| Hotline: 0983.970.780

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Nhận diện hạn mặn ở ĐBSCL sớm, chủ động

Thứ Sáu 21/02/2020 , 08:44 (GMT+7)

Theo Bộ NN-PTNT nhờ chủ động của các ngành chức năng, địa phương và ý thức người dân được nâng cao nên thiệt hại chưa tới 1% tổng diện tích gieo sạ.

Ngày 20/2, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã kiểm tra tình hình phòng chống hạn mặn tại các tỉnh Long An, Tiền Giang và chủ trì hội nghị đánh giá công tác phòng chống hạn mặn tại các tỉnh ĐBSCL.

Lúa đông xuân thiệt hại chưa đến 1%

Theo Cục Trồng trọt, diện tích lúa đông xuân (ĐX) bị thiệt hại cho đến thời điểm này khoảng 23 nghìn héc-ta. Trong đó, có khoảng 3.500ha bị thiệt hại 70%, ít hơn 1% tổng diện tích gieo sạ của toàn vùng ĐBSCL.

Lúa đông xuân sớm không bị thiệt hại, năng suất tăng từ 2-3 tạ. Ảnh: Minh Đảm.

Lúa đông xuân sớm không bị thiệt hại, năng suất tăng từ 2-3 tạ. Ảnh: Minh Đảm.

Diện tích lúa ĐX sớm xuống giống tháng 10 là 450 nghìn ha, cao hơn tháng 10/2016 là 250 nghìn ha. Đến nay, cơ bản lúa ĐX sớm tại các tỉnh ven biển thu hoạch gần hết.  Năng suất ước đạt 6,7 tấn/ha, cao hơn hàng năm 2-3 tạ. Chính sự chủ động ngay từ đầu, khoảng 100 nghìn ha lúa không bị thiệt hại, giúp giữ lại khoảng 33 nghìn tỷ đồng.

Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Vụ ĐX năm nay, tỉnh gieo sạ hơn 57.600ha. Đến nay tỉnh đã thu hoạch được khoảng 13.400ha lúa ĐX. Năng suất ước đạt 7 tấn/ha. Các diện tích lúa còn lại trong giai đoạn trổ, đứng cái-làm đòng.

Trước diễn biến xâm nhập rất phức tạp, độ mặn tăng cao đột biến, xâm nhập sớm, vượt qua độ mặn lịch sử năm 2016. Mặn lấn sâu vào nội đồng tỉnh theo 3 hướng cửa sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Vàm Cỏ.

“Để giảm thiểu thiệt hại, thời gian qua Tiền Giang đã tổ chức 4 điểm bơm, cống Xuân Hoà lấy gạn tối đa. 26 máy bơm trước tết đã bơm trên 20 triệu lít nước vào kênh để người dân bơm lên đồng ruộng. Đối với kênh cấp 1 thì tỉnh bơm, kênh cấp 2 thì huyện bơm, đưa vào nội đồng dân tự bỏ tiền ra bơm. Khi cống Xuân Hoà đóng, tỉnh cũng đã chỉ đạo tưới tiết kiệm. Vùng nào lúa chín chỉ đạo cắt nước chuyển cho khu vực khác”.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT thăm đồng lúa của huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT thăm đồng lúa của huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Còn tại Long An, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An thông tin: Vụ ĐX này, toàn tỉnh xuống giống khoảng 260 nghìn ha. Vừa qua tỉnh đã chỉ đạo xuống sớm 1 tháng gần 100 nghìn ha. Đến nay, đã thu hoạch khoảng 80 nghìn ha. Tại huyện Tân Trụ còn khoảng 2.600 ha người dân tự xuống giống thiếu nước. Tại huyện Thủ Thừa cũng có khoảng 1.300 ha có nguy cơ thiếu nước đang được ngành chức năng điều tiết nước nên vẫn đảm bảo. Đối với vùng cây ăn quả thì có khoảng 9 nghìn ha thanh long được tập trung tiếp nước.

Riêng Trà Vinh, theo ông Phạm Minh Truyền - Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Hiện tỉnh có khoảng 5,8 nghìn héc-ta lúa ĐX bị thiệt hại do thiếu nước. Đến nay, còn khoảng 18 nghìn ha trong 26 nghìn ha xuống giống trái lịch thời vụ đang có nguy cơ bị thiệt hại nếu tình hình nguồn nước trong thời gian tới không được cải thiện.

Hạn mặn đang diễn ra rất khốc liệt tại ĐBSCL. Ảnh: Minh Đảm.

Hạn mặn đang diễn ra rất khốc liệt tại ĐBSCL. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: “Chúng ta xuống giống sớm thì hầu hết các diện tích các tỉnh ven biển đều thoát được xâm nhập mặn gay gắt của năm 2019-2020. Đồng thời năng suất lúa đối với diện tích xuống giống sớm này cũng có tăng lên so với trung bình hàng năm khoảng từ 2-3 tạ/ha. Cá biệt, một số nơi có thể lên tới 4 tạ/ha. Chúng ta vừa xuống giống sớm, vừa thoát được tình hình xâm nhập mặn sớm. Đồng thời, chúng ta cũng đạt được năng suất cao hơn trung bình hàng năm của trà lúa này.

Yếu tố bất lợi mà chúng ta đạt được như vậy, chúng tôi nghĩ đó là thắng lợi chung của toàn ngành Nông nghiệp cũng như sự nỗ lực của các địa phương, bà con nhân dân.

