| Hotline: 0983.970.780

Thuốc lậu rao bán trên facebook, tràn lan trên đồng ruộng

Tàn giấc mơ hoa

Thứ Năm 28/05/2020 , 08:56 (GMT+7)

Anh Quân người xóm Đường (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) cầm sợi dây giật mạnh một cái, tiếng động cơ của chiếc máy bơm công suất cao vang lên giòn giã.

Bể pha thuốc. Ảnh: NNVN.

Bể pha thuốc. Ảnh: NNVN.

Một buổi đánh thuốc “Tàu”

Không gian oi nồng mùi thuốc. Anh Quân đánh thuốc trị nhện loại “nước rửa bát của Tàu” cùng với ba loại thuốc nội khác. Khi pha chung với nhau trong cái bể 800 lít chúng biến thành thứ dung dịch màu trắng như sữa, sủi bọt như bia hơi. Cách đó hàng trăm mét là chiếc vòi phun được nối với một cuộn dây dài.

Chai thuốc 'Tàu' mà anh Quân đang đánh. Ảnh: NNVN.

Chai thuốc "Tàu" mà anh Quân đang đánh. Ảnh: NNVN.

Chỉ cần gạt nhẹ khóa, một làn thuốc trắng xóa từ hàng trăm lỗ li ti phun ra thành giàn tựa như một đám mây nhỏ, bao trùm xuống những luống hoa, che khuất cả thân người.

Vừa rồi do toàn bộ thôn bị cách ly vì Covid-19 nên anh Quân đành bỏ đi mấy lứa hoa cắt cành, mất 60 triệu đồng nên bây giờ phải phun mạnh thuốc để vực lên mà bù lại. Với 2 mẫu hoa như thế này, mỗi buổi đánh anh mất 2 triệu đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Anh Quân đang trộn thuốc. Ảnh: NNVN.

Anh Quân đang trộn thuốc. Ảnh: NNVN.

Gần đó, trong chiếc lều dựng ngay trên bờ ruộng, anh Hải - một người chuyên trồng hoa hồng trong chậu cho biết: “Dân mình quen dùng thuốc theo trào lưu, bất cứ thuốc gì, hàng Việt hay Nhật, “Tàu” mà có một người dùng, thấy hiệu quả là người nọ truyền tai người kia ngay (thực tế không có hàng thuốc Nhật mà vẫn là thuốc “Tàu” nhưng có ghi chữ Made in Japan và được đại lý quảng bá là hàng Nhật).

Tất nhiên là trước đó, đại lý gọi điện bảo chú ơi, cô ơi, hôm nay cháu về lô thuốc mới, mời cô chú dùng thử xem hiệu lực thế nào. Thấy tốt cái là nhà vườn báo cho đại lý.

Đại lý báo cho nhiều người khác rằng thuốc này tôi đã cho ông A, bà B dùng thử rồi, rất hiệu quả. Bà con ra xem ruộng thấy sạch bệnh, ra chợ thấy sản phẩm đẹp là về mua, thuốc bung ra mạnh như mạng xã hội vậy”.

Anh Hải chỉ cho chúng tôi một chai thuốc trị nhện loại 'bóng đèn' của 'Tàu'. Ảnh: NNVN.

Anh Hải chỉ cho chúng tôi một chai thuốc trị nhện loại "bóng đèn" của "Tàu". Ảnh: NNVN.

Hoa trồng chậu do thân lá ít phát triển, hai tháng mới có một lứa nên ít phải dùng thuốc, anh Hải chỉ đánh bằng đơn vị “bom” tức thùng phuy 200 lít chứ không phải dùng đến bể cả ngàn lít như dòng hoa trồng dưới đất chuyên để cắt bông.

1 sào hết 80 lít dung dịch, tính ra hơn 1 mẫu hoa của nhà anh mỗi lần đánh hết chừng 4 “bom”. Ngoắc tay ra hiệu cho tôi đi theo, anh chỉ đống vỏ thuốc, giải thích về các loại thuốc nhện “Tàu” lẫn nhện Việt trong đó nhện “Tàu” phổ biến nhất là loại mác có hình cái “bóng đèn” cùng loại cặp hai chai một.

Nói một cách công bằng thì Hà Nội là địa phương dùng ít thuốc BVTV/ha canh tác nhất nhì miền Bắc, công tác kiểm soát thuốc BVTV khá chặt chẽ nhưng lại có một ngoại lệ là Mê Linh.

Chỉ tính riêng huyện này đã tiêu thụ lượng thuốc BVTV bằng khoảng 1/6 toàn thành phố với trên 120 đại lý, mỗi năm dùng trên dưới 60.000kg, tương ứng với khoảng 10 kg/ha.

