Ông Trump đã phản ứng quyết liệt với Copenhagen khi ông liên tục đề xuất rằng Mỹ nên mua lại Greenland từ Đan Mạch. Ông từ chối loại trừ việc sử dụng vũ lực, song đã đưa ra một số chi tiết cụ thể về cách chính phủ của ông sẽ thuyết phục Đan Mạch từ bỏ quyền kiểm soát đối với Greenland.
Theo trang tin Axios, Copenhagen muốn tránh một cuộc đụng độ trực tiếp với ông Trump, và đã liên hệ với nhóm của Tổng thống đắc cử để làm rõ các tuyên bố của ông.
Chính phủ Đan Mạch nói rõ rằng Greenland không phải để bán, nhưng cũng bày tỏ sự sẵn sàng của họ trong việc "thảo luận về bất kỳ yêu cầu nào khác của Mỹ liên quan đến hòn đảo", Axios đưa tin.
Quân đội Mỹ đã đóng quân trên hòn đảo kể từ Thế chiến II. Mỹ duy trì một căn cứ quân sự ở Greenland và có một thỏa thuận quốc phòng với Đan Mạch, theo đó họ có thể xây dựng thêm các căn cứ quân sự.
Greenland đóng một vai trò quân sự quan trọng trong Chiến tranh Lạnh, là nơi đặt các hạ tầng cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của Mỹ.
Ông Trump, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1, đã nói rằng quyền sở hữu hòn đảo là "điều tuyệt đối cần thiết" với an ninh quốc gia Mỹ.
Cả Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen và nhà lãnh đạo Greenland, Mute Egede, đã loại trừ khả năng bán lãnh thổ hải ngoại cho ông Trump. Đầu tuần này, bà Frederiksen nói rằng bà đã đề nghị đàm phán với nhóm của ông Trump, tái khẳng định rằng Copenhagen và Washington có chung mục tiêu là "tăng cường an ninh của liên minh phương Tây".
Ông Egede cũng tuyên bố rằng ông cũng sẵn sàng đối thoại với Tổng thống đắc cử Mỹ. Người đứng đầu hòn đảo tái khẳng định cam kết giành độc lập cho hòn đảo tại một cuộc họp báo chung với bà Frederiksen hôm 10/1.
"Hòn đảo này là của người dân Greenland. Chúng tôi không muốn là người Đan Mạch, chúng tôi cũng không muốn là người Mỹ", ông Egede tuyên bố. Ông nói thêm rằng Greenland sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ.