| Hotline: 0983.970.780

Dân Đồ Sơn yêu cầu nhà máy chế biến thủy sản di dời do ô nhiễm

Thứ Ba 17/05/2022 , 20:52 (GMT+7)

HẢI PHÒNG “Đêm không ngủ được, ngày không ăn được, chúng tôi yêu cầu Công ty Việt Trường di chuyển khỏi Đồ Sơn để trả lại bầu không khí trong lành như trước đây”.

Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, chế biến bột cá,... của Công ty Việt Trường tại Đồ Sơn là nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Đinh Mười.

Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, chế biến bột cá,... của Công ty Việt Trường tại Đồ Sơn là nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Đinh Mười.

Ngày 17/5, khoảng 40 người dân trú tại phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng đã tụ tập tại nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của Công ty TNHH Việt Trường (Công ty Việt Trường) yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm.

Theo người dân địa phương, thời gian gần đây, từ nhà máy chế biến thủy sản này đã phát ra mùi hôi thối rất khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống khu vực xung quanh.

Tình trạng này diễn ra thường xuyên, người dân đã gửi đơn đi nhiều nơi nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Thậm chí, mùi hôi thối thải từ nhà máy còn nặng hơn từ sau dịp 30/4 và 1/5 năm 2022.

Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân mà còn ảnh hưởng đến phát triển du lịch tại Đồ Sơn.

“Đêm 16/5, mùi hôi thối chưa từng thấy trên đời, dù đóng kín hết cửa cũng ngửi thấy, cả đêm mất ngủ. Không biết tình trạng này còn kéo dài đến bao giờ và sức khỏe có bị ảnh hưởng không”, chị Ngô Thị Nhe, người dân quận Đồ Sơn chia sẻ.

Người dân yêu cầu Công ty Việt Trường xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân yêu cầu Công ty Việt Trường xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm. Ảnh: Đinh Mười.

Gay gắt hơn, khi làm việc trực tiếp với doanh nghiệp và chính quyền địa phương, nhiều người dân còn lớn tiếng yêu cầu di dời nhà máy về địa điểm khác, trả lại không khí trong lành cho Đồ Sơn.

“Đêm không ngủ được, ngày không ăn được, chúng tôi yêu cầu công ty Việt Trường di chuyển khỏi Đồ Sơn để trả lại bầu không khí trong lành như trước đây”, một người dân thẳng thừng.

Về vấn đề này, ông Ngô Minh Phương, Giám đốc điều hành Công ty Việt Trường thừa nhận với PV, mùi hôi thối như người dân phản ánh được phát ra từ phân xưởng nấu đầu cá, xương cá, làm bột cá và làm thức ăn gia súc của đơn vị.

Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan, do hệ thống dập mùi chưa triệt để, công nghệ chưa đảm bảo, một phần do nước dập mùi được bơm từ kênh lên không sạch.

Phía doanh nghiệp đã làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương và người dân, các bên đã thống nhất, trước mắt đóng cửa phân xưởng nấu đầu cá cho đến khi lắp công nghệ mới.

Đại diện Công ty Việt Trường chỉ nơi ống khí bị hở, khiến mùi hôi thối bị thoát ra ngoài. Ảnh: Đinh Mười.

Đại diện Công ty Việt Trường chỉ nơi ống khí bị hở, khiến mùi hôi thối bị thoát ra ngoài. Ảnh: Đinh Mười.

Để thay thế dây chuyền cũ, phía công ty Việt Trường đã ký hợp đồng công nghệ dập mùi mới với tổng kinh phí khoảng 15 tỷ, sẽ hoàn thành và hoạt động vào cuối tháng 7/2022.

“Đồ Sơn đang phát triển mạnh về du lịch, để đồng hành lâu dài, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với xã hội. Chúng tôi buộc phải xử lý triệt để, nếu công nghệ mới không đáp ứng được thì sẽ chấp nhận đóng cửa”, ông Phương bộc bạch.

Liên quan đến sự việc, trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Lưu Đình Dũng – Chủ tịch phường Hải Sơn cho biết, ngay trong buổi sáng 17/5, UBND phường Hải Sơn đã cử đoàn công tác làm việc với Công ty Việt Trường và ghi nhận tại cơ sở này có mùi khó chịu đậm đặc.

Qua kiểm tra cho thấy, tại Công ty Việt Trường đang có hệ thống xử lý nước thải và xử lý khí thải gây mùi, đang hoạt động xử lý bình thường. Công trình xử lý bụi, khí thải đang hoạt động bình thường, chủ yếu là xử lý khí, bụi tại phân xưởng chế biến bột cá.

Hệ thống dập mùi tại phân xưởng nấu đầu cá, xương cá, làm bột cá và làm thức ăn gia súc của Công ty Việt Trường đã không còn đáp ứng được yêu cầu, đơn vị này đã cho dừng hoạt động để thay thế hệ thống mới, hiện đại hơn. Ảnh: Đinh Mười.

Hệ thống dập mùi tại phân xưởng nấu đầu cá, xương cá, làm bột cá và làm thức ăn gia súc của Công ty Việt Trường đã không còn đáp ứng được yêu cầu, đơn vị này đã cho dừng hoạt động để thay thế hệ thống mới, hiện đại hơn. Ảnh: Đinh Mười.

Hệ thống xử lý khí thải, bụi thải từ phân xưởng chế biến bột cá bị quá tải, là nguyên nhân gây mùi hôi khó chịu ra môi trường.

Do đó, đoàn công tác đã yêu cầu Công ty Việt Trường dừng ngay việc chế biến, sản xuất đối với dây chuyền bột cá, chỉ hoạt động trở lại khi đã thực hiện khắc phục triệt để và lắp đặt xong hệ thống xử lý mùi hôi.

“Phía doanh nghiệp đã tiếp thu ý kiến, cho dừng hoạt động của dây chuyền xử lý bột cá cho đến khi thực hiện và hoàn thiện hệ thống xử lý khí, mùi hôi. Đồng thời cam kết chấp hành, thực hiện sản xuất không để gây mùi như trong thời gian qua”, ông Dũng cho hay.

Công ty TNHH Việt Trường chủ yếu là chế biến biến, xuất khẩu thủy sản với 3 phân xưởng chính là: sản xuất chế biến sản phẩm ngao, chế biến chả cá và chế biến bột cá.

Nhà máy chế biến của doanh nghiệp này chuyển về Đồ Sơn từ năm 2012, chính thức đi vào hoạt động từ 2014.

Hiện tại, phân xưởng nấu đầu cá, xương cá, làm bột cá và làm thức ăn gia súc có công suất hơn 3 tấn/1h. Nguồn thu từ lĩnh vực này chiếm đến 1/3 tổng doanh thu hàng năm của Công ty Việt Trường.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Thủy lợi - nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Đồng Tháp Các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm với năng suất tăng 15% so với trước đây.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.