Mức độ tiêu thụ ở những xã trồng hoa như Mê Linh còn khủng khiếp hơn nhiều, mỗi năm trên dưới 22.000kg. Tính ra mỗi ha hoa tiêu thụ khoảng 70kg thuốc, gấp khoảng 20 - 30 lần bình quân chung của toàn thành phố.

Gạt khóa là thuốc phun ra như sương. Ảnh: NNVN.

Gạt khóa là thuốc phun ra như sương. Ảnh: NNVN.

Nếu người trồng cây ăn quả như ở huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang còn e dè khi đánh thuốc “Tàu” bởi dù sao đó cũng là thứ sẽ ăn vào bụng thì người trồng hoa lại đánh thả cửa vì nghĩ đó cũng chỉ là thứ để trưng nên phải làm sao đẹp mắt hết mức có thể.

Hoa là thứ làm giàu cho người dân Mê Linh nhưng cũng khiến cho không ít người phải tán gia, bại sản vì thiên tai, dịch bệnh, vì sự bấp bênh của thị trường và sức khỏe của người trồng luôn treo trên đầu… miệng vòi phun thuốc.

Tự dưng, tôi lại nhớ đến câu chuyện với chị Trần Thị Ngọc Anh - Trạm trưởng Trạm y tế xã Mê Linh - hai năm trước về đội quân “những người mang án tử” ở đây.

Chị bảo, mỗi năm có khoảng trên dưới 20 người gia nhập vào đội quân ấy, trong đó tử vong vào khoảng 10 - 14 ca.

Khi còn quy định bắt buộc bệnh nhân phải qua Trạm y tế xã để làm thủ tục lên tuyến trên điều trị bảo hiểm thì việc quản lý các trường hợp mắc ung thư rất dễ nhưng nay thông tuyến, muốn có số liệu Trạm phải tự đi điều tra.

Nhiều khi người bệnh đã xanh cỏ ngoài đồng rồi nhân viên của Trạm mới phát hiện ra để cộng vào sổ.

Trước khi họ đến là có alo

Đại lý A ở xã Mê Linh thú thực rằng: “Tôi không thích bán hàng “Tàu” lắm bởi người dân yêu cầu nên mới phải lấy một ít thuốc nhện về bán chứ một số đại lý rất thích, chuyên bán loại này kèm cả các loại thuốc sâu, thuốc bọ trĩ nữa.

Chẳng qua là những lúc hàng nội không đáp ứng được, đánh mãi nhện không chết thì bắt buộc nông dân phải chuyển sang hàng “Tàu”, chấp nhận liều vì có thể gây cháy lá, cháy hoa. Khi vườn này đánh nhện chết hết rồi, người nọ truyền miệng người kia thành ra bán chạy”.

Chai thuốc 'nước rửa bát Tàu' ở ngoài cùng, bên phải. Ảnh: NNVN.

Chai thuốc "nước rửa bát Tàu" ở ngoài cùng, bên phải. Ảnh: NNVN.

Cũng theo A, ba năm gần đây phải đến 90% thuốc trị nhện là hàng “Tàu”, chỉ đánh phòng mới dùng đến hàng nội vì giá rẻ hơn.

Vừa mở điện thoại ra cho chúng tôi xem các loại thuốc trị nhện lậu, A vừa giải thích: “Nhện “Tàu” có nhiều loại nhưng không loại gì trụ được đến năm thứ ba đâu, hầu hết giờ đều đã kháng thuốc. Cũng may đến thời điểm nắng nóng này là hết mùa nhện.

Đây là loại nhện cặp (hai chai nhỏ) có giá 190.000 đồng khi phun hòa ra 200 lít được dân chuộng hơn cả vì mới ra khoảng 1 năm nay, chưa bị kháng, dùng khá mát không gây cháy lá, xém hoa”.

Đúng lúc này, có mấy người vào mua thuốc cũng góp chuyện: “Giờ chúng tôi phải dùng hỗn hợp hạng nặng gồm nhện “Tàu” cộng với thuốc sâu hoặc nhện cháy, chấp nhận bị thui mầm lá, đơ cây mới trị được!”.

Không chỉ trồng hoa ở xã mà dân Mê Linh còn thuê đất tận Lai Châu, Sơn La để làm, thường có diện tích từ một vài ha trở lên.

Mỗi lần về quê thăm nhà họ đều không quên mang theo các loại thuốc “Tàu” bởi đại lý ở trên đó chủ yếu bán các loại thuốc rẻ tiền dành cho cây ngô, cây lúa. Hoa thu hoạch lại được chuyển về Hà Nội bằng xe tải hay xe khách để bán.

