| Hotline: 0983.970.780

Dân "đói" đất, dự án bỏ hoang

Thứ Tư 16/11/2011 , 09:34 (GMT+7)

Cách đây 10 năm, Cty Phân bón Sông Gianh lấy 120 ha đất của xã Phú Trạch rồi đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng khu nuôi tôm công nghiệp. Sau 2 năm hoạt động, dự án này èo uột rồi bị bỏ hoang...

Khu nuôi tôm công nghiệp Phú Trạch đầu tư bài bản bỏ hoang đã bảy năm nay

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Chủ tịch UBND xã Phú Trạch (Bố Trạch-Quảng Bình) đứng trên bờ đê, chỉ tay ra cả vùng tôm nói: “Cách đây 10 năm, Cty Phân bón Sông Gianh lấy 120 ha đất của xã Phú Trạch rồi đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng khu nuôi tôm công nghiệp. Sau 2 năm hoạt động, dự án này èo uột rồi bị bỏ hoang”.

Theo người dân xã Phú Trạch thì vào thời điểm Cty Phân bón Sông Gianh đầu tư khu nuôi tôm công nghiệp có quy mô hiện đại nhất nhì cả nước thì ai cũng mừng. Nhiều người bị lấy đất sản xuất cũng vui vì tin rằng con em mình sẽ trở thành công nhân nuôi tôm với thu nhập cao hơn. Để xây dựng khu nuôi tôm hiện đại này, Cty đào một con sông dài gần một km, xây dựng trạm bơm lấy nước từ sông Ly Hoà lên.

99 hồ tôm rộng mênh mông được xây kè, lát đá, dãy tường rào thép dài gần 10km được dựng bao quanh khu vực nuôi tôm. Ai nhìn thấy cũng hả hê. Mỗi khi có lãnh đạo Trung ương về làm việc với Quảng Bình, đều được tỉnh mời tham quan như để minh chứng cho sự phát triển một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Vậy nhưng, đại dự án này nhanh chóng tụt dốc: Vụ đầu tiên được đánh giá thắng lợi với kết quả...hòa vốn. Vụ thứ hai lỗ và vụ thứ ba xem như đứt hy vọng của nhà đầu tư. Sau này, khi mổ xẻ ra nguyên nhân thất bại, về cơ bản là do Cty không có kinh nghiệm về nuôi thuỷ sản; vùng đất nhiễm phèn và nguồn nước lấy từ sông Lý Hoà lên khó mang lại thành công cho việc nuôi tôm công nghiệp.

Khi rút ra được nguyên nhân thì cũng là lúc khu nuôi tôm công nghiệp hoành tráng này bắt đầu vắng người đến, heo hút dần và trở thành hoang phế. Không thể làm gì được hơn, Cty đành cử một tổ bảo vệ trông coi khu nuôi tôm và tự trang trải thu nhập bằng cách vận dụng ao hồ có sẵn để thả cá. Vậy là 120 ha khu nuôi tôm công nghiệp rốt cuộc chỉ được “phát huy” cho việc tạo thu nhập (như hình thức trả lương) cho 3 người.

Ông Mai Văn Hiếu, một trong ba người của tổ bảo vệ cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo quản cơ sở của công ty. Ngoài nhiệm vụ chính đó ai muốn làm gì thì làm tuỳ thích trên diện tích 120 ha đất này. Vì không sử dụng hết 99 hồ nên chúng tôi cho người dân địa phương vào nuôi để cho có người vào ra, đỡ buồn”.

Công trình hiện đại với mức đầu tư lớn ngày nào giờ trơ những bờ mương bê tông dẫn nước mặn vào hồ sứt mẻ từng mảng. Những bờ tường ngăn ở các ô nuôi tôm sập đổ, những ngôi nhà hoang vắng, buồn bã.

Ông Nguyễn Hữu Hoài- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình:

“Về nguyên tắc, DN làm ăn thua lỗ thì phải chịu trách nhiệm về vốn vay cũng như tài sản đầu tư. Tuy nhiên trong từng trường hợp cụ thể phải có hướng xử lý cho phù hợp. Nếu chính quyền xã Phú Trạch có tờ trình tiếp nhận và khai thác hiệu quả khu nuôi tôm, xem xét thấy hợp lý thì tỉnh sẽ can thiệp để DN trả lại khu nuôi tôm cho địa phương quản lý”.

Ông Phan Văn Vinh- Phó Tổng giám đốc TCty Sông Gianh (Cty Phân bón Sông Gianh trước đây) cho biết, việc nuôi tôm ở Phú Trạch thất bại, DN phải trả lãi vay ngân hàng gần 12 tỷ đồng khi đầu tư dự án. Đơn vị đã thông báo bán dự án nhưng không có người mua. Bây giờ đã cổ phần hóa xong nhưng khu nuôi tôm Phú Trạch vẫn chưa giải quyết được với giá tài sản còn khoảng 10 tỷ đồng.

Chủ tịch xã Nguyễn Ngọc Phương cho biết: “Thấy vùng đất bị bỏ hoang chúng tôi băn khoăn lắm, trong khi người dân đang thiếu đất sản xuất, phải đi làm ăn xa. Nhưng đất đã giao cho DN, chúng tôi chỉ biết làm tờ trình gửi lên tỉnh, lên huyện. Bây giờ muốn lấy lại khu nuôi tôm cho người dân làm ăn thì phải trả cho DN cả chục tỷ đồng. Làm sao chúng tôi có tiền mà bỏ ra đây”?

Khi được hỏi về phương án xử lý khu nuôi tôm công nghiệp đang bỏ hoang, ông Phan Văn Gòn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho hay huyện cũng đang đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo TCty Sông Gianh giao lại diện tích hồ nuôi tôm tại xã Phú Trạch để địa phương có phương án giao cho nhân dân sản xuất, không để bỏ hoang lãng phí.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.