| Hotline: 0983.970.780

Thuốc lậu rao bán trên facebook, tràn ra đồng ruộng

Trong 'lốc xoáy' dần lệ thuộc vào thuốc độc

Thứ Tư 27/05/2020 , 08:41 (GMT+7)

Nhân viên của một công ty bảo hiểm nhân thọ nói với tôi rằng đừng nhìn vào vẻ hào nhoáng bên ngoài của Lục Ngạn với nhiều nhà gác mà tưởng dân nơi đây giàu.

Pha thuốc trị nhện đỏ của 'Tàu'. Ảnh: NNVN.

Pha thuốc trị nhện đỏ của "Tàu". Ảnh: NNVN.

Hào nhoáng bên ngoài

Anh giải thích tiếp: “Chỉ một bộ phận nhỏ là khá, giàu thôi, còn lại không như báo chí các anh nói đâu, nợ nần nhiều lắm!

Vải nhiều năm liền giá thấp, cam bưởi bệnh tật triền miên, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) toàn phải mua chịu, nhiều thứ đã bị sâu kháng hết rồi vì dùng bừa bãi hàng "Tàu".

Họ phun thuốc quanh năm, ở trong những ngôi nhà ngay chính giữa vườn nên giờ trước khi bán bảo hiểm cho ai ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chúng em đều phải đưa đi bệnh viện tuyến trên để kiểm tra thật kỹ về u bướu…”.

Hỏi về hiệu quả kinh tế, anh Minh một nhà vườn có hơn 1ha cam Canh, cam Vinh ở thôn Phúc Hòa, xã Đồng Cốc than chán lắm rồi, đã chặt vãn mấy trăm gốc 10 năm tuổi đang bị bệnh nặng. Hỏi về thói quen dùng thuốc "Tàu", anh thú thực mấy năm nay có dùng loại đậu quả và trị nhện đỏ: “Thấy người ta phun có hiệu quả thì tôi dùng thôi. Nếu ít nhện phun thuốc Việt cũng đỡ nhưng nếu đã đỏ khé lá rồi thì chỉ có phun thuốc "Tàu". Hơn thế, thuốc "Tàu" phun được 2 - 3 tháng nhện mới xuất hiện trở lại còn thuốc Việt thời gian bảo hộ chỉ được cỡ 15 ngày.

“Thuốc "Tàu" ra mỗi lần một khác nhau về hình thức lẫn hiệu lực. Vườn cam của tôi tan hoang thế này một phần do bệnh, một phần do thuốc kém”, anh Minh ở thôn Phúc Hòa, xã Đồng Cốc.

Nhưng từ khi cây bị bệnh vàng lá thối rễ thì không loại thuốc nào có thể cứu vãn nổi. Nhiều người ở các công ty BVTV cũng đã về đây thử thí nghiệm phun các kiểu hóa chất, chế phẩm, tuy nhiên cây chỉ ra được một đợt lộc rồi lại bị tiếp”.

Hơn năm nay, vườn cây bắt đầu hỏng gia đình không dám tích trữ thuốc trong kho nữa chứ trước đây mỗi lần ra các đại lý lớn ở thị trấn Chũ vợ anh đều mua một lúc 15 - 20 triệu liền để có thể phun được 2 - 3 đợt. Chỉ cần hỏi đơn giản rằng: “Vườn nhà em nhện đỏ nhiều, dày thì dùng thuốc gì?”. Thế là đại lý sẽ tự động lấy cho một combo kết hợp của nhiều loại thuốc đặc trị.

Sở dĩ họ không mua đại lý trong xã mà cất công ra ngoài Chũ mua bởi ở đây giá rẻ, lấy mỗi lần số lượng lớn có thể tiết kiệm được vài trăm ngàn. Tính ra cả năm riêng tiền chi cho thuốc BVTV anh chị tốn tới 70 - 80 triệu.

Phun thuốc trị nhện đỏ. Ảnh: NNVN.

Phun thuốc trị nhện đỏ. Ảnh: NNVN.

Chúng tôi ra vườn xem cảnh vợ chồng anh phối trộn và đánh thuốc "Tàu". Có hai mặt hàng thuốc trị nhện đỏ, loại màu trong đựng trong chai vuông dân quen gọi là “thuốc nước rửa bát” bán kèm với một chai cồn và một chai thuốc trị sâu để phối lẫn có tổng giá hơn 800.000 đồng.

Loại thứ hai có giá hơn 200.000 đồng/chai không cần phải trộn nhưng ít công hiệu bằng. Thuốc được pha trong cái bể lớn 1.100 lít rồi dùng động cơ bơm rửa xe máy 1,5KW loại đầu to, lực hút mạnh, chia làm hai vòi, vợ chồng mỗi người cầm đi theo một hướng. Họ phun cấp tập, chỉ một buổi chiều là xong hơn 1ha. 

Ông Ánh bảo thỉnh thoảng phải đánh thuốc nhện 'Tàu' mới hiệu quả. Ảnh: NNVN. 

