Thưa GS, quá trình kiến tạo ĐBSCL là vùng đất mới phì nhiêu, màu mỡ và trải qua thời gian dài định hình hệ thống canh tác, ông nhận định như thế nào về thực trạng đất đai vùng này?
Mặc dù trải qua hơn một thế kỷ khai phá đất đai cho trồng trọt, đặc tính đất của mỗi tiểu vùng về cơ bản hầu như ít bị thay đổi.
Sự ổn định này được lý giải qua các nghiên cứu về địa chất cho thấy từ hơn 5.000 năm trước, ĐBSCL được tạo thành từ sự bồi tụ phù sa của sông Mekong với sự hình thành dần các tiểu vùng. Có 6 tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, sự phân bố của mỗi tiểu vùng gắn liền với từng loại đất, tính chất của 2 nhóm đất với diện tích lớn được đánh giá ít có sự thay đổi do tác động của con người.
Đối với đất phù sa ngọt, cùng với quy luật bồi tụ, thành phần cấp hạt của các nhóm đất này vẫn ổn định theo thời gian. Các hạt phù sa có kích thước to sẽ lắng ở ven sông và cấp hạt nhỏ hơn sẽ được dòng nước mang đến những vùng đất trũng thấp, xa sông.
Khảo sát đất cho thấy từ tầng mặt đến độ sâu 100cm, nhóm đất phù sa ven sông có hàm lượng sét 35 - 45% và nhóm đất phù sa xa sông lớn có hàm lượng sét trên 55%.
Với tốc độ bồi lắng phù sa hàng năm là 2,5 kg/m2 (0,25 cm/năm), mỗi nhóm đất này với cấp hạt đặc trưng ở độ dày 100cm đã được bồi lắng ổn định ước khoảng 400 năm. Hơn nữa, kích thước của các vật liệu khoáng (cát, thịt, sét) được xem là đặc tính cơ bản của đất vì kích thước của nó sẽ không thay đổi theo thời gian.
Đối với đất phèn, trải qua hơn một thế kỷ khai phá, các vùng đất phèn ở ĐBSCL được đánh giá ít có sự thay đổi. Do đất phèn được tạo thành do sự hiện diện của các tầng phèn nằm bên dưới lớp đất mặt, các hoạt động canh tác trên đất mặt sẽ khó làm thay đổi tính chất của đất phèn.
Trong quá trình canh tác thâm canh, tăng vụ có ý kiến cho rằng đất bạc màu, năng suất kịch trần và cây trồng phải phụ thuộc nhiều vào phân bón?
Liên quan nhiều nhất đến thâm canh, tăng vụ trên đất lúa là sự giảm “hiệu quả sử dụng” của đạm. Vấn đề này đã được thế giới đánh giá là yếu tố quan trọng gây suy thoái đất.
Đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy việc thâm canh tăng vụ (trên 3 vụ lúa/năm) có khuynh hướng làm giảm tính sản xuất của đất.
Mặc dù lượng chất hữu cơ trong đất được ghi nhận có gia tăng vì khi trồng nhiều vụ lúa trong năm, lượng hữu cơ của rễ lúa được tạo thêm trong đất qua các vụ trồng.
Tuy nhiên do tình trạng đất bị ẩm liên tục, điều này đã làm giảm sự phân hủy chất hữu cơ trong đất. Hơn nữa, trong điều kiện khử do sự ngập nước trong thời gian dài, các hợp chất hữu cơ khó khoáng hóa mang nhiều gốc phenol đã được hình thành trong đất và nó đã gây trở ngại khả năng cung cấp N cho cây lúa.
Kết quả nghiên cứu từ chương trình hợp tác giữa Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau và Đại học Cần Thơ (giai đoạn 2016 - 2018), cho thấy với lượng bón 90kg N/ha, năng suất lúa trung bình là 6,0 - 6,5 tấn/ha, trong đó 4 - 4,5 tấn/ha (chiếm 65-70%) được tạo nên từ N của đất. Tuy nhiên, một vài địa điểm phải bón 120 kg N/ha để có thể đạt 6,5 tấn/ha.
Vì vậy để duy trì mức năng suất như trước đây, nông dân phải tăng lượng N bón cho cây lúa. Tuy nhiên, dù lượng bón N tăng lên trên 120 kg N/ha thì năng suất cũng sẽ không gia tăng vì nguồn N từ phân bón không thể thay thế nguồn N của đất. Tương tự đối với các biểu loại đất khác, dù lượng phân N tăng trên 90kg N/ha cũng không thể làm tăng năng suất lúa.
Thâm canh cây lúa nhưng một số địa phương bỏ tập quán cày ải, phơi đất, thậm chí bón thừa phân, cung cấp dinh dưỡng không hợp lý, lãng phí, ông có khuyến cáo gì?