Đống sổ ghi nợ ở một đại lý bán thuốc BVTV. Ảnh: NNVN.

Đống sổ ghi nợ ở một đại lý bán thuốc BVTV. Ảnh: NNVN.

“Trên đó lạnh hơn nên con nhện đỏ to bằng đầu kim luôn chứ ở đây phải dùng kính lúp soi mới thấy. Nhện đỏ đánh còn dễ chết chứ nhện cám bám ở khe lá, gân lá lại có màng tơ bao quanh, rất khó tiêu diệt. Chúng tôi đang dùng loại chai nhựa của “Tàu” đánh nhiều lượt nhưng hiệu quả không cao, muốn thay đổi sang loại thuốc mới xem sao”.

Cũng bởi đầu tư cho những người làng đi “đánh bắt xa bờ” như thế mà B - một đại lý cùng ở xã Mê Linh đang gánh món nợ 7 tỉ: “Họ lấy của tôi hai chuyến hàng, nợ cỡ trăm triệu xong nhảy sang lấy hàng của đại lý khác, nợ rồi lại nhảy tiếp. Có người nợ tôi tới 4 năm nay, dù cách đây chỉ hai nhà vẫn chưa đòi được mà giờ còn không biết họ ở đâu nữa, vườn ở trên đó họ bán lúc nào cũng không ai hay.

Hai năm nay tôi không dám bán cho những nhà vườn ở xa mà chỉ bán cho người trồng ngay tại xã nhưng tỉ lệ chịu cũng cỡ 70%, nợ từ đầu năm đến cuối năm mới trả”.

B mới bán hàng “Tàu” hai năm gần đây bởi yêu cầu của dân, họ vào hỏi mà không có là đi chỗ khác luôn, khi mà có thì còn lấy thêm các mặt hàng như thuốc sâu, thuốc nấm, kích thích, phân bón: “Dân đặt hàng thì tôi mới lấy mỗi lần 100 - 200 cặp, chỉ để nhà 5 - 10 cặp thôi còn phải đi gửi ở nhà hàng xóm. Đang bán chạy là loại nhện cặp của “Tàu” thường phối trộn với hàng A (Abamectin), E (Emamectin) hoặc thuốc sát trùng cho tăng hiệu quả.

Còn loại “nước rửa bát” của “Tàu” dùng đánh nhện trên hồng, hoa không sao nhưng tầm xuân dại để ghép lại bị lụi hết nên dân sợ. Bán hàng này, lãi cũng không nhiều đâu, như loại nhện cặp tôi lấy lại của người ta 170.000 đồng bán ra 185.000 đồng.

Nếu lấy theo lô, giá rẻ hơn nhiều. Tôi cũng có mối nhưng không thể bán buôn được còn bán lẻ biết bao giờ hết nên không dám nhập”.

Bể chứa dung dịch thuốc BVTV sủi bọt trắng. Ảnh: NNVN.

Bể chứa dung dịch thuốc BVTV sủi bọt trắng. Ảnh: NNVN.

Ở đây anh bán thuốc “Tàu” thế thỉnh thoảng cơ quan chức năng có đi kiểm tra không? Chúng tôi hỏi. B đáp: “Có chứ, trước khi họ đến là có alo trước, báo đoàn 4 hay 5 người để mà chuẩn bị phong bì. Kể cả mấy tay đưa thuốc “Tàu” về đây người Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang, người Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc, người Hoài Đức TP Hà Nội tôi nghĩ cũng phải có gì đấy mới đem hàng về suôn sẻ chứ?

Tôi lấy của nhiều đầu mối vì hễ chỗ nào rẻ thì nhập. Xác định lấy hàng thì phải chuẩn bị tiền trước, gọi điện họ sẽ giao hàng nhưng không bao giờ hẹn giờ, ngày cụ thể.

Ví dụ hẹn sáng nay nhưng chiều hôm qua đã đến rồi. Giao dịch toàn bảo là lái xe, không xưng danh mà nói: “Em mang hàng của anh này, chị này đến”. Không biết là lái xe hay là chính người ấy bởi tôi có biết rõ họ ra sao đâu?”.

Mê Linh là nơi có lắm người buôn thuốc BVTV lậu vì trồng nhiều hoa mà thứ đó rất ngốn hóa chất đặc biệt là hoa hồng, hoa cúc. Từ Mê Linh hàng lậu sẽ được trung chuyển để tỏa đi khắp miền Bắc, thậm chí toàn quốc.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.