Người dân Vũ Hán đối mặt với dịch Corona trong hoàn cảnh thành phố bị phong tỏa. |
Wenjun Wang, 33 tuổi, là một bà nội trợ sống ở Vũ Hán, trung tâm bùng phát dịch viêm đường hô hấp do nCoV khiến hàng trăm người chết tại Trung Quốc thời gian qua.
Chị và cả nhà vẫn ở lại thành phố sau khi Vũ Hán bị phong tỏa vào ngày 23/1, từ đó đến nay, gia đình Wang đã trải qua một cuộc đấu tranh sinh tồn khắc nghiệt trước dịch bệnh khiến hơn 24.000 người nhiễm và giết chết gần 500 người.
Kể từ khi dịch nCoV bùng phát, chú của Wang đã qua đời, bố cô bị ốm nặng trong khi mẹ và cô đã xuất hiện một số triệu chứng, hình ảnh chụp CT phổi cho thấy họ đang bị nhiễm trùng, còn anh trai của bà nội trợ này cũng gặp hiện tượng ho và khó thở. Bố của Wang số cao, lên đến 39 độ C, ho và khó thở, gia đình phải trang bị một máy thở oxy và ông gắn với chiếc máy này 24/7 trong những ngày qua.
Người đàn ông này đang được điều trị bằng cả thuốc đông y lẫn tây y nhưng không thể nhập viện vì chưa xác định được có dương tính với nCoV hay không, nguyên nhân là do không có đủ bộ dụng cụ xét nghiệm. Mỗi ngày, mẹ và cô của Wang đều phải đi bộ đến bệnh viện trong tình trạng sức khỏe kém chỉ hy vọng có thể tìm được một giường trống cho người bố được nhập viện, nhưng không được.
Người dân Trung Quốc tìm cách phòng ngừa dịch Corona bằng khẩu trang y tế. |
Không ai giúp
Tại Vũ Hán, có nhiều điểm kiểm dịch để giúp những người có triệu chứng nhẹ hoặc vẫn đang trong thời gian ủ bệnh nhưng chỉ với cơ sở vật chất đơn giản và cơ bản. Đối với những người bệnh nặng như cha của Wang, không có giường bệnh để nằm ở đây. Trước đó, người chú của Wang đã chết trong một điểm kiểm dịch như vậy vì không có năng lực chữa trị cho những người bị bệnh nặng.
Trong trường hợp của cha mình, Wang hy vọng ông có thể được điều trị trong điều kiện thích hợp nhưng đến lúc này, vẫn không có ai liên lạc hay giúp đỡ gia đình cô. "Tôi đã liên hệ nhiều lần với nhân viên y tế nhưng câu trả lời vẫn là không có giường bệnh cho cha tôi", bà nội trợ 33 tuổi người Vũ Hán chia sẻ.
Điểm kiểm dịch đầu tiên mà bố và chú của Wang đến hóa ra lại là một khách sạn được trưng dụng, ở đó không có bác sỹ, không có y tá và cũng chẳng có máy sưởi. Họ đến đây vào buổi chiều, khi mà các nhân viên điểm kiểm dịch đang phục vụ bữa tối cho người bệnh. Thời điểm đó, người chú đang ốm rất nặng, suy hô hấp nặng và bắt đầu bất tỉnh.
Nhưng không có bác sỹ nào đến điều trị cho họ. Hai người được ở trong 2 phòng riêng và khi cha của Wang sang gặp người chú vào 6h30 sáng hôm sau thì ông đã qua đời.
Một bệnh viện dã chiến được xây dựng cấp tốc ở Vũ Hán. |
Chết ở nhà còn hơn
Những bệnh viện mới đang được xây dựng để chuyển bớt những bệnh nhân ở khu vực đang quá tải sang. "Nhưng với những người như chúng tôi, một chiếc giường bệnh còn chẳng có nữa là giường bệnh mới", Wang nói.
Nếu làm theo khuyến cáo của chính quyền, điểm đến duy nhất hiện nay mà bố của cô có thể đến được là các điểm kiểm dịch. Thế nhưng, Wang và gia đình lo ngại rằng nếu đến đó, bố của cô sẽ phải chịu chung số phận như người chú. "Vì thế, chúng tôi thà chết ở nhà còn hơn", Wang chia sẻ.
Theo bà nội trợ này, nhiều gia đình xung quanh cũng gặp tình trạng tương tự và Wang lo sợ không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Theo số liệu công bố mới nhất ngày 5/2 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tổng cộng 24.324 ca nhiễm bệnh và 490 người tử vong đã được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục.
Hồ Bắc, tâm điểm của dịch virus corona, ghi nhận thêm 3.156 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn tỉnh lên thành 16.678. Trên toàn thế giới có 24.552 ca nhiễm, 492 người đã tử vong, với 2 ca được ghi nhận bên ngoài Trung Quốc đại lục là ở Hong Kong và Philippines.