Cày ải, phơi đất là tập quán lâu đời, được chứng minh là một biện pháp hiệu quả cho nâng cao độ phì nhiêu của đất vì nó giúp cho các dưỡng chất trong đất từ dạng khó hữu dụng chuyển hóa thành dạng dễ hữu dụng cho cây trồng. Việc cày ải, phơi đất cần được duy trì trong qui trình canh tác lúa.
Trong bón phân đạm (N), lân (P) và kali (K) cho cây lúa, việc bón thiếu hoặc thừa N sẽ dễ được nhận biết, khi thiếu N cây lúa sẽ biểu hiện triệu chứng vàng lá, ít đẻ nhánh hoặc khi bón quá thừa N sẽ biểu hiện cây lúa bị lốp đổ, bị sâu bệnh tấn công. Tuy nhiên, việc bón thiếu hoặc thừa phân P và K đối với cây lúa lại không có biểu hiện rõ ràng.
Với thử nghiệm bón P và K qua nhiều năm trên nhiều địa điểm trồng lúa ở ĐBSCL, kết quả cho thấy hiếm khi có sự gia tăng năng suất khi được bón P, K, mặc dù có một vài nơi được ghi nhận năng suất có thể tăng thêm 0,3-0,5 tấn/ha trong khi năng suất bình quân của vùng là 6,5 tấn/ha.
Điều này có nghĩa hiện tại trong đất lúa đang có một lượng lưu tồn P do bón thừa ở các mùa vụ trước. Đối với K thì lượng K đủ đáp ứng nhu cầu cho cây lúa nhờ vào sự phóng thích K từ khoáng sét.
Do đó, tập quán bón P và K cho lúa vào mỗi vụ trồng ở ĐBSCL được đánh giá có hiệu quả thấp, mặc dù lượng P lưu tồn trong đất từ việc bón thừa sẽ được cây lúa sử dụng sau này.
Quá trình chuyển đổi SX có nông dân một số địa phương lập vườn cây ăn quả trên đất phèn nặng, đất thấp ở vùng trũng nên hiệu quả thấp. Nếu phân vùng cây trồng thích nghi trong điều kiện mới cần kiểm soát và điều chỉnh như thế nào?
Việc lập vườn cây ăn quả trên đất phèn nặng hoặc trên đất thấp ở vùng trũng được xem là không bền vững vì các lý do sau: Đối với đất phèn nặng ở ĐBSCL là đất có tầng phèn xuất hiện gần tầng đất mặt (0,3m), độ dày tầng phèn có thể đạt 1,5m đến 4,0m tùy vùng.
Do tầng phèn xuất hiện gần tầng canh tác và với độ dày, việc lên liếp trên đất phèn nặng khó tránh khỏi sự xáo trộn, điều này sẽ tạo ra nhiều độc chất trong tầng canh tác. Đối với đất phèn nặng sau khi lên liếp, cần thời gian đủ lâu thì mới giảm được tác hại của độc chất đến cây trồng.
Đối với đất thấp ở vùng trũng, nếu đất nằm trong vùng đê bao, vẫn cần nâng cao mặt liếp để tránh sự ngập nước gây hại đến tầng rễ. Tuy nhiên, việc lập liếp với đất có hàm lượng sét cao (trên 55%) thì đất liếp thường sẽ bị nén dẽ, kém thoát nước, điều này không thuận lợi đối với sinh trưởng của cây trồng.
Xin cảm ơn ông!
Làm thế nào sử dụng hợp lý, gia tăng hiệu quả sản xuất trên vùng đất phù sa ngọt, đất phèn, đất nhiễm mặn có diện tích khá lớn trong vùng để thích ứng với BĐKH?
Đối với đất phù sa ngọt 1,2 triệu ha (30% diện tích vùng), phân bố ở vùng ven sông Tiền, sông Hậu và vùng trũng xa sông lớn. Theo nhận định từ xưa của các nhà khoa học, đất phù sa ven sông là nơi trồng cây ăn trái phù hợp nhất vì đất có hàm lượng sét 35-45%, tỷ lệ này là yếu tố quan trọng làm nên tính phù hợp cho nhiều loại cây trồng cạn.
Đối với đất phèn có diện tích lớn hơn 1,6 triệu ha (41% diện tích vùng), phân bố ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, vùng trũng sông Hậu và bán đảo Cà Mau. Ngoại trừ đất phèn nặng, việc trồng lúa nước trên đất phèn nhẹ và trung bình sẽ ít bị ảnh hưởng của phèn vì tiến trình khử trong đất ngập nước sẽ hóa giải độ chua và độc chất trong đất.
Với đất nhiễm mặn 750.000ha (19% diện tích vùng), phân bố dọc theo ven biển Đông và vịnh Thái Lan. Vùng đất mặn ven biển có điều kiện khí hậu với 2 mùa mưa nắng rõ rệt, mùa nắng nông dân nuôi tôm, mùa mưa trồng lúa nên đã hình thành hệ thống canh tác lúa - tôm.