| Hotline: 0983.970.780

Dân tố nạn 'cát tặc' khiến đất bãi bị cuốn trôi ở Thanh Hóa

Thứ Hai 21/01/2019 , 13:30 (GMT+7)

Người dân thôn Giang Đông và Nghĩa Kỹ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) cho rằng, nạn “cát tặc” trong những năm qua đã khiến nhiều diện tích đất bãi bị “hà bá” cuốn trôi. Thế nhưng, chính quyền địa phương lại phủ nhận điều này.

08-12-08_1
Nhiều diện tích hoa màu của người dân Giang Đông bị sạt lở xuống mép sông

Bà Trịnh Thị Nguyên, một người dân thôn Giang Đông cho biết, nạn “cát tặc” diễn ra trong thời gian qua đã khiến nhiều diện tích đất bãi của người dân bị cuốn trôi. Người dân Giang Đông đã gửi kiến nghị lên UBND xã Vĩnh Hòa nhưng nạn khai thác cát trái phép chỉ giảm được một thời gian sau đó lại tái diễn.

“Gia đình tôi có 6 sào đất được chia theo Nghị định 64 nhưng nay đã bị dòng sông cuốn trôi khoảng 1.500m2. Gần đây có 1 mỏ cát nhưng việc khai thác cát lại vẫn thường diễn ra ngoài khu vực được cấp phép. Sau khi đã kiến nghị lên xã nhưng không giảm được nạn khai thác cát trái phép, người dân thôn Giang Đông đã phải cắt cử nhau ngày đêm canh bãi. Thế nhưng, dù phát hiện được thì cũng chẳng làm được gì họ ngoài việc đứng trên bờ chửi bới, ném đá, dùng nỏ cao su bắn”, bà Nguyên cho biết.

Bà Vũ Thị An cũng có 3,5 sào đất bãi (500 m2/sào), đến nay đã lở xuống sông mất 1 sào. Trước đây, để canh tác đất bãi này, mỗi hộ dân Giang Đông đều sắm 1 máy hút nước để bơm nước tưới. Tuy nhiên, hiện nay, do bờ sông bị sạt lở dựng đứng, không ai dám ra bờ sông hút nước nữa.

“Đất bãi vẫn cứ tiếp tục lở. So với trước đây đã tiến vào bãi cả hàng chục mét, kéo dài hàng trăm mét. Nay không ai còn dám ra bờ sông hút nước tưới, những chiếc máy bơm hàng triệu đồng bỏ xó. Nếu không quyết liệt ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép thì chẳng bao lâu nữa bãi bồi của người dân Giang Đông sẽ mất vĩnh viễn”, bà An bức xúc.

08-12-08_2
Những vết nứt kéo dài dọc bờ sông vẫn tiếp tục xuất hiện

Theo quan sát của PV, hiện nay, bãi sông Mã đi qua thôn Giang Đông vẫn tiếp tục bị sạt lở, tiến sát khu vực trồng hoa màu của người dân, tạo ra những bờ vực hàm ếch có độ cao 4 - 5m. Một số diện tích hoa màu của người dân rơi sát mép nước. Khu vực gần bờ sông xuất hiện thêm nhiều vết nứt kéo dài. Chỉ cần một vài trận mưa lớn thì vùng trồng hoa màu của người dân Giang Đông sẽ tiếp tục bị dòng sông cuốn trôi.

Không chỉ thôn Giang Đông, thôn bên cạnh là Nghĩa Kỳ cũng chịu chung nạn “cát tặc” khiến nhiều diện tích đất bãi bị sông Mã nuốt chửng.

Một người dân có đất canh tác ở thôn Nghĩa Kỳ bức xúc: Tình trạng khai thác cát trái phép đã diễn ra nhiều năm, 2 năm nay đất đai bị sạt lở mạnh. Chính quyền địa phương làm ráo riết một thời gian, tình hình có giảm nhưng nay lại tái diễn. Thời điểm khai thác thường vào rạng sáng, có khi giữa trưa. Họ thường cắm vòi vào sát bờ để lấy được nhiều cát và cát đẹp. Lúc đầu người dân phân công nhau ra canh bãi, đẩy đuổi “cát tặc” nhưng dần dần bất lực vì không có phương tiện nên đành chịu.

Ông Trịnh Huy Tuyến, trưởng thôn Nghĩa Kỳ xác nhận, sau bão số 4, sông Mã cuốn trôi khoảng 600m2 đất bãi, kéo dài khoảng 200m bờ sông. Còn theo ông Lê Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa thì diện tích đất bãi bị sạt lở không lớn như người dân phản ánh. Thực tế, diện tích sạt lở chỉ khoảng 500m2, xuất hiện sau những trận mưa lũ cuối năm 2018.

08-12-08_3
Trước đây, người dân Giang Đông dùng nỏ cao su bắn “cát tặc” nhưng nay đành bất lực

“Ở đây có mỏ cát số 18 được cấp phép thuộc thôn Nghĩa Kỳ nhưng sạt lở không nằm trong khu vực được cấp phép. Xã đã lập chốt gồm 7 đồng chí, bao gồm cả công an huyện Vĩnh Lộc ngày đêm trực canh nên không có chuyện hút trộm cát ngoài khu vực được cấp phép. Cách đây vài ba tháng, người dân thôn Giang Đông có kéo lên xã phản ánh, đề xuất nhưng chúng tôi không biết xử lý thế nào khi chuyện hút trộm cát không xẩy ra?”, ông Trung khẳng định.

Trong khi đó, người dân thôn Giang Đông khẳng định, nạn “cát tặc” vẫn tái diễn và người dân đã bất lực. “Chúng tôi mong chính quyền địa phương hãy vì lợi ích lâu dài của người dân mà tăng cường các biện pháp ngăn chặn. Người dân như chúng tôi, phương tiện không có, đứng trên bờ chửi bới, ném đá thì phỏng có ích gì?”, bà Trịnh Thị Nguyên chua xót.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.