Hôm nay là ngày khai giảng, lão Cò quyết định đưa cháu tới trường, hưởng ứng phong trào “Toàn dân đưa trẻ tới trường” bằng chiếc Ford Fiesta mới tinh.
Hoá ra không chỉ mình lão đưa con em đến trường bằng ô tô, mà còn nhiều người khác nữa. Núi Hài vùng đất nghèo nàn, tăm tối vừa trải qua trận lũ lụt sao hôm nay lại nhiều xe ô tô đến vậy? Hỏi ra mới hay, trận mưa lũ vừa qua núi Hài bị sập đổ mấy chục nóc nhà, lúa bị vùi dăm bảy mẫu... để chia sẻ với người dân vùng lũ nên khai giảng năm nay ngành giáo dục chọn núi Hài để các lãnh đạo tỉnh và trung ương tới dự, phát động phòng trào “thi đua dạy tốt học tốt”. Ô tô nhiều là vậy, số ô tô kia nhiều hơn đám trâu bò của núi Hài, mỗi cái ô tô trị giá bằng cả trăm con trâu bò.
Cờ đỏ và khẩu hiệu giăng ngợp trời, đám trẻ con núi Hài đứa nào cũng xúng xính quần áo mới đủ loại sắc màu dân tộc. Lão nhớ lại ngày xưa lão tới trường bằng đôi chân trần đen thui, nứt nẻ, đôi chân ấy đã vượt qua dãy Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ... Lão tới bên một cháu bé mặc bộ quần áo dân tộc Dao hỏi:
- Cháu ở bản nào vậy?
Cô bé nhìn lão ngỡ ngàng:
- Dạ, cháu... cháu không ở bản nào ạ. Cháu là học sinh thị trấn, hôm nay có lãnh đạo trung ương và tỉnh lên, phòng giáo dục mượn chúng cháu sang đây để khai giảng...
- Thế bộ quần áo dân tộc cháu đang mặc đây là thế nào?
- Họ mượn cho cháu để đóng giả là người dân tộc mà bác...
Lão Cò trợn tròn mắt kinh ngạc:
- Lão hiểu rồi, hiểu rồi...
Thời bao cấp khi lãnh đạo xuống kiểm tra cơ sở chăn nuôi, người ta mượn lợn của dân về thả trong trại HTX, nay khai giảng vì không muốn lãnh đạo trung ương và tỉnh thấy đám trẻ con núi Hài nheo nhóc họ mượn học sinh trường khác. Thật là diệu kế! Diệu kế! Lão cứ nghĩ miên man: Sao bảo ngành giáo dục đang thực hiện phong trào hai tốt “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, thì cái sự mượn học sinh này có phải là bệnh hình thức không? Đang mải suy nghĩ thì tiếng trống khai giảng năm học mới tùng tùng bắt đầu.
Mọi người nín thở, mắt ngước nhìn cánh tay vị lãnh đạo vung cao chiếc dùi buộc nơ đỏ đánh ba hồi trống, tiếng trống âm vang núi rừng, âm vang trong lòng bao đứa trẻ khi bước vào năm học mới. Lão Cò chợt nhớ câu “Đánh trống bỏ dùi”. Nhớ lại kỳ thi vừa rồi, cái sự lộn xộn xảy ra ở trường Đồi Ngô hay Đồi Sắn gì đó. Hoá ra căn bệnh thành tích vẫn bám dai dẳng. Vậy, phong trào thi đua hai tốt cũng giống như chuyện đánh trống bỏ dùi thôi. Tai lão Cò ù đặc, lão chả nghe được những lời của các vị lãnh đạo nói với học sinh những gì.
Về nhà, lão kể lại chuyện mượn học sinh với bác Thảo Dân, bác mỉm cười:
- Chuyện đánh trống bỏ dùi xem ra cũng giống như chuyện hứa xuông, nói xạo của một bộ phận lãnh đạo thời nay. Cứ chuyện gì các quan quyết tâm là chuyện đó chả làm được. Ví như chống lãng phí tham nhũng, chống bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử, chống uống rượu trong giờ làm việc, bỏ học thêm dạy thêm...
Lão Cò thở dài:
- Xem ra chuyện đánh trống bỏ dùi chắc còn tồn tại dài dài bác nhỉ? Mừng năm học mới, tôi với bác làm một ly Tiên Lãng Tửu cho râm ran cái đầu đã bác...