Thậm chí họ còn bắt tay nhau, bên đặt hàng, kẻ sản xuất phân kém chất lượng để cung ứng ra thị trường.
Từ mã đẹp, mác ngoại
Đã có hơn 20 năm trong nghề, chưa một lần bị xử lý vi phạm trong kinh doanh, ông T.H, chủ một đại lý cung cấp vật tư nông nghiệp (VTNN) cấp I trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cho biết nhiều năm trước, số Cty làm phân bón vô cơ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chất lượng sản phẩm đưa thị trường khỏi chê. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều cá nhân nhảy vào làm phân bón, và đa phần các loại phân giả, kém chất lượng đều do các Cty này đưa ra.
Nhãn hiệu phân giả có mẫu bắt mắt vừa được tỉnh Vĩnh Long phát hiện |
Theo phân tích của ông T.H, để cạnh tranh và giành thị phần với các Cty lớn đã có tên tuổi, các đơn vị “sinh sau đẻ muộn” buộc phải bán với giá thấp hơn, chiết khấu cho đại lý cao hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp phải giảm thành phần, hàm lượng. Để bao bọc cho “cái lõi” kém, các sản phẩm của những Cty này thường rất được trau chuốt vẻ bề ngoài. Người tiêu dùng dễ bị đánh lừa bởi cái vẻ “sang trọng” đó.
“Đừng nói hàng tuần, hằng ngày đại lý của tôi đều có nhân viên các Cty phân, thuốc ghé tiếp thị, chào mời đủ các loại sản phẩm. Họ cho cái giá và chiết khấu hoa hồng thôi là mình đã biết chất lượng đến đầu rồi”, ông lắc đầu nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông T.P, giám đốc một Cty sản xuất phân bón tại ĐBSCL hài hước nói: Thái Lan với nền công nghiệp vượt trội chúng ta chỉ có hơn 100 loại phân. Thế mà hiện nay, tại ĐBSCL có hàng ngàn loại phân bón. Theo đánh giá của vị giám đốc này, thị trường phân bón đang khá bát nháo, ai cũng có thể mở Cty sản xuất phân. Có những Cty chỉ có văn phòng, không có nhà máy sản xuất cũng bán phân ầm ầm, vì người ta có thể thuê gia công.
Những Cty phân bón "cuốc xẻng" hiểu rất rõ thị hiếu của nông dân. Nắm bắt tâm lý của bà con thường hướng đến những nhãn hiệu phân Thái, Nhật, Mỹ, Hàn ... nên họ dùng các nhãn hiệu phân nước ngoài. Với mẫu mã đẹp, mác ngoại, lại được bao tiêu đầu ra các nông sản và nhiều cái lợi khác nên bà con nông dân dễ bị “dính chiêu”. |
Nếu cạnh tranh công bằng, những Cty này không thể tồn tại. Nhưng họ có con đường đi riêng khiến những nhà sản xuất phân bón chân chính cũng gặp khó. “Tuyệt chiêu” của các Cty làm phân bón giả, kém chất lượng là đi thẳng từ A xuống Z, bỏ qua các bước trung gian. Thường họ đi xuống kết hợp với 1 đại lý cấp 2 hoặc hợp tác với các nhà bao tiêu sản phẩm, tổ chức các hội thảo hoành tráng để người dân làm tin.
Sau đó, nhóm liên kết này sẽ ký cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân cao hơn giá trị trường, sau đó đưa các nhãn hiệu phân Đ, C, F gì đó từ trên xuống, bà con đổ ào vô ruộng là sạch dấu vết. Cơ quan chức năng cũng chẳng thể quản lý do họ đưa phân bón xuống theo hình thức nhỏ giọt. Dưới 20 bao, không đủ số lượng thì không bốc mẫu kiểm định được.
"Liên minh" ma quỷ
Ông Phạm Tứ Phương, GĐ Sở Công thương Vĩnh Long thừa nhận thực trạng trên đang tồn tại ở địa phương mình và cho biết, các đại lý cung cấp phân bón còn rất nhiều chiêu trò khác để đánh lừa nông dân.
Theo ông Phương, về nguyên tắc để sản xuất ra một loại phân chất lượng như nhau, thì cơ bản giá cả chênh lệch không đáng kể. Khi các nhà sản xuất xuống chào mời sản phẩm, chỉ cần nói đến giá cả là đại lý đã đánh giá được chất lượng phân đó ở mức nào. Làm gì có chuyện cùng loại mà một bao phân chênh lệch đến vài chục ngàn đồng, thậm chí 100.000 đồng.
Thực trạng phân giả, kém chất lượng đã đến mức báo động |
Ông cho rằng, các đại lý, cơ sở cung cấp phân bón hiểu rõ sản phẩm mình bán ra hơn ai hết. Nhưng để che đậy, lừa gạt người sử dụng họ sẽ khuyến cáo nông dân dùng phân giả kèm với các sản phẩm khác để đảm bảo dinh dưỡng cho cây lúa. Bán phân còn tặng kèm sản phẩm khác nằm ở lý do này. Đa phần nông dân đất đai ít, không có vốn đầu tư phải phụ thuộc vào đại lý. Khi đại lý “vẽ” cũng phải “cố gắng” làm theo.
Gần đây, chúng tôi dùng nhiều cách để xâm nhập sâu vào thị trường phân bón mới thấy rõ một thực trạng rất tệ, có thể nói là "tội ác" với nông dân: Đại lý cung ứng VTNN còn đặt hàng nhà sản xuất làm các sản phẩm phân kém chất lượng để cạnh tranh không lành mạnh với nhau.
Hệ thống đại lý cấp hai bây giờ phủ khắp, tính cạnh tranh rất cao. Để dành khách hàng, mẫu phân nhà sản xuất đưa ra đủ tiêu chuẩn họ không nhận bán. Đại lý đặt hàng lại nhà sản xuất, giữ mẫu mã đó, giảm chất lượng xuống, cho luôn giá thành bao nhiêu và yêu cầu nhà sản xuất làm theo. Với cùng sản phẩm, giá tốt hơn làm sao người tiêu dùng không dính.
“Tôi đã “đi đêm” điều tra vấn đề này. Thực tế, có tồn tại thực trạng đau lòng trên. Đã có đơn vị sản xuất nói với tôi: Nếu không làm theo sẽ có đơn vị khác làm và mất khách hàng”, ông Phương nói.
Ông Dương Minh Thông, Phó Chánh Thanh tra sở Công Thương Trà Vinh: Quy định xử phạt còn chưa phù hợp "Hình thức xử phạt phân bón hiện nay chưa đủ sức nặng. Đối với các đại lý kinh doanh phân giả, không bao giờ lưu kho, tích trữ với số lượng nhiều. Thực tế, khi chúng tôi bốc mẫu kiểm tra, thường các đại lý kinh doanh phân kém chất lượng bị phạt nặng hơn kinh doanh phân giả do số lượng sản phẩm nhiều hơn. Đặc biệt, khi chúng tôi phát hiện phân giả, chỉ được xử phạt đại lý vì đa số các nhà sản xuất không nằm trên địa bàn. Sau đó, chúng tôi làm công văn gửi về các tỉnh, thành nơi nhà sản xuất đặt nhà máy để giám sát. Công văn của các đơn vị này phản hồi thì sản phẩm sản xuất ra đều đạt chất lượng tốt. Không quản lý được từ gốc thì khó khắc phục thực trạng trên". |