| Hotline: 0983.970.780

Hẹn hò với Pù Luông

Thứ Tư 03/01/2024 , 12:45 (GMT+7)

Thật có lỗi với thiên nhiên nếu chưa một lần đến Pù Luông. Đến để chạm vào chốn "bồng lai tiên cảnh" và thưởng thức thi vị của cuộc sống…

1.

“Ở Thanh Hóa mà chưa biết gì về Pù Luông?”, ông bạn ở đầu dây bên kia buông lời kháy khẩm. Cuộc điện thoại vừa dứt, tôi vừa cảm thấy tự ái lại vừa tò mò, nên quyết định ngược xe lên vùng cao Thanh Hóa. Đường lên Bá Thước khá đẹp, xe chỉ mất 2 tiếng để chạm đến điểm dừng - lối vào bản Kho Mường.

Sáng sớm, đội xe ôm cộng đồng xã Thành Sơn đã nằm thườn thượt trên chiếc chõng, cạnh con dốc để đón khách. Thời tiết tại thung lũng mùa này lạnh hơn so với dưới xuôi nên khu du lịch trở nên vắng khách.

Người Thái trong trang phục truyền thống bên nương lúa. Ảnh: Quốc Toản.

Người Thái trong trang phục truyền thống bên nương lúa. Ảnh: Quốc Toản.

Từ điểm dừng xe đến bản Kho Mường cách nhau khoảng hơn 1km. Kho Mường chỉ có một con đường độc đạo dẫn vào bản, rộng chừng sải tay người lớn, một bên là vách núi, một bên là thung lũng sâu hoắm, được “bảo hộ” bằng dãy lan can cao quá nửa người. Bác tài cài số, tập trung hết lực, cố giữ thăng bằng để bánh xe bám đường. Phía trước, tốp khách tây chừng vài người thong dong thả mình dưới con dốc để trải nghiệm cảnh sắc của tạo hóa ban cho ngôi làng.

Cánh tài xế chủ yếu là người ở bản Kho Mường, tranh thủ lúc nông nhàn kiếm thêm thu nhập. Ngày cao điểm, mỗi người được vài cuốc xe, có ngày cả đội xe nằm im một chỗ. Tổ xe ôm cũng được phân vai khá chuyên nghiệp, ai đủ chuyến thì nhường cho người khác chưa có chuyến.

Tài xế Phong kiêm luôn cả hướng dẫn viên du lịch, chia sẻ: “Đến Pù Luông nhớ mang theo áo ấm. Nhiệt độ trong thung lũng này thường thấp hơn bên ngoài vài độ C, đặc biệt là về đêm. Mùa đông sương giăng lấp lối, người với người đi cách nhau 2m có khi không tỏ mặt. Nhiều người chủ quan không trang bị kỹ nên về nhà ốm liền một tuần”.

Pù Luông như 'bản giao hưởng' của đất trời. Ảnh: Quốc Toản.

Pù Luông như "bản giao hưởng" của đất trời. Ảnh: Quốc Toản.

Thôn Kho Mường hun hút giữa rừng già, bao quanh tứ bề là núi. Kho Mường hiện lên hiện một vẻ đẹp bình dị với những bản làng nằm nép mình bên những ngọn đồi chênh vênh, lắt lẻo, thoáng ẩn thoáng hiện trong màn sương sớm dày đặc. Phía trước các ngôi nhà sàn là những thửa ruộng bậc thang thoai thoải, khoe vẻ đẹp theo mùa… Theo lời dân bản, thời điểm Kho Mường đẹp nhất là từ tháng 5 và tháng 10 khi lúa chín rộ. Bản làng khi ấy hiện hữu sự trù phú, với tông màu rực rỡ sắc vàng, xen lẫn màu xanh nguyên sơ của núi rừng.  

Chị Nga quên cả mình là Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Bá Thước (Thanh Hóa) bỗng chốc “hóa thân” thành hướng dẫn viên du lịch: "Tham quan, trải nghiệm bản Kho Mường, nhiều khách nhầm tưởng là bản của người dân tộc Mường, nhưng thực chất lại là lơi sinh sống của người Thái đen ở Pù Luông. Trong tiếng Thái: "Kho" nghĩa là gốc, "Mường" nghĩa là nơi khởi đầu. Kho Mường nghĩa là nơi đầu tiên của người Thái nơi đây".

Du khách hòa mình vào điệu nhảy của người Thái bên lửa trại.

