| Hotline: 0983.970.780

Đất lúa ĐBSCL đang chịu nhiều áp lực do thâm canh tăng vụ

Thứ Năm 03/10/2024 , 10:43 (GMT+7)

CẦN THƠ Sản xuất lúa tại ĐBSCL đang chịu áp lực thâm canh tăng vụ dẫn đến chất lượng đất giảm.

Tại hội thảo quốc gia 'Đất và Phân bón', các chuyên gia đã đưa ra thực trạng độ phì của đất và bàn giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong canh tác lúa. Ảnh: Kim Anh.

Tại hội thảo quốc gia "Đất và Phân bón", các chuyên gia đã đưa ra thực trạng độ phì của đất và bàn giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong canh tác lúa. Ảnh: Kim Anh.

Ngày 2/10, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức hội thảo quốc gia “Đất và Phân bón” lần I năm 2024 với chủ đề “Thực trạng độ phì thực tế đất lúa vùng ĐBSCL và giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong canh tác lúa”.

Với diện tích đất trồng lúa trên 1,5 triệu ha, diện tích gieo trồng hàng năm trên 3 triệu ha, hàng năm vùng ĐBSCL đóng góp 50% tổng sản lượng gạo và 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng rất lớn trong thời gian tới do hiện trạng mất cân đối dinh dưỡng. Việc khai thác đất chưa đúng cách; cường độ thâm canh, tăng vụ; sử dụng phân bón vô cơ chưa cân đối đã làm ảnh hưởng đến tính chất lý, hóa và sinh học đất…

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học kỹ thuật (Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền) phân tích, trong Chương trình Canh tác lúa thông minh, các chuyên gia đã thu thập 76 mẫu đất tại 38 điểm ở toàn vùng ĐBSCL để đánh giá chất lượng.

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học kỹ thuật (Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền) đánh giá, độ phì của đất ở vùng ĐBSCL chưa đến ngưỡng báo động, nhưng tính dễ tiêu đang giảm xuống. Ảnh: Kim Anh.

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học kỹ thuật (Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền) đánh giá, độ phì của đất ở vùng ĐBSCL chưa đến ngưỡng báo động, nhưng tính dễ tiêu đang giảm xuống. Ảnh: Kim Anh.

Kết quả phân tích 8 chỉ tiêu độ phì của đất theo tiêu chuẩn quốc gia cho thấy, 2 chỉ tiêu Ca và Mg đủ cho nhu cầu cây lúa, nhưng chỉ số Ca/Mg lại mất cân đối.

Cụ thể, tại vùng ven biển, chỉ số Ca/Mg dưới 1; vùng trung châu thổ từ 1 – 3 và vùng thượng lưu trên 3. Trong khi tiêu chuẩn đưa ra phải từ 3 – 4 mới đáp ứng được quá trình hấp thu của cây lúa.

Xét về chỉ tiêu độ mặn, ở cả 3 vùng (ven biển, trung châu thổ, thượng lưu) đều dưới ngưỡng gây hại cho cây lúa. Chỉ tiêu độ chua (pH) từ 5 – 5,5 ở cả 3 vùng.

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ nhấn mạnh, kết quả phân tích pH sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất, do đó bà con cần phải tính toán. Hàm lượng chất hữu cơ trong đất hiện không giảm nhưng chất lượng hữu cơ lại bị suy thoái. Đây là biểu hiện cho thấy tác động của việc tăng vụ liên tục, lúa bị ngộ độc hữu cơ.

Tỷ lệ hàm lượng carbon (C) và nitơ (N) trong đất (gọi tắt là chỉ số C/N) là chỉ số quan trọng ảnh hưởng đến tốc độ phân hủy chất hữu cơ và sự phát triển của vi sinh vật trong đất.

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ cho biết thêm, ở vùng ven biển, chỉ số C/N khoảng 7,8; trong khi ở vùng trung châu thổ và vùng thượng lưu chỉ số C/N từ 13,4 – 14. Trong khi đó theo quy định chỉ số C/N phải dưới 12.

Tại vùng ven biển, do có một mùa nắng không có nước tưới, bà con nông dân cho đất nghỉ ngơi, phơi ải tốt. Do đó trong quá trình canh tác sẽ nhẹ phân, lợi nhuận cao hơn nhiều so với các vùng khác.

Bên cạnh đó, vùng ven biển có các chỉ số photpho (P) và kali (K) trong đất rất dồi dào. Nhưng ở vùng trung châu thổ và thượng lưu lại ở mức trung bình và nghèo.

Sản xuất lúa tại ĐBSCL đang chịu áp lực thâm canh tăng vụ dẫn đến chất lượng đất giảm. Để duy trì năng suất, nông dân buộc phải tăng lượng phân bón trên đồng ruộng, dẫn đến lãng phí và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Kim Anh.

Sản xuất lúa tại ĐBSCL đang chịu áp lực thâm canh tăng vụ dẫn đến chất lượng đất giảm. Để duy trì năng suất, nông dân buộc phải tăng lượng phân bón trên đồng ruộng, dẫn đến lãng phí và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Kim Anh.

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ đánh giá, độ phì của đất ở vùng ĐBSCL chưa đến ngưỡng báo động, nhưng tính dễ tiêu đang dần giảm xuống. Do đó, các chuyên gia, địa phương và bà con nông dân cần có các giải pháp để chuyển hóa, tạo ra các chỉ số hữu dụng, nhất là vào đầu mùa vụ.

Trong đó, tập trung vào một số kỹ thuật canh tác và phân bón cải tạo đất, không đốt rơm rạ mà vùi lại trong đất thông qