Nghĩa là nguồn gốc xuất xứ hàng hoá bị đánh tráo một cách trắng trợn theo tiêu chí người mua có thể mua nhầm, còn người bán không thể bán nhầm. Cụ thể, nho Trung Quốc được dán tem nho Peru, lê Trung Quốc được dán tem lê Hàn Quốc, táo Trung Quốc được dán tem táo New Zealand hoặc táo Mỹ… tuỳ theo nhu cầu của khách hàng, nhằm đạt được lợi nhuận cao nhất.
Ảnh minh họa |
Trong 6 tháng đầu năm 2018, nước ta đã nhập khẩu một lượng trái cây trị giá trên 120 triệu USD từ Trung Quốc, Đó là con số chính ngạch, còn lượng nhập khẩu tiểu ngạch thì chẳng ai giám sát được và chắc chắn không nhỏ. Với ưu điểm giá rẻ, trái cây Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, lấn át trái cây nội địa và… tạo ra sự hỗn độn về giá trị đích thực của hàng hoá. Tuy nhiên, trái cây chỉ là một ví dụ mà thôi. Nhiều loại hàng hoá từ Trung Quốc khi bày bán trong các cửa hàng sang trọng cũng áp dụng chiêu thức “hồn Trương Ba da hàng thịt”.
Cách đây gần 1 năm, giới ưa chuộng thời trang phải bàng hoàng khi thương hiệu uy tín KhaiSilk dùng những sản phẩm khăn lụa của Trung Quốc để bày bán dưới dạng “hàng Việt Nam chất lượng cao”. Sai phạm của KhaiSilk được thực hiện có hệ thống và kéo dài nhiều năm, dẫn đến hệ luỵ là người tiêu dùng trong nước và khách du lịch phải ê chề vì đã trót mua khăn lụa Trung Quốc để sử dụng và làm quà tặng như một niềm tự hào về bàn tay khéo léo và sáng tạo từ cộng đồng người Việt Nam. Đáng buồn hơn, khi hành vi gian lận của KhaiSilk chưa bị khởi tố thì lại có thêm hệ thống siêu thị Con Cưng bán hàng Trung Quốc mà lại nguỵ trang là hàng Thái Lan và nhiều nước khác. Vụ Con Cưng còn nghiêm trọng hơn vụ KhaiSilk vì sản phẩm chủ yếu phục vụ cho trẻ em, nếu sản phẩm có bất kỳ nguy hại nào sẽ để lại hậu quả khôn lường.
Từ cái tem dán trên mỗi trái táo, mỗi trái lê đến cái nhãn mác đính trên mỗi chiếc khăn, mỗi chiếc áo… vì sao lại đổi trắng thay đen dễ dàng như vậy? Chúng ta không có bộ phận theo dõi chuyển động hàng hoá? Chúng ta quá tự tin mỗi khách hàng là một người tiêu dùng thông minh? Chúng ta cho rằng dòng chữ “Made in China” thay thế cho dòng chữ “Made in Việt Nam” hoặc “Made in USD” cũng chỉ là… hình thức bề ngoài không cần bận tâm? Khi việc dán tem hàng hoá dựa theo… thị hiếu, thì còn cần đến cái tem hay nhãn mác để làm gì? Đằng sau thái độ lừa đảo của những con buôn là sự tổn thương của xã hội. Kẻ ma giáo thu được lãi lớn nhờ giả nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá, còn những khách hàng lương thiện phải làm sao để vớt vát chút niềm tin ít ỏi còn xót lại khi quyết định chi tiền cho một sản phẩm? Hãy xử lý thật nghiêm khắc KhaiSilk, Con Cưng và những phường buôn bán trái cây xảo trá, để giành lại thị trường Việt cho người Việt tử tế!