Thứ hai, xu hướng giá lúa đang lên cao so với trung bình của tháng trước, vụ trước. Một số giống lúa thơm đặc sản tăng từ 800-1.000 đồng/kg, lúa thường tăng từ 300- 500 đồng. Với xu hướng giá lúa hiện nay cho thấy thu nhập của bà con có sự cải thiện”.

Cây ăn trái chưa bị thiệt hại

Tiền Giang cũng là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn nhất cả nước. Đến nay, tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại nào do mặn gây ra trên cây ăn trái.

Rút kinh nghiệm năm 2016, từ tháng 9/2019, Tiền Giang đã chuẩn bị phương án đối phó với hạn mặn. Hiện nay, ý thức đề phòng mặn của người dân đã tăng cao. Nhiều nhà vườn đã mua bạt về lót mương vườn trữ nước rất hiệu quả. Hiệu quả nhất là hệ thống kênh mương được vét, tích nước trước tết... Vận động người dân tích nước trên ao, vườn.

Hiện cây ăn trái không bị thiệt hại do hạn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện cây ăn trái không bị thiệt hại do hạn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Huỳnh Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết: “Mặn sớm, mặn nhiều, mặn sâu, mặn phức tạp. Chống mặn tại Bến Tre chủ yếu dựa nhiều vào sức dân và giải pháp phi công trình do các công trình chưa hoàn thiện. Các vườn cây ăn trái đặc sản vẫn còn chống chịu tốt. Dân tự hùn tiền, trữ nước cục bộ, chở nước về tưới. 40 triệu cây hoa kiểng không bị thiệt hại. Vùng cây giống đo độ mặn thường xuyên. Kiên quyết mặn 1% không sử dụng tưới cây. Khả năng các vường cây không cầm cự được trên 1 tháng. Chủ động khuyến cáo không xuống giống khoảng 12 nghìn ha lúa ĐX.

"Song song với chuẩn bị cho cây lúa, chúng ta đã chuẩn bị các giải pháp cho cây ăn quả rất kỹ lưỡng. Nhất là sự tuân thủ của bà con nhân dân rất tốt. Cho đến giờ này thì diện tích khoảng 89 nghìn ha trong 370 nghìn ha cây ăn quả mà chúng ta dự kiến sẽ bị ảnh hưởng thì hầu như chưa có những thiệt hại. Tuy nhiên, tình hình hạn mặn vẫn còn cao điểm thêm một tháng nữa nên chúng ta phải hết sức cảnh giác. Bà con cần tiếp tục tích trữ nước trong mương vườn, phủ rơm trên gốc cây, tưới nước tiết kiệm để hạn chế ra hoa để cây ăn trái của chúng ta có thể vượt qua hết tháng 3. Chúng tôi nghĩ rằng cây ăn trái cũng đạt được kết quả thoát được hạn mặn giống như cây lúa”, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết.

Nhận diện hạn mặn sớm, chủ động

Nhận định về tình hình phòng chống hạn mặn tại các địa phương ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: “Hạn mặn năm nay được Bộ đánh giá rất sớm. Nhận định mặn sẽ rất khốc liệt. Thực tế vừa qua, các chỉ số đều tăng hơn so với năm 2015- 2016. Đây là sự nhận diện sớm và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương bà con đã rất chủ động trong công tác ứng phó hạn mặn”.

Đối với vụ hè thu (HT), đây là vụ lúa quan trọng, Thứ trưởng giao Cục Trồng trọt và các đơn vị làm việc với Sở NN-PTNT các tỉnh cùng lên lịch thời vụ để sản xuất thắng lợi. Nhất là áp dụng các kinh nghiệm chống hạn, mặn trong vụ ĐX này.

Đối với vụ hè thu tới, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu Cục Trồng trọt và các địa phương phối hợp xây dựng lịch thời vụ đảm bảo chắc chắn, sản xuất thắng lợi. Ảnh: Minh Đảm.

Đối với vụ hè thu tới, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu Cục Trồng trọt và các địa phương phối hợp xây dựng lịch thời vụ đảm bảo chắc chắn, sản xuất thắng lợi. Ảnh: Minh Đảm.

Đối với vụ HT sắp tới ông Lê Thanh Tùng khuyến cáo: Bây giờ đối với vụ ĐX thì cơ bản chúng ta có thể vượt được nhưng chúng ta đang chuẩn bị bước vào vụ HT. Một số nơi bà con gọi là xuân hè, bà con có thể mất cảnh giác thấy còn nguồn nước thì xuống giống xuân hè. Điều tuyệt đối năm nay là chúng ta không được xuống giống lúa xuân hè. Chúng ta có thể mất vài chục ngàn ha canh tác lúa XH chuyển sang cây trồng cạn. Nếu tiếp tục xuống giống lúa XH thì tình hình sẽ diễn ra như lúa ĐX muộn. Bởi vì còn hai tháng nữa. Thứ hai nữa là chúng ta nên chờ đợi thông tin của các cơ quan chuyên môn ở địa phương về lịch bố trí thời vụ của lúa HT.

Mùa mưa năm nay được dự báo như trung bình hàng năm nên cuối tháng 4 đầu tháng 5 chúng ta mới xuống giống lúa HT. Trong thời gian này, giải pháp tốt nhất là chúng ta nên cày ải phơi đất vụ ĐX và ngưng xuống giống lúa XH chờ các thông tin về nguồn nước và mưa để xuống giống vụ HT trong toàn vùng ĐBSCL, nhất là vùng ven biển.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.