạng Sơn, nhưng tại các cửa khẩu, dân buôn sẽ dùng "tiếng Thổ": pha trộn giữa tiếng Tày và tiếng Pạc Và (ngôn ngữ phổ thông tại Quảng Đông, Quảng Tây và Hong Kong). “Ngò xếch chảng Thổ”, nghĩa là: Tôi biết nói tiếng Thổ. Ngay trong câu này, cũng cho thấy sự lắp ghép, hai âm tiết đầu của tiếng Pạc Và, còn lại của tiếng Tày.

Chỉ cần nói giọng lạ, thậm chí là giọng Tày ở huyện khác, rất khó xâm nhập sâu vào hệ thống vận chuyển của Thắng.

Vận chuyển về đêm, manh động, liều lĩnh, là những điều mà dân buôn lậu sẵn sàng làm để đối phó lực lượng chức năng. Ảnh: Văn Việt.

Vận chuyển về đêm, manh động, liều lĩnh, là những điều mà dân buôn lậu sẵn sàng làm để đối phó lực lượng chức năng. Ảnh: Văn Việt.

Manh động

Một chiêu khác mà dân buôn lậu dùng đối phó lực lượng chức năng, chính là sự liều lĩnh, manh động.

Thắng "Long Đầu" bảo cái biệt danh này, ngoài mang nghĩa định danh anh ta ở gần cầu Long Đầu, một thời là điểm tập kết hàng lậu, còn có nghĩa "đại ca" trong tiếng phổ thông Trung Quốc.

Thời còn làm loạn vùng biên, Thắng nhiều lần dẫn cả đội chục chiếc xe Min-khơ lao qua hàng rào chốt chặn của lực lượng chức năng. Chiếc xe chở nặng hàng, phóng vun vút với tốc độ cao. Chiếc đầu tiên bật đèn, nhóm 7-8 chiếc còn lại tắt đèn. Cả nhóm đi theo Thắng, liều lĩnh rú ga ầm ĩ. Lực lượng chức năng không thể đánh liều chặn bắt. Một là nguy hiểm cho chính người bắt, hai nữa nếu Thắng hay ai đó ngã ra, có án mạng, câu chuyện trở nên phiền phức rất nhiều. Từ vụ việc hành chính, sẽ thành hình sự.

Thắng biết điều đó, nên anh ta dám liều, và được phong biệt danh "Long Đầu". Ngược về những năm 1997 cho đến đầu những năm 2000, Thắng bảo hồi ấy dân buôn lậu cầm đèn pin “nườm nượp từ trên đồi xuống đường cái, rồng rắn như rước đèn Trung thu”.

Sau này, khi cơ quan chức năng Việt Nam và Trung Quốc có nhiều biện pháp mạnh, thì dân buôn chuyển sang đi Min-khơ. Nâng cấp hơn, là những chiếc "Su cóc" huyền thoại ở Lạng Sơn.

Chiếc xe 7 chỗ nhỏ gọn, có thể tháo hết ghế để chở hàng. Mỗi chuyến từ đường biên về bản Quân Phát, sát đường cái từ Chi Ma ra Lộc Bình, có thể mang về cho Thắng 1,5 triệu đồng, thời những năm 2000.

Mỗi ngày, Thắng có thể kiếm tối đa đến 5 triệu đồng. Tiền kiếm quá dễ, nên bây giờ nhìn lại, Thắng nói anh ta buồn nhất vì “bạn bè hồi ấy vướng vào ma túy, chết nhiều lắm”.

Ma túy nói riêng, hay hàng cấm nói chung, là thứ mà đa số dân buôn vùng biên từ chối không làm. Họ có những quy tắc riêng: “Mình lấy cái nồi cơm điện, mũ bảo hiểm, đồ gia dụng không sao. Có cầu ắt có cung. Chứ dây vào thứ đó là tù tội, không hại mình thì cũng hại con cháu”, Thắng nói.

Có lần, cơ quan liên ngành của Ban Chỉ đạo 389 bắt quả tang Thắng vào lấy gà lậu, song cũng không thể làm gì. “Tôi bảo vào chở gà. Đúng là tôi chở gà, nhưng khách đã chứng minh được gà hợp pháp, có đủ giấy tờ đâu mà các anh bắt giữ tôi. Tôi nhận lời chở, nhưng đợi chủ hàng có đủ giấy tờ mới đưa hàng đi”, Thắng kể sau đó anh ta ung dung đi xe máy về.

"Su cóc" của Thắng còn có thời chở người đi xuất khẩu lao động trái phép sang Trung Quốc, Mỗi người 200.000đ từ Bắc Giang lên Chi Ma. Chiếc xe có lúc nhồi đến 23 người, gồm cả Thắng. “Ngồi chồng lên nhau thôi, ông nào nhỏ người thì ngồi lên đùi tài xế, còn lại nhồi vào xe. Đi qua chỗ xóc là cả xe lại ‘ối á’ ầm lên. Không nhồi thì lỗ à. Đến Chi Ma rồi, lắm ông bà còn phải nhờ anh bế ra khỏi xe, chân tay cứng đơ hết”.

Chi Ma của ngày hôm nay đã gần như không còn buôn lậu ngang nhiên. Những bông hoa lau phất ngù trắng xóa ven đường, đằng sau vẻ yên bình thơ mộng ấy, vẫn còn đó những cung đường mà dân buôn lậu lén lút vác hàng.

Thiếu tá Phùng Văn Hoàng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Lạng Sơn, cho biết thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công an và Công an tỉnh thời gian qua Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch để thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm trên địa bàn.

Trong năm 2023, đã tổ chức đấu tranh, bắt giữ trên 200 vụ vi phạm, trong đó, có 17 vụ liên quan đến hàng giả và hơn 174 vụ liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại. Các vụ buôn lậu có những mặt hàng liên quan đến an toàn thực phẩm như: thực phẩm đông lạnh, sản phẩm động vật sau giết mổ và cả gia cầm giống. Các đối tượng thường vận chuyển các loại hàng hóa trên để đưa về các tỉnh phía sau tiêu thụ.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Bình Định tập trung khắc phục các điểm sạt lở

Lực lượng chức năng của huyện miền núi An Lão đang tập trung khắc phục các điểm sạt lở do mưa lớn để khơi thông ách tắc giao thông.