Ông Ánh bảo thỉnh thoảng phải đánh thuốc nhện "Tàu" mới hiệu quả. Ảnh: NNVN

Cũng cùng ở xã Đồng Cốc, ông Trần Ngọc Ánh có hơn 1ha cam Canh, cam Vinh mỗi năm chi khoảng 90 triệu cho việc mua thuốc BVTV. Cầm trên tay cái chai nhựa trị nhện đỏ của "Tàu", ông cười giải thích: “Đây là loại nhãn in hình cái bóng đèn hay dân vẫn gọi là quả bom, quả lựu đạn có giá 700.000 đồng/chai.Cũng chai ấy, nhãn ấy nhưng không có tem, không có mã vạch sẽ rẻ hơn được 50.000 đồng nhưng không công hiệu bằng. Mỗi chai thuốc này pha với 1.000 lít nước tương đương với khoảng 700 đồng/lít. Mỗi lần đánh tôi phải dùng 3 chai mới đủ cho cả vườn”.

Theo kinh nghiệm của ông, sau nhiều lần đánh một loại thuốc nhện đỏ sẽ kháng lại, phải đảo sang thuốc khác thì mới công hiệu. Thường ông sẽ nhờ người mua hộ ở đại lý tại thị trấn Chũ nhưng cũng có khi mua luôn ở trong xã cho tiện.

Cận cảnh chai thuốc trị nhện 'bóng đèn' hay 'quả lựu đạn'. Ảnh: NNVN.

Cận cảnh chai thuốc trị nhện "bóng đèn" hay "quả lựu đạn". Ảnh: NNVN.

Vòng tròn ma quái

Ông Nguyễn Văn Quý ở xóm Ruồngx xã Tân Lập trước kia, khi còn cấy lúa hãn hữu mới phải đeo bình thuốc ra đồng. Kể từ lúc vượt đất ruộng lên thành vồng, thành luống để trồng 1ha cam Canh, cam Vinh ông mới “nếm mùi” thuốc sâu liên tục từ cái máy phun giàn nhiều miệng, lắm lỗ tia.

Ông kể, trong hai thứ cam đó, cam Canh là ngốn nhiều thuốc nhất vì rất hay bị sâu bệnh. Tổng cộng mỗi năm ông mất chừng 50 triệu tiền thuốc BVTV trong đó riêng trị nhện đỏ vẫn phải dùng hàng của "Tàu": “Cũng chẳng có ai khuyến cáo cả đâu mà do nhà vườn tự bảo nhau, dùng thuốc này cộng với thuốc kia, phun là chết. Trồng cam toàn phải sử dụng thuốc đắt tiền nhưng có ai dám thử nếm thử đâu mà biết thật giả hả các chú?”.

Chỉ cần lưu ảnh mẫu thuốc vào điện thoại là thuốc gì cũng có. Ảnh: NNVN.

Chỉ cần lưu ảnh mẫu thuốc vào điện thoại là thuốc gì cũng có. Ảnh: NNVN.

Vườn cam của anh Trần Văn Quý ở xóm Luồng cũng phải đánh thuốc khoảng 15 - 20 lần mỗi năm: “Thuốc sinh học không được chúng tôi ưa chuộng bởi hiệu quả chậm, chết không hết sâu so với thuốc hóa học”.

Với cây có múi, nhện đỏ là loài gây hại đặc biệt nguy hiểm vì không chỉ chích hút nhựa mà nước tiểu của chúng dính vào lá khiến lá khô, dính vào quả khiến quả đang xanh ngả sang màu chì, cằn cọc, kém phát triển.

Nhện đỏ rất khó chết, kháng thuốc nhanh, khiến cho anh Quý phải dùng luân phiên hai loại thuốc "Tàu" là chai nhôm giá 250.000 đồng pha được cho 400 lít và chai nhựa giá 150.000 đồng pha được 200 lít.

Anh Quý bên chai thuốc 'Tàu'. Ảnh: NNVN.

Anh Quý bên chai thuốc "Tàu". Ảnh: NNVN.

Lúc anh Quý mua ở trong xã, khi thì ngoài xã. Thuốc lậu không bày bán công khai mà phải người quen hỏi đại lý mới lẳng lặng vào bên trong nhà xách ra cho: “Phải phun vào sáng sớm và chiều mát thì thuốc mới phát huy hết tác dụng. Tuy giá của hàng Tàu đắt hơn nhưng phun vào nhện chết cỡ 90%, so với hàng nội chỉ chết cỡ 60 - 70% mà thôi.”.

Còn vườn cam Canh rộng 1ha của anh Nguyễn Hữu Giang ở xóm Nương xã Kiên Thành thì vẫn dùng thuốc trị nhện "Tàu" mua của đại lý Y ở thị trấn Kép (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) chứ không mua ở ngay gần thị trấn Chũ bởi: “Ở đó họ chuyên bán hàng dành cho cây cam, nửa tiền mặt, nửa cho chịu lại còn bảo hành nếu phun không chết sẽ trả lại tiền. Nói chung thì loại gì cũng có, chỉ cần chụp ảnh mẫu gửi qua Zalo là có luôn”.

