| Hotline: 0983.970.780

Đằng sau loạt bài 'Thuốc lậu rao bán trên facebook, tràn ra đồng ruộng'

Thứ Hai 21/06/2021 , 09:58 (GMT+7)

Tôi vẫn còn nhớ cánh đồng rau của huyện Mê Linh (Hà Nội) bạc trắng vì lá bị sâu bào mỏng tang như tờ giấy dù cho nông dân có phun tràn thuốc BVTV lậu.

Những cánh đồng, vườn cây đổi màu vì sâu bệnh

Tôi vẫn còn nhớ những trưa hè bỏng rát đi thực tế tại các vườn cam của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) lá vàng như bị dội nước sôi mặc cho nông dân đã đổ ngập thuốc sâu lậu vào bể rồi dùng bơm áp lực lớn để phun. Tôi vẫn còn nhớ lời một nhân viên của công ty bảo hiểm nhân thọ ở đây nói rằng đừng nhìn vào vẻ hào nhoáng bên ngoài với nhiều nhà gác, nhà tầng mà tưởng dân đã giàu.

Người này nói: “Chỉ một bộ phận nhỏ là khá thôi, còn lại không như cánh báo chí các anh nói đâu, nợ nần nhiều lắm! Cây cối bệnh tật triền miên, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) toàn phải mua chịu, nhiều thứ đã bị sâu kháng hết rồi vì dùng bừa bãi "hàng Tàu". Họ phun thuốc quanh năm, ở trong những ngôi nhà ngay chính giữa vườn nên giờ trước khi bán bảo hiểm cho ai chúng tôi đều phải đưa đi bệnh viện tuyến trên để kiểm tra thật kỹ về u bướu…”.

Một chủ vườn cam ở huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang với số vỏ bao thuốc sâu sử dụng trong một vụ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một chủ vườn cam ở huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang với số vỏ bao thuốc sâu sử dụng trong một vụ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đi đâu cũng gặp những đống vỏ thuốc sâu lậu in loằng ngoằng toàn chữ tượng hình vứt bừa bãi ngoài đồng hay đầu kênh, bờ máng nên trong đầu tôi bỗng bật ra câu hỏi, chúng từ đâu đến, tại sao lại vào được Việt Nam? 

Vậy là tôi đã hóa thân, lúc thì là một nhân viên tiếp thị của công ty thuốc BVTV, lúc thì là một cán bộ trong ngành nông nghiệp đi tìm hiểu về thói quen dùng thuốc của nông dân, cũng như cách bán hàng của đại lý để tìm hiểu ngọn nguồn việc này. Loạt phóng sự điều tra "Thuốc lậu rao bán trên facebook, tràn ra đồng ruộng" đăng tải từ ngày 26/5 - 5/6/2020 đã ra đời như thế và là đề tài mang tính độc quyền của báo Nông nghiệp Việt Nam. Chúng gồm: Bài I. Vòng kiểm tra để loại bỏ người cài cắm. Bài II. Trong “lốc xoáy” dần lệ thuộc vào thuốc độc. Bài III. Tàn giấc mơ hoa. Bài IV. Những cánh đồng rau bạc trắng vì thuốc sâu "Tàu"…

Cánh đồng rau ở Mê Linh bạc trắng vì sâu ăn dù đã phun đủ thứ thuốc độc hại. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cánh đồng rau ở Mê Linh bạc trắng vì sâu ăn dù đã phun đủ thứ thuốc độc hại. Ảnh: Dương Đình Tường.

Loạt bài là bức tranh toàn cảnh phản ánh về chuyện buôn bán, sử dụng thuốc BVTV lậu độc hại từ biên giới Trung Quốc đi qua các tỉnh thành Bắc Giang, Hà Nội và nhiều địa phương khác. 

Bởi thế chuyện “rau hai luống, lợn hai chuồng” cứ quanh đi quẩn lại do nếu có bị phản hồi là hàng kém cũng chẳng ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống của nông dân bởi làm nông cũng chỉ là một trong những nguồn thu của họ và còn nhỏ bé so với các nguồn thu khác nữa. Còn người tiêu dùng khi bị ngộ độc thực phẩm cấp tính hoặc bị đầu độc mãn tính một cách từ từ cũng chẳng biết kêu ai, kêu cơ quan nào.

Hiệu quả đằng sau bài báo

Không phải luật của chúng ta không quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường. Nghị định 31 đã quy định cụ thể việc xử phạt những hành vi phạm trong dùng thuốc BVTV như phạt từ 200.000 - 500.000 đồng khi sử dụng không đúng với hướng dẫn ghi trên nhãn. Phạt từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với sử dụng thuốc lậu. Phạt từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với sử dụng thuốc không đúng hướng dẫn gây hậu quả nguy hiểm. Phạt từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với sử dụng thuốc cấm.

Tuy nhiên theo Cục Bảo vệ Thực vật từ trước đến thời điểm báo phản ánh, chưa ghi nhận trường hợp nông dân nào bị phạt cả. Hà Nội là địa phương đầu tiên xử lý vi phạm dạng này, ngay sáng 29/5/2020 khi báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải bài viết “Những cánh đồng rau Mê Linh bạc trắng vì thuốc sâu 'Tàu'” thì đầu giờ chiều tại xã Tráng Việt, xã Mê Linh thuộc huyện Mê Linh, đoàn công tác của ngành Nông nghiệp cùng chính quyền đã mời những nông dân liên quan lên xử phạt mỗi người 1,5 triệu đồng.

Sau đó, đoàn còn phạt 1,5 triệu với 1 hộ kinh doanh ở đây vì lỗi bán thuốc quá hạn, phạt 8 triệu đồng đối với 1 hộ kinh doanh ở xã Tiền Phong do bán thuốc trừ cỏ Paraquat đã bị cấm và hai loại thuốc lậu của Trung Quốc trong đó có loại mã vạch đỏ, rất độc.

Một nông dân ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang phun thuốc sâu lậu cho rau. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một nông dân ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang phun thuốc sâu lậu cho rau. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chuyện xử phạt nông dân dùng thuốc BVTV lậu của Hà Nội qua nhiều báo, đài trung ương và địa phương khác cùng phản ánh mà giúp cho hàng chục triệu nông dân trong cả nước hiểu được trách nhiệm của mình với cộng đồng, với pháp luật khi sản xuất. Còn ở Bắc Giang, Sở NN-PTNT đã thành lập ngay đoàn kiểm tra, ngày 17/6 tại xã Đông Hưng, huyện Lục Nam đã phát hiện cửa hàng bày bán thuốc lậu với số lượng 150 vỉ, xử phạt 3 triệu đồng, tại xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn phát hiện cửa hàng bán 60 gói thuốc lậu, phạt 3 triệu đồng.

Đó là chỉ những đầu mối nhỏ lẻ, từ những thông tin mà báo phản ánh tiếp theo công an huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc, điều tra ở xã Lãng Sơn có kho chứa của 1 đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật thấy 481 thùng chứa 30.620 lọ thuốc trừ cỏ (6,7 tấn) lậu của Trung Quốc - một kỷ lục từ trước đến nay ở Việt Nam. Nếu bán trót lọt ra thị trường thì số thuốc trên sẽ đầu độc hàng chục ngàn ha đất canh tác.

Số thuốc lậu bị cơ quan chức năng ở Mê Linh, TP Hà Nội thu giữ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Số thuốc lậu bị cơ quan chức năng ở Mê Linh, TP Hà Nội thu giữ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sau khi đăng tải loạt bài "Thuốc lậu rao bán trên facebook, tràn ra đồng ruộng" ngày 15/6 Văn Phòng Chính phủ đã gửi công văn số 4765 cho Bộ NN-PTNT với nội dung Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ phải có giải pháp chấn chỉnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Thực tế, dưới sức ép của dư luận trong mấy năm gần đây từ hơn 4.000 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ Thực vật đã loại bỏ được 838 với 1.265 hàm lượng hoạt chất thuốc ra khỏi danh mục. Đó cũng là nhờ một phần đóng góp của báo Nông nghiệp Việt Nam và nhiều báo đài khác trong việc tuyên truyền, cảnh báo không mệt mỏi về vấn đề thuốc lậu, thuốc cấm và sử dụng thuốc sai cách. 

Loạt bài “Thuốc lậu rao bán trên facebook, tràn ra đồng ruộng” của Báo Nông nghiệp Việt Nam vừa rồi đã được Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV năm 2020 đánh giá cao và đoạt giải B. Lần thứ 6 đoạt giải (gồm 4 giải B, 1 giải C, 1 giải khuyến khích), những cảm xúc hồi hộp đã vợi bớt đi nhiều so với lần đầu nhưng tôi vẫn rất vui.

Vui thứ nhất là bởi lẽ loạt bài đã được các đồng nghiệp biết đến, ghi nhận. Vui thứ hai, cái này mới quan trọng là loạt bài đã góp một tiếng nói của báo chí vào việc không chỉ phản ánh thực tế xã hội mà còn giúp cho xã hội thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.

Cũng có không ít sức ép đối với tôi sau khi thực hiện loạt bài này. Những nông dân gọi điện trách cứ vì bị phản ánh lên báo mà họ bị chính quyền gọi lên cảnh báo, xử phạt. Những đại lý thì bắn tiếng nên để cho cửa để họ còn làm ăn tiếp. Một số cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở có liên quan thì gọi điện thẳng đến tòa soạn để “tố” tôi đã “vạch áo cho người xem lưng” những khuyết điểm của ngành thay vì lấp liếm đi trong “tình cảm”. Căng thẳng đến nỗi lúc đó tôi lại phải rời Hà Nội để lên miền núi một tuần, vừa để tìm đề tài mới vừa để tĩnh tâm lại.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Thí điểm đề án 1 triệu ha lúa, nông dân được hỗ trợ 100% chi phí

ĐBSCL Ngoài hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nông dân tham gia mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được hỗ trợ toàn bộ vật tư và hạ tầng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.