| Hotline: 0983.970.780

Dân phản đối vì công ty hóa chất Đức Giang làm bừa

Thứ Bảy 02/07/2022 , 20:33 (GMT+7)

Công ty Cổ phần tập đoàn hóa chất Đức Giang một lần nữa khiến những hộ dân sinh sống gần khai trường 25 nháo nhào vì bị phá cả đường dân sinh…

Công ty hóa chất Đức Giang vội vã đắp đường mới cho dân đi. Ảnh: H.Đ

Công ty hóa chất Đức Giang vội vã đắp đường mới cho dân đi. Ảnh: H.Đ

Công ty múc luôn đường dân sinh để lấy quặng

Công ty Cổ phần tập đoàn hóa chất Đức Giang được phép khai thác quặng apatit bằng phương pháp lộ thiên tại khai trường 25 thuộc xã Quang Kim và xã Bản Qua (huyện Bát Xát, Lào Cai). Khai trường này hoạt động từ tháng 3/2021, và cung cấp quặng làm nguyên liệu cho tổ hợp nhà máy hoá chất Đức Giang tại khu công nghiệp Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng).

Tuy nhiên, hoạt động khai thác và cách làm của công ty hóa chất Đức Giang khiến người dân hết sức bức xúc. Gần đây nhất là việc công ty bất ngờ xúc luôn cả tuyến đường dân sinh từ tổ 8-9 (thị trấn Bát Xát) đi thôn Làng Hang (xã Quang Kim, huyện Bát Xát) tồn tại hàng chục năm để lấy quặng.

Bà Phạm Thị Chiến, tổ 9, thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát, Lào Cai) cho hay, khi công ty hóa chất Đức Giang vào đây khai thác quặng tại khai trường 25 thì tỉnh, huyện, thị trấn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, dân chúng tôi cũng rất đồng tình. Nhưng hôm nay bức xúc quá vì công ty khai thác đường dân sinh do bà con mở bằng công sức của mình từ cách đây mấy chục năm.

“Họ múc và đào sâu xuống khai thác quặng, bà con gọi điện, Khánh ơi (ông Trịnh Quốc Khánh, quản lý khai trường - PV), đường bà con đang đi mà các cháu tự động khai thác đào đất như thế này mà không hỏi ý kiến mọi người gì cả…? Thế thì các bà cứ làm đơn ra thị trấn. Sau đó, chúng tôi thống nhất là làm đơn kêu cứu thì Chủ tịch UBND thị trấn, mặt trận, trưởng thôn… quan tâm nguyện vọng bà con nên có cuộc họp này”, bà Chiến thuật lại.

Sau khi thấy sự việc quá nóng, Công ty Cổ phần Tập đoàn hóa chất Đức Giang vội vàng đắp trả lại đường mới cho người dân đi, nhưng bẻ cua và dốc hơn.

Cũng theo người dân phản ánh, Công ty Cổ phần Tập đoàn hóa chất Đức Giang đưa ra văn bản một chiều gửi UBND thị trấn Bát Xát xin rào tạm tuyến đường trong 90 ngày để thực hiện khai thác khoáng sản. Khi chưa được hồi đáp thì đường đã… bị xúc mất, ngang đánh úp người dân vì bản thân họ cũng không nhận được thông tin nào từ chính quyền, doanh nghiệp.

Sau đó, 15 hộ dân đã gửi đơn kêu cứu lên chính quyền địa phương, báo chí. Qua biên bản làm việc của UBND thị trấn Bát Xát, tuyến đường dân sinh tổ 8-9 cũ mất hiện trạng nằm sát moong khai thác của khai trường 25, có nguy cơ mất an toàn đối với việc đi lại của nhân dân.

Để giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân trong khu vực đảm bảo các hoạt động sinh hoạt, sản xuất, giao thương đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn hóa chất Đức Giang thực hiện mở tuyến đường tạm để đảm bảo lưu thông. Trong quá trình hoạt động sản xuất, công ty phải bố trí người điều phối đảm bảo an toàn cho người dân khi qua tuyến đường này.

Người dân lo ngại việc khai thác làm mất nước canh tác. Ảnh: H.Đ

Người dân lo ngại việc khai thác làm mất nước canh tác. Ảnh: H.Đ

Lo lắng mất nước canh tác

Cũng tại cuộc làm việc giữa UBND thị trấn Bát Xát, người dân, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn hóa chất Đức Giang đã lên tiếng thừa nhận, xin lỗi bà con nhân dân khi để xảy ra việc múc mất đường liên thôn.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Công ty Cổ phần Tập đoàn hóa chất Đức Giang gây mất trật tự tại địa phương. Nổi cộm nhất tại khai trường này là tranh chấp đất đai giữa các hộ dân có đất trong diện thu hồi giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án hồi tháng 10/2021. Sự việc nóng lên vì công nhân Công ty Cổ phần tập đoàn hoá chất Đức Giang tham gia rào đất tranh chấp.

Trở lại việc công ty múc đường dân sinh, một số ý kiến người dân cho rằng việc khai thác đã ảnh hưởng nước ngầm để canh tác, trồng rừng, nước sinh hoạt…

“Mọi năm, nước sạch sẽ cá không việc gì. Khi khai trường hoạt động, nước ô nhiễm đen xì vào ao nhà tôi nhiều lần xảy ra chết cá. Cá rô thì sống còn cá trôi, cá trắm chết nhiều lắm. Vớt vát bán được mấy đồng, có cái thì cho lợn cho gà ăn. Tôi cũng báo cáo lên chính quyền để giúp đỡ”, đại diện hộ ông Nguyễn Văn Đoàn, tổ 9, thị trấn Bát Xát nêu ý kiến.

Ông Lê Quốc Tuấn, người cùng thôn xác nhận việc này mặc dù việc nước đen không phải lúc nào cũng xảy ra.

“Nước sạch tôi lấy vào ao rồi chảy vào ao nhà ông Đoàn nhưng giờ nước có ô nhiễm và cá có chết là nói rất chân tình chứ không phải đặt vấn đề đó ra. Thứ hai, khai trường khai thác quá sát đồi cây quế, mỡ nhà tôi, khai thác quá sâu, gần trăm mét, nếu xảy ra sạt lở thì như thế nào, cây trồng bị mất nước thì ai chịu trách nhiệm?”, ông Lê Quốc Tuấn nói.

Ghi nhận tại khai trường này, người dân phản ánh việc công ty hóa chất Đức Giang cắt nửa quả đồi, sát phần đất dân và khai thác quá sâu, cắt mạch nước ngầm, có nguy cơ mất nước tưới là có căn cứ. Mặc dù vậy, phía công ty khăng khăng họ đang khai thác… đúng quy trình kỹ thuật.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát, Lào Cai) cho hay, sau khi nhận được đơn của người dân, nhận thấy đây là việc hết sức cấp bách, ảnh hưởng đến đường dân sinh, đi lại của bà con; ảnh hưởng nước nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt cua rmột số hộ gia đình.

UBND thị trấn đề nghị công ty hóa chất Đức Giang khắc phục đường đi lại cho thuận tiện cho bà con; đề nghị công ty nghiên cứu đối với việc ảnh hưởng nuôi trồng thủy sản, nguồn nước của nhân dân; khai thác đúng quy định trong phạm vi giải phóng mặt bằng và được UBND tỉnh cho thuê đất. Trong quá trình thi công phải có biển cảnh báo cho người dân biết khu vực có nguy cơ mất an toàn và thực hiện đúng các quy định pháp luật trong khai thác quặng.

Trạm cân tại khai trường 25 của Công ty hóa chất Đức Giang. Ảnh: H.Đ

Trạm cân tại khai trường 25 của Công ty hóa chất Đức Giang. Ảnh: H.Đ

Vì sao trạm cân đặt sai vị trí vẫn tồn tại?

Cũng theo người dân phản ánh, việc khai thác quặng suốt ngày đêm của Công ty Cổ phần Tập đoàn hóa chất Đức Giang ảnh hưởng đời sống của người dân sinh sống gần khai trường nhất là tiếng ồn từ máy móc, xe cộ, bụi bẩn.

Thế nhưng, khó hiểu là việc trạm cân của Công ty Cổ phần Tập đoàn hóa chất Đức Giang đặt sai vị trí vẫn tồn tại đến nay như một sự thách thức nhân dân và chính quyền địa phương.

Trong khi, kết quả kiểm tra tình hình lắp đặt trạm cân đối với các dự án khai thác khoáng sản trên trên địa bàn huyện Bát Xát đã nêu rõ.

Cụ thể, dự án khai thác quặng apatit khai trường 25 của Công ty Cổ phần Tập đoàn hoá chất Đức Giang mặc dù thực hiện lắp đặt hệ thống camera tại trạm cân, khu vực nhà điều hành, kho chứa theo quy định… Song, trạm cân lại đặt sai vị trí.

Cụ thể, chủ đầu tư thực hiện lắp đặt trạm cân nằm ngoài phạm vi dự án tại vị trí ven đường giao thông nông thôn từ thôn Làng Hang, xã Quang Kim đi tổ 8, thị trấn Bát Xát cách khai trường khoảng 200 m. Tuyến đường trên là tuyến đường duy nhất kết nối với phạm vi của khai trường 25.

Do đó, UBND huyện Bát Xát đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai kiểm tra đối với vị trí lắp đặt trạm cân của Công ty Cổ phần Tập đoàn hoá chất Đức Giang đối với dự án khai thác quặng apatit khai trường 25 về các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.

Tuy nhiên, kể từ tháng 7/2021 tới nay, trạm cân này vẫn chưa được di dời sang vị trí mới, đảm bảo các quy định của pháp luật. Điều đáng nói trong văn bản gửi UBND tỉnh Lào Cai về việc tháo gỡ khó khăn, công ty hóa chất Đức Giang lại bao biện việc trạm cân lắp sai vị trí do chưa thực hiện được mặt bằng công nghiệp và địa hình trong mỏ là địa hình đồi núi rất dốc, không thể lắp đặt được trong khai tường nếu có lắp đặt thì sai số rất lớn.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.