Du khách hòa mình vào điệu nhảy của người Thái bên lửa trại.

Nhiệt độ tại Pù Luông thường thấp hơn vài độ C so với bên ngoài. 

Nhiệt độ tại Pù Luông thường thấp hơn vài độ C so với bên ngoài. 

"Trước kia cũng giống như một số thôn bản đặc biệt khó khăn khác, Kho Mường là bản “3 không”: không điện lưới, không internet, không sóng điện thoại. Đến nay Kho Mường đã được nhà nước trang bị đầy đủ, cơ bản đáp ứng yêu cầu của du khách và có nhiều homestay đón khách lưu trú dài ngày.

Muốn tham quan trải nghiệm vẻ đẹp bình yên của bản làng khách chỉ có hai lựa chọn, đi bộ hoặc đi xe máy. Điểm đến cuối của Kho Mường là Hang Dơi. Gọi là Hang Dơi bởi đây là nơi trú ngụ của rất nhiều loài dơi, miệng hang rộng, khác với những hang động ẩm ướt khác. Làm nên Hang Dơi là những khối đá vôi sừng sững, hình thành từ hàng triệu năm về trước, tạo nên rất nhiều hình thù lạ mắt. Ở các cột đá, các cây thân leo mọc bám dày tạo nên một màu xanh bao phủ rất đẹp", chị Nga chia sẻ.

Pù Luông đẹp nhất vào mùa lúa chín. Ảnh: Quốc Toản.

Pù Luông đẹp nhất vào mùa lúa chín. Ảnh: Quốc Toản.

Dù là người Kinh, nhưng chị Nga khá hiểu về cách làm du lịch cộng đồng của người Thái nơi đây: “Dân bản chưa bị thương mại hóa trong làm du lịch, ngược lại, họ vẫn giữ được sự mộc mạc, chân chất, thân thiện, gần gũi đối với du khách. Đặc biệt, vào mùa đông, hầu như nhà ai cũng thắp lửa, tổ chức sinh hoạt văn nghệ cộng đồng mang đậm dấu ấn người Thái. Chỉ một điệu múa sạp, một tiết mục mơi láu (mời rượu), một bếp lửa sưởi giữa mùa đông … đã kết nối được những con người cách xa nhau hàng nửa bán cầu”.

Cụ Nếch có thâm niên làm du lịch cộng đồng khá lâu tại bản Kho Mường. Ảnh: Quốc Toản.

Cụ Nếch có thâm niên làm du lịch cộng đồng khá lâu tại bản Kho Mường. Ảnh: Quốc Toản.

2.

Nhà cụ Nếch nằm ở đầu con dốc Kho Mường. Cụ mở lời chào khách rất chuyên nghiệp bằng tiếng Anh: “Welcome to homestay Mr Nech”. Cụ khoe biết giao tiếp sơ sơ với người Anh và Pháp sau khi học xong lớp ngoại ngữ cấp tốc cách đây vài năm, mỗi ngày học một từ, lâu dần thành quen. Mà chả riêng gì cụ, dân bản nơi đây ai cũng bập bẹ được vài câu chào hỏi khi gặp khách nước ngoài.

“Ở đây chủ yếu là người Tây đến trải nghiệm, nếu không biết tiếng của họ thì thiệt cho mình. Dân bản làm du lịch biết gì nói nấy không văn vở như hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Ví dụ khi nói đến vịt Cổ Lũng phải tả cho họ biết đặc điểm và cách nuôi để họ biết và thưởng thức thứ đặc sản này; khi nói đến Hang Dơi thì phải trực tiếp dẫn họ vào tận nơi để thăm thú”, cụ Nếch bảo.

Ở “Homestay Mr Nech”, cụ vừa là chủ nhà, vừa là hướng dẫn viên du lịch, kiêm đầu bếp… Là dân bản địa, lại nhiều năm làm trưởng bản nên cụ khá hiểu mảnh đất này. Khu lưu trú thực chất là căn nhà sàn được cải tạo để làm phòng ngủ cho khách ở tầng 2. Toàn bộ căn nhà được làm bằng gỗ nên rất thoáng mát, chắc chắn, có thể chứa được hàng chục người cùng lúc. Phía dưới gầm sàn, cụ dành một gian để chất củi, gian còn lại là không gian tiếp đón khách và phục vụ khách ăn uống tại chỗ. Thực đơn hằng ngày chủ yếu là sản vật bản địa được niêm yết giá, treo ở vị trí dễ nhìn thấy nhất.

Sau gần chục năm làm du lịch cộng đồng, cụ Nếch nghiệm ra nhiều điều: "Khách đến với Pù Luông không phải vì ăn uống mà để trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của tự nhiên, những thửa ruộng bậc thang cùng với cuộc sống yên bình của đồng bào dân tộc miền núi. Họ hòa mình vào cuộc sống dân dã, thưởng thức những món ăn truyền thống đậm đà hương vị núi rừng như cơm lam, nộm hoa chuối rừng, canh đắng, rượu men lá, kiệu muối chua và thịt vịt luộc… Thậm chí, dân bản có gì họ ăn nấy chứ không đòi hỏi cao lương mỹ vị".

Pù Luông được ví như 'Đà Lạt thu nhỏ' tại Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Pù Luông được ví như "Đà Lạt thu nhỏ" tại Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Theo cụ Nếch, người tây thích ăn đồ mền, du khách Việt thích ăn đặc sản địa phương như vịt Cổ Lũng, gà đồi, lợn mán, cá thả ao. Tất cả lương thực đều tự sản, tự tiêu, ít khi phải mua ở ngoài. Từ khi du lịch cộng đồng phát triển, dân bản cũng vì thế mà có thêm thu nhập và ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống.

Năm nay cụ Nếch 72 tuổi. Cụ rót trà bằng bộ ấm chén vừa được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tặng cách đây không lâu như thể khoe với khách. Trong lần gặp đó, cụ đề cập ngay nguyện vọng của dân bản.

“Vào bản Kho Mường chỉ duy nhất một con đường hẹp. Nhiều du khách không muốn đi bộ quãng đường xa nên họ không muốn đến đây du lịch. Dân bản mong có một con đường rộng để xe vào tận bản nhưng vẫn chưa được toại nguyện...”, cụ Nếch chia sẻ.

Cụ Nếch bảo, từ khi có du lịch cộng đồng, cuộc sống người dân cũng dần thay đổi theo hướng tích cực: “Trước đây, dân bản vì nghèo nên nhiều người bỏ xứ mà đi. Nay làm du lịch cộng đồng nên đồng bào cũng có đồng ra đồng vào. Cả bản hiện có khoảng 10 hộ dân làm du lịch cộng đồng. Nói là du lịch nhưng dân bản dân dã lắm, có gì nói nấy, ăn gì tiếp nấy chứ không phải gồng mình chạy theo xu thế”.

Những thửa ruộng bậc thang là 'đặc sản' tại Pù Luông. Ảnh: Quốc Toản. 

Những thửa ruộng bậc thang là "đặc sản" tại Pù Luông. Ảnh: Quốc Toản

3. Từ nhà cụ Nếch, chúng tôi men theo con đường rộng hơn sải tay người lớn vào vườn cam giấy của ông Hiên cách đó khoảng 2km. Vườn cam nhà ông rộng chừng 2ha, khi nào cũng đông đúc khách với đủ lứa tuổi. Nhiều vị khách tỏ ra bất ngờ bởi ở nơi hoang vu, hẻo lánh như Kho Mường vẫn có những nông trại trù phú đến vậy.

Ông Hiên luôn chân luôn tay, bởi ông vừa là quản lý vườn cam vừa trực tiếp bán vé thu tiền khách tham quan. Có dạo, ông không có thời gian nghỉ ngơi vì lượng khách đến vườn cam quá đông, có ngày lên tới vài trăm lượt khách.

Du khách tận hưởng không khí trong lành tại Pù Luông. Ảnh: Quốc Toản.

Du khách tận hưởng không khí trong lành tại Pù Luông. Ảnh: Quốc Toản.

Vườn cây ăn quả của gia đình ông Hiên được đánh giá là trù phú nhất bản Kho Mường và không kém các miệt vườn cây trái nổi tiếng của cả nước...  Hiện tại trên khoảng đất rộng 2ha của gia đình ông có tới hàng nghìn gốc cam, được trồng thành hàng thẳng tắp và đang cho thu hoạch khiến khách tham quan không thể rời mắt.

Cam giấy được ông bán cho khách du lịch và người dân địa phương trong vùng với giá bình quân 20 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, trong chuỗi dịch vụ du lịch sinh thái, ông Hiên còn tận dụng khoảng đất trống nuôi gà, lợn, phục vụ ẩm thực tại chỗ với các món ăn dân dã như gà nướng, lợn quay... Khách sau khi tham quan vườn nếu có nhu cầu ăn nghỉ sẽ bố trí ngay tại điểm du lịch sinh thái này.

Năm ngoái, ông Hiên thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng từ tiền bán cam và bán vé du lịch tham quan. Có vốn từ dịch vụ du lịch sinh thái, ông bỏ tiền xây cất căn nhà sàn với giá tầm hơn 1 tỷ đồng. Tầng dưới ông dự định kê bàn ghế tổ chức ăn uống cho du khách, tầng trên làm phòng ngủ. ông tính phục vụ lưu trú dài ngày và trọn gói cho khách đường xa mỗi dịp về Pù Luông.

Người dân bản thu hoạch lúa nếp nương. Ảnh: Quốc Toản.

Người dân bản thu hoạch lúa nếp nương. Ảnh: Quốc Toản.

Nếu vườn cam của ông Hiên là điểm nhấn về cách du lịch cộng đồng theo hướng trải nghiệm sinh thái thì cây quýt hoi là “đặc sản” bản địa của vùng đất Bá Thước. Quýt hoi mọc đầy đường, được biết đến là một vị thuốc quý và gia vị tạo hương thơm đặc biệt cho một số món ăn của dân bản. Cây thường cho quả vào mùa đông - xuân (từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 1 năm sau).

Chị Lò Thị Hoài (bản Báng, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước) năm nay trúng vụ quýt hoi. Chị đang chao những mẻ quýt cuối cùng trên chảo để ngâm ủ dịp Tết bán cho khách. Quả quýt hoi có vị chua nên người dân trong vùng chủ yếu hái quả để chế biến làm trà uống nước.

Chị Hoài bảo, vài năm trở lại đây, quýt hoi được nhiều người yêu thích. Vì vậy, mỗi vụ quýt hoi, người dân địa phương thường lên đồi hái quả về làm trà, ngâm mật ong và rượu để bán cho khách du lịch. Công việc này đem lại thu nhập vài chục triệu đồng mỗi vụ.

Ngoài sản phẩm trà quýt hoi, người dân địa phương còn chế biến vỏ quýt hoi thành thảo dược và thức uống mang hương vị vùng núi cao như: vỏ quýt ngâm mật ong rừng, rượu quýt hoi. Một bình mật ong ngâm vỏ quýt hoi có giá bán 1-1,5 triệu đồng. 

Khách tây thích thú với trải nghiệm tại Pù Luông. Ảnh: Quốc Toản.

Khách tây thích thú với trải nghiệm tại Pù Luông. Ảnh: Quốc Toản.

Vài năm gần đây, du lịch đã trở thành một trong những hướng đi trọng điểm của huyện Bá Thước. Giờ đây những người làm du lịch như cụ Nếch, ông Hiên, chị Hoài trên địa bàn huyện ngày một nhiều. Nhiều người dân đã tham gia vào các dịch vụ, du lịch cộng đồng, như mở nhà hàng ăn uống, trình diễn các các tiết mục văn hóa dân tộc truyền thống (thêu thùa, may vá, trò chơi dân gian). Du khách đến Pù Luông luôn cảm nhận được nét mộc mạc, gần gũi trong cách ứng xử, tiếp đãi của người dân nơi đây.

Chúng tôi rời Bá Thước lúc trời nhập nhoạng tối khi chưa thể khám phá hết nơi này. Cảm giác tò mò về Pù Luông vẫn đọng trong tâm trí của các vị khách. Chúng tôi hẹn nhau, nhất định sẽ trở lại Pù Luông…

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông với tổng diện tích hơn 17 nghìn ha, trải dài ở 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa của tỉnh Thanh Hóa, gồm vùng lõi hơn 13.000ha. Pù Luông thuộc khu Quốc Thành - 1 trong 5 khu của huyện Bá Thước, gồm 6 xã: Ban Công - cửa ngõ của Pù Luông, tiếp đến là các xã Lũng Niêm, Lũng Cao, Cổ Lũng, Thành Lâm, Thành Sơn - là các xã trọng điểm phát triển du lịch với nhiều điểm đến. Nếu huyện Bá Thước có 57 điểm đến thì Pù Luông có 19 điểm đến là: các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, tâm linh, chợ, làng nghề truyền thống, lễ. Pù Luông là khu du lịch thuộc loại hình du lịch cộng  đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng đang phát triển mạnh trong những năm gần đây.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm