Đồng Phú đi đầu
Đi đầu trong việc dán tem điện tử để truy xuất nguồn gốc phần bón là NM SX Phân bón Đồng Phú thuộc Tập đoàn Hùng Nhơn (Bình Phước). Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, do tổ chức chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn, nên mỗi ngày, lượng phân gia súc thải ra tại các trại chăn nuôi của công ty là rất nhiều. Vì vậy, từ năm 2009, Cty đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng, xây dựng và đưa vào hoạt động NM SX Phân bón Đồng Phú, chuyên sản xuất phân hữu cơ vi sinh, với công suất 40.000 tấn/năm.
Một vụ bắt phân bón giả ở TP HCM |
Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, các sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh của NM đã đứng vững trên thị trường, được nhiều nông dân ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ ưa chuộng vì phù hợp với cây ăn quả, cây công nghiệp, rau màu ...
Cuối năm 2016, Tập đoàn Hùng Nhơn bắt tay cùng một số công ty khác như De Heus, Bel Gà …, hợp tác thực hiện dự án cung cấp thực phẩm và rau quả sạch cho quân đội trên khu đất rộng 300 ha tại Đồng Nai, với tên gọi “Thung lũng thực phẩm an toàn”.
Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến 1.200 tỷ đồng. Một yêu cầu quan trọng của dự án là các sản phẩm đều phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc từ đầu vào tới đầu ra. Trong đó, các sản phẩm trồng trọt (rau, củ, quả) phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc từ phân bón.
Chính vì vậy, Tập đoàn Hùng Nhơn đã ký kết với Tập đoàn FPT về việc truy xuất nguồn gốc phân bón Đồng Phú (nơi cung cấp phân bón cho việc sản xuất rau củ quả trong dự án thực phẩm an toàn 1.200 tỷ đồng).
Những thông tin chứa trong con tem sẽ giúp nhà quản lý, nông dân phân biệt được đâu là sản phẩm phân bón Đồng Phú thật, đâu là sản phẩm bị làm giả, làm nhái, và quan trọng hơn, là với con tem này, phân bón Đồng Phú đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong dự án “Thung lũng thực phẩm an toàn”. |
Theo đó, FPT sẽ cung cấp cho Tập đoàn Hùng Nhơn 800.000 con tem điện tử cho 40.000 tấn phân bón hữu cơ vi sinh (mỗi bao phân bón 50 kg được dán 1 con tem). Loại tem điện tử này được sản xuất bằng công nghệ cao nên rất khó bị làm giả.
TP HCM sẽ truy xuất nguồn gốc phân bón
TP HCM là địa phương đang nóng về tình trạng SXKD phân bón giả, nhái, kém chất lượng … Năm 2016, Chi cục Quản lý thị trường TP đã phát hiện 103 trường hợp vi phạm về SXKD phân bón. Riêng ở khâu sản xuất phân bón, kiểm tra 56 cơ sở thì phát hiện 20 cơ sở không có giấy phép.
Chính vì vậy, từ tháng 3 đến tháng 9/2017, Chi cục Quản lý thị trường TP HCM đã thực hiện 3 đợt kiểm tra đồng loạt về hoạt động sản xuất, gia công phân bón vô cơ trên địa bàn. Bên cạnh đó, UBND TP HCM cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khác đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử phạt tình trạng sản xuất, gia công và kinh doanh phân bón giả, nhái, kém chất lượng. Phấn đấu đến hết năm 2017, trên địa bàn TP cơ bản không còn tình trạng sản xuất, gia công phân bón giả.
Một thông tin cũng rất đáng chú ý là UBND TP HCM đã giao cho Sở Công thương nghiên cứu việc dán tem điện tử để truy xuất nguồn gốc phân bón giống như đang làm với truy xuất nguồn gốc thịt lợn và sắp tới là truy xuất nguồn gốc sản phẩm gia cầm.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đã đến lúc TP phải tiến hành truy xuất nguồn gốc phân bón giống như truy xuất nguồn gốc thực phẩm, để người nông dân có thể trực tiếp kiểm tra, phân biệt được ngay phân bón thật, giả.