| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp ngăn chặn buôn lậu gia cầm của bộ đội biên phòng Lạng Sơn

Thứ Tư 29/11/2023 , 09:03 (GMT+7)

Càng vào những tháng cuối năm, công tác phát hiện, ngăn chặn nhập lậu nói chung và gia cầm nói riêng của bộ đội biên phòng Lạng Sơn càng được tăng cường.

Thượng tá Trịnh Nguyên Sáng, Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm và ma túy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Phạm Huy.

Thượng tá Trịnh Nguyên Sáng, Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm và ma túy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Phạm Huy.

Trong thời điểm cuối năm 2023, Báo Nông nghiệp Việt Nam có buổi trao đổi về công tác phòng chống, ngăn chặn buôn lậu trên tuyến biên giới Lạng Sơn với Thượng tá Trịnh Nguyên Sáng, Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm và ma túy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lạng Sơn.

Theo Thượng tá Trịnh Nguyên Sáng, thời gian qua, đặc biệt từ tháng 7/2023 đến nay, tình hình vận chuyển trái phép gia cầm, trong đó có gia cầm giống có nhiều diễn biến phức tạp trên tuyến biên giới tỉnh.

“Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với các cơ quan chuyên môn và các đồn biên phòng trong việc nắm tình hình nội, ngoại biên để đấu tranh với các loại hình tội phạm này”, ông Trịnh Nguyên Sáng thông tin.

Thượng tá Sáng cho biết, đây là loại hình tội phạm có hoạt động phức tạp. Do lực lượng chức năng trên biên giới còn mỏng, các đối tượng thường lợi dụng thời điểm thay ca để vận chuyển nhỏ lẻ gia cầm giống từ Trung Quốc qua các đường mòn xuống tập kết ở các bản.

Sau đó, gia cầm giống được đưa vào sâu nội địa bằng xe máy, ô tô. “Hoạt động hết sức tinh vi”, đại diện bộ đội biên phòng Lạng Sơn nhấn mạnh.

Do vậy, các đơn vị bộ đội biên phòng ngoài tập trung các biện pháp nghiệp vụ cũng tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân ở biên giới biết được tác hại của việc vận chuyển trái phép gia cầm. Từ đó, không tham gia tiếp tay, vận chuyển, mua bán các sản phẩm này.

Ngoài ra, bộ đội biên phòng cũng tăng cường phối hợp với các lực lượng ở biên giới và nội địa như hải quan, công an, quản lý thị trường, kiểm dịch động vật… để ngăn chặn, bắt giữ và xử lý kịp thời những đối tượng vận chuyển trái phép gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam.

“Thời gian vừa qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường quân số ở các địa bàn trọng điểm để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này. Có thể nói, từ tháng 10 trở lại đây, việc mua bán, vận chuyển gia cầm trái phép qua biên giới cơ bản đã được kiểm soát”, Thượng tá Trịnh Nguyên Sáng cho biết.

Đại diện của bộ đội biên phòng Lạng Sơn cũng thông tin thêm, các lực lượng chức năng ở biên giới cũng như nội địa đã phối hợp hết sức chặt chẽ, thông tin kịp thời để bắt giữ, xử lý nghiêm minh các vụ việc liên quan đến vấn đề này.

Việc tăng cường bắt giữ, xử lý có thể xem là một biện pháp răn đe đối với các đối tượng tham gia vào hoạt động buôn lậu gia cầm.

Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn có nhiều giải pháp tăng cường công tác phòng chống buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm qua biên giới. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn có nhiều giải pháp tăng cường công tác phòng chống buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm qua biên giới. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngăn chặn từ gốc

Ngoài các hoạt động chuyên môn tại khu vực biên giới, Thượng tá Sáng cũng khẳng định, để có thể phòng chống, ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm này, cần đến sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các địa phương.

"Để ngăn chặn triệt để tình trạng này cần phải làm từ gốc, tức là nhu cầu mua con giống gia cầm của các trang trại trong nội địa", đại diện bộ đội biên phòng Lạng Sơn phân tích.

Những nhu cầu đó làm phát sinh các hoạt động đưa gia cầm trái phép qua biên giới, các đối tượng móc nối với nhau để đưa gia cầm giống vào tiêu thụ trong nội địa.

Một trong những giải pháp được bộ đội biên phòng Lạng Sơn triển khai thời gian qua là tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân ở biên giới. Qua đó, giúp mọi người có thể hiểu được tác hại của việc nhập lậu gia cầm vào Việt Nam, những hệ lụy đối với ngành chăn nuôi, với nền nông nghiệp trong nước.

"Chúng tôi giúp bà con hiểu được nguy cơ lây lan dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, vật nuôi nếu sử dụng con giống nhập lậu, không đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch", Thượng tá Sáng thông tin thêm.

Lực lượng biên phòng cũng sử dụng nhiều kế hoạch nghiệp vụ, xác lập các chuyên án để đấu tranh với các đường dây, các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, thông tin cho các cơ quan chức năng để liên hệ, thông báo cho các địa phương nội để người chăn nuôi, chủ trang trại nhận thức được vấn đề. "Khi nhu cầu giảm đi thì nguồn cung đương nhiên sẽ giảm theo", ông Sáng nhấn mạnh.

Đóng góp ý kiến về khía cạnh chuyên môn nông nghiệp, Thượng tá Sáng cho rằng các cơ quan liên quan có thể tạo điều kiện, cơ chế để người chăn nuôi có thể tiếp cận được những loại con giống tốt hơn, giá thành cạnh tranh hơn để giảm nhu cầu giống nhập lậu.

Những con giống nhập lậu không chỉ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, biến chủng virus vào Việt Nam, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi mà còn có thể lây bệnh sang người, thậm chí tác động tới nền kinh tế của chúng ta.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Dự án Đại Ninh: Quyền lực, hối lộ và sai phạm trong quản lý đất đai

Phiên tòa vụ án Đại Ninh tập trung làm rõ trách nhiệm 10 bị cáo, từ những sai phạm trong xử lý dự án đến lời thú nhận đau đớn của các cựu quan chức.