| Hotline: 0983.970.780

Đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong mọi tình huống

Thứ Tư 11/03/2020 , 09:34 (GMT+7)

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, vụ đông xuân năm nay toàn quốc gieo trồng 3,2 triệu ha lúa, ước tính tổng sản lượng trên 21 triệu tấn thóc (12,5 triệu tấn gạo)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 10/3/2020. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 10/3/2020. Ảnh: Minh Phúc.

Với nguồn cung dồi dào như trên, ngành trồng trọt sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực trong nước trong mọi tình huống, ngoài ra sẽ còn dành để xuất khẩu.

Vụ lúa thắng lợi toàn vẹn

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, vụ đông xuân năm nay ĐBSCL hết sức khó khăn bởi hạn mặn khốc liệt. Bằng sự chủ động thời vụ, ứng phó ngay từ rất sớm, kết quả ĐBSCL đã có được vụ lúa thắng lợi ngoài mong đợi: Được mùa, chi phí sản xuất thấp nhờ né được rầy, hạn chế thuốc trừ sâu, lúa bán được giá, là vụ sản xuất toàn vẹn.

Năm nay, từ ĐBSCL đến Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đều có một vụ đông xuân được mùa lớn. Năng suất lúa bình quân tại ĐBSCL ước đạt xấp xỉ 7 tấn/ha, Nam Trung bộ và Tây Nguyên đạt khoảng 6,7 – 6,8 tấn/ha, cao hơn khoảng 2,5 tạ/ha so với năm 2019.

Ông Dương Xuân Quả (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) phấn khởi khi trà lúa đông xuân của gia đình được mùa, được giá. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Dương Xuân Quả (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) phấn khởi khi trà lúa đông xuân của gia đình được mùa, được giá. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đối với các tỉnh phía Bắc từ đèo Hải Vân trở ra, có trên 1,1 triệu ha lúa vụ đông xuân. Hiện lúa tại Bắc Trung bộ đang đứng cái làm đòng, chuẩn bị trỗ, thời tiết thuận lợi.

Khoảng 755.000 ha lúa vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc cũng được gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất. Đặc biệt năm nay nguồn nước dồi dào lại vừa có những trận mưa trái vụ, thuận lợi cho sinh trưởng phát triển cây lúa. Chỉ cần kiểm soát tốt sâu bệnh sẽ cầm chắc thắng lợi.

Như vậy, về tổng thể vụ đông xuân toàn quốc có khoảng 3,2 triệu ha, ước tổng sản lượng đạt trên 21 triệu tấn thóc, tương đương 12,5 triệu tấn gạo, yên tâm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực trong nước trong mọi tình huống, sẽ còn dành để xuất khẩu.

Nhờ nguồn cung dồi dào, ngành trồng trọt của Việt Nam có thể đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong mọi tình huống. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhờ nguồn cung dồi dào, ngành trồng trọt của Việt Nam có thể đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong mọi tình huống. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Không chỉ đạo chung chung

“Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các vụ sản xuất quan trọng tiếp theo cho các vùng ĐBSCL, Nam Trung bộ và Tây Nguyên, tiếp đến là vụ mùa miền Bắc, đảm bảo thắng lợi. Bộ giao Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia rà soát từng tỉnh, địa bàn, nơi nào nhìn rõ nguy cơ thiếu nước, không thể đủ nước thì chuyển đổi sang hoa màu, cây trồng cạn, không nhất thiết phải cứ là lúa. Các tình huống đều phải cụ thể, dễ làm dễ hiểu, không chung chung”, Thứ trưởng Doanh nói.

Với cây rau màu, năm nay cũng hoàn toàn yên tâm. Cả nước có xấp xỉ 1 triệu ha rau củ phục vụ đời sống, sản lượng khoảng 18 triệu tấn, trong đó nhu cầu trong nước bình quân mỗi năm dao động chỉ 14 – 15 triệu tấn, còn dư thừa để xuất khẩu.

Cây ăn quả, thống kê diện tích tăng hơn năm ngoái từ 40.000 – 50.000 ha (nâng tổng diện tích cây ăn quả cả nước lên 1,1 triệu ha). Tổng thể các vùng cây sinh trưởng phát triển tốt. Như Sơn La có trên 70.000 ha, từ nhãn, xoài đều ra hoa đậu quả rất sai; cây vải Lục Ngạn – Bắc Giang và Thanh Hà - Hải Dương đều sinh trưởng tốt, thuận lợi.

Duy chỉ có cây ăn trái ở ĐBSCL là đang khó khăn do khô hạn, Bộ NN-PTNT và các địa phương nỗ lực bằng nhiều biện pháp duy trì được vườn cây, tránh ảnh hưởng xấu.

Năm nay, cây ăn quả ngoài diện tích tăng thêm còn một số diện tích bắt đầu bước vào thời kỳ kinh doanh, nên tổng sản lượng sẽ tăng. Ước tính cả nước sẽ có khoảng 15 triệu tấn trái cây, tăng 9% so với năm 2019. Vì vậy ngoài nhu cầu trong nước cần tìm thị trường xuất khẩu.

Về thị trường, nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng khi ổn định lại được thì nhu cầu sẽ rất cao, cần có sự chuẩn bị để đáp ứng.

Bài học kinh nghiệm lớn

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, bài học kinh nghiệm lớn đối với vụ đông xuân ở ĐBSCL trong điều kiện hạn mặn gay gắt là đẩy thời vụ sớm.

Nhờ chủ động sớm, năm nay hết tháng 1 đã thu hoạch được khoảng trên 300.000 ha lúa ven biển ĐBSCL. Đến hết tháng 2 toàn vùng thu hoạch trên 1 triệu ha và hiện nay chỉ còn 300.000 ha/1,54 triệu ha gieo trồng.

“Có những nơi ở ven biển lịch thời vụ được đẩy sớm hơn 1 tháng. Mọi năm khi hạn mặn đến lúa mới đứng cái làm đòng, là thời điểm cây lúa nhạy cảm nhất với môi trường dễ bị ảnh hưởng năng suất. Còn năm nay chúng tôi đi Long An, Tiền Giang, những nơi mà mọi năm lúa còn chớm trỗ thì nay đã thu rồi, rất ăn chắc”, Thứ trưởng cho biết.

Theo Thứ trưởng, về lâu dài, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL mặc định phải sống chung với hạn mặn. Giải pháp là thuận thiên, chỉ ưu tiên trồng lúa những vùng thật sự ăn chắc, sát sao mùa vụ. Vùng bấp bênh phải chuyển đổi, theo tinh thần ưu tiên thủy sản và cây ăn trái đảm bảo lợi ích kinh tế và môi trường cao nhất.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.