Cận cảnh một chai thuốc 'Tàu'. Ảnh: NNVN.

Cận cảnh một chai thuốc "Tàu". Ảnh: NNVN.

Dùng thuốc "Tàu", không thể dùng lại thuốc Việt rồi đến khi cả thuốc "Tàu" cũng bị sâu bệnh kháng lại dẫn đến cảnh mất mùa chính là vòng tròn ma quái mà người dân Lục Ngạn đang phải hứng chịu.

Tại sao dân dùng thuốc "Tàu"?

Ông Vũ Lệnh Sánh - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện giải thích về nguồn gốc của thói quen dùng thuốc "Tàu" của dân mình như sau: “10 năm nay sau mỗi mùa vụ dân Lục Ngạn lại đi làm thuê bên Trung Quốc khá đông. Thấy họ sử dụng thuốc trị nhện đỏ trên cây cam được rất lâu, tới 2 - 3 tháng trong khi thuốc nội chỉ cỡ 20 - 30 ngày nên mang về cho người thân dùng.

Dần dần mọi người rỉ tai nhau, có cầu ắt có cung. Thuốc đấy bà con không thể đọc hướng dẫn sử dụng nên không biết liều lượng pha, thời gian cách ly là bao nhiêu mà chỉ pha theo hướng dẫn của đại lý hoặc rỉ tai nhau.

Ông Vũ Lệnh Sánh - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn. Ảnh: NNVN.

Ông Vũ Lệnh Sánh - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn. Ảnh: NNVN.

Những nhà vườn nào phun thuốc "Tàu" đi qua là biết ngay vì nặng mùi hơn hẳn. Tôi đã cầm xem các hàng thuốc ngoài luồng này thì thấy trên bao bì ghi hoạt chất tương tự như hàng nội nhưng khác ở chỗ dung môi pha chế…

Những năm chưa sáp nhập Trạm Bảo vệ Thực vật vào Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện, các đơn vị như quản lý thị trường, nông nghiệp, thanh tra chuyên ngành cùng với tôi vẫn thỉnh thoảng kiểm tra tình hình buôn bán thuốc.

Từ khi có quyết định thành lập Trung tâm, mảng này do Phòng Nông nghiệp quản lý mà bên họ thì không có người, bảo chúng tôi đã quen nên cứ tiếp tục làm, nhưng không biết có tranh nhiệm vụ hay dẫm chân lên nhau không?

Năm ngoái chúng tôi đi kiểm tra được 2 đợt, mỗi đợt 3 ngày, mỗi ngày đi được 4 - 5 hộ kinh doanh, không phát hiện được thuốc "Tàu". Năm nay có kế hoạch nhưng do tình hình dịch Covid-19 nên chưa đi được”.

Người dân này trước đây dùng thuốc 'Tàu', giờ sợ độc không dám dùng nữa. Ảnh: NNVN.

Người dân này trước đây dùng thuốc "Tàu", giờ sợ độc không dám dùng nữa. Ảnh: NNVN.

Khi chúng tôi hỏi, tại sao người dân có thể mua được thuốc "Tàu" dễ dàng nhưng đi kiểm tra lại không phát hiện được? Ông Sánh đáp: “Nói chung cũng khó bởi chúng tôi chỉ có thể kiểm tra ở cửa hàng chứ không thể vào nhà của họ được.

Chỉ có công an kinh tế mới có thể theo dõi, lập chuyên án như vừa rồi đã bắt được một đối tượng ở Hải Dương lên đây buôn. Để kiểm soát, hạn chế thuốc BVTV lậu, theo tôi đầu tiên phải làm chặt ở cửa khẩu còn ở các địa phương cần phải có công an vào cuộc.

“Về sự độc hại của việc trồng cây cam Canh phải dùng rất nhiều thuốc, hồi còn chịu trách nhiệm này ở tỉnh Hà Tây cũ tôi không ủng hộ phát triển nó mặc dù lợi nhuận cực kỳ cao.

Sự kiện tôi ấn tượng nhất là cái trại lợn nái gần vườn cam Canh ở Đan Phượng toàn bị sảy thai. Còn tôi thì vì lơ đễnh, đi thăm đồng cam, mải ăn thử, tối về đau bụng muốn chết, chạy vội toa lét nhiều lần!

Thế mà, sau khi tôi về hưu, nhiều tỉnh thành đua nhau trồng, diện tích tăng vọt và nay mới thấy người nói ra điều đó từ cơ sở”, ông Bùi Ngọc Khanh, nguyên Trưởng phòng Trồng trọt của Sở NN-PTNT Hà Tây cũ, nói.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Quy trình vận hành liên hồ chứa và lưu vực sông cần phải đồng bộ

Việc vận hành đơn lẻ các hồ chứa, lưu vực sông sẽ ảnh hưởng đến quy trình vận hành liên hồ, do vậy cần sớm đồng bộ quy trình vận hành toàn lưu vực.