Đập Tam Hiệp vẫn trong tầm kiểm soát
Tuy nhiên, bất chấp mọi đồn đoán về nguy cơ rủi ro đối với công trình thủy lợi lớn nhất thế giới, nhà điều hành đập Tam Hiệp vẫn tự tin cho rằng “mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát”.
Trước đó, vào đầu tuần này sông Dương Tử đã phải đối mặt với đợt lũ lớn thứ ba trong mùa mưa năm nay, khiến lượng nước đổ dồn vào hồ chứa đập Tam Hiệp với lưu lượng hơn 60.000 mét khối mỗi giây.
Theo các chuyên gia thủy lợi, đỉnh lũ lần này tương đương với tốc độ của dòng chảy cao nhất cách đây 10 ngày, đã bổ sung thêm trên 10 tỷ mét khối nước nữa vào hồ chứa nhân tạo của đập Tam Hiệp. Điều này khiến giới chức ở Bắc Kinh phải cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn gây ra sự cố đối với công trình này và yêu cầu Tập đoàn Tam Hiệp phải luôn đặt trong tình trạng “thời chiến”.
Trước đó, trong hai ngày cuối tuần, nhà điều hành đập Tam Hiệp đã phải xả đập tràn nhằm “cơi nới” dung tích 39,3 tỷ mét khối nước cho hồ chứa để đề phòng trưng dụng cho đợt lũ thứ ba.
Ghi nhận vào sáng 28/7, nhà điều hành đập Tam Hiệp cho biết, lưu lượng dòng chảy ở thượng nguồn của hồ chứa dao động trong khoảng từ 50.000 đến 60.000 mét khối mỗi giây. Và kế hoạch của tập đoàn là muốn ém giữ mực nước lũ này càng lâu càng tốt để “câu giờ” tạo cơ hội cho các địa phương ở hạ lưu có thêm thời gian để phòng thủ.
Bộ trưởng Thủy lợi Trung Quốc Ngạc Cánh Bình hôm 28/7 cảnh báo, các ban ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ với cơ nhà điều hành đập Tam Hiệp trong việc xả lũ so le từ thượng nguồn sông Dương Tử và các chi lưu khác, đảm bảo mực nước trong hồ chứa không được quá cao, nhằm tạo không gian cho những trận lũ lớn có thể xảy ra trong những ngày tới, đồng thời đảm bảo an toàn cho các tuyến đê ở hạ lưu.
Trong một động thái mới nhằm bác lại những suy đoán về sự cố vỡ đập có thể xảy ra, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã vào tuần trước mặc dù thừa nhận đập Tam Hiệp “có biến dạng nhẹ” ở một số khu vực ngoại vi công trình, tuy nhiên cũng nhấn mạnh rằng “đợt lũ lụt năm nay là nghiêm trọng chưa từng có”.
“Đập Tam Hiệp từng chịu lưu lượng dòng chảy 61.000 mét khối mỗi giây vào ngày 19 tháng 7 và ghi nhận là mức kỷ lục của năm nay, tuy nhiên nó vẫn còn nhỏ hơn mức thử nghiệm theo lý thuyết là 71.200 mét khối hồi năm 2012, sau khi con đập này được hoàn thành từ năm 2002. Cấu trúc của siêu công trình đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử là gần như không thể lay chuyển được và tất cả đã đều nằm trong các thông số thiết kế”, Tân Hoa Xã cho hay.
Đập Tam Hiệp ổn định dựa trên cơ sở khoa học
Trên tài khoản WeChat của mình, nhà điều hành đập Tam Hiệp cũng nhấn mạnh rằng, thân con đập khổng lồ được kết cấu bằng 17 triệu mét khối bê tông cốt thép và sức chống đỡ của nó có thể chịu được một quả bom hạt nhân hay trận đại hồng thủy hoặc thảm họa động đất.
Trước đó, hồi đầu mùa mưa lũ tháng 6 đã có rất nhiều nguồn tin trong và ngoài Trung Quốc từng đặt ra dấu hỏi về nguy cơ rủi ro đối với đập Tam Hiệp, nhất là sau những hình ảnh rò rỉ trên các phương tiện truyền thông nước ngoài về những biến dạng tại một số vị trí của công trình này.
Tờ nhật báo điện tử Chinadaily số ra hôm 28/7 tiếp tục khẳng định, đập Tam Hiệp vẫn đang hoạt động trong tình trạng tốt, không có biến dạng hoặc rủi ro khác và dự án không mong manh như một số người nghĩ.
Cơ sở khoa học được đưa ra là hệ thống các thiết bị giám sát đã được lắp đặt trong thân đập ngay từ đầu năm 1994 để đo lường tình trạng hoạt động của nó một cách kịp thời và chính xác.
Theo đó, đã có khoảng 12.000 dụng cụ theo dõi đã được “cấy lắp” vào siêu công trình này, tính đến cuối tháng 6 vừa qua, bao gồm các tòa nhà, nền móng và sườn đập... để theo dõi những biến dạng, rò rỉ, áp lực hoặc sức ép do động đất mạnh và các tình huống khác. Ngoài ra, còn một lực lượng nhân lực luôn tiến hành kiểm tra, giám sát thủ công nhằm đảm bảo tính an toàn cho con đập này.
Giới chức Trung Quốc đồng thời cũng cho rằng, những tin đồn thất thiệt, thiếu cơ sở khoa học về sự biến dạng hoặc sụp đổ của đập Tam Hiệp là đáng báo động và có động cơ thầm kín.
Trong một bài viết hôm 22 tháng 7 năm 2020, tờ Thời báo Hoàn cầu đã trích dẫn ý kiến của chuyên gia Wang Hao, học giả của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc tuyên bố rằng "vật liệu bê tông được sử dụng xây dựng đập Tam Hiệp hoàn toàn khác với bê tông thông thường" và nó sẽ tiếp tục được chỉnh trị và tăng cường sức chống chịu cho tới khi nó đạt "đỉnh cao sức mạnh trong vòng 100 năm".
Trong khi đó, nhiều người dân ở vùng hạ lưu đập Tam Hiệp, nơi đang phải hứng chịu mùa lũ lụt nghiêm trọng và tồi tệ nhất vẫn hoài nghi việc các nhà chức trách Trung Quốc điều tiết hoạt động xả nước từ con đập là để bảo vệ nó, chứ không phải là nhằm đảm bảo sự an toàn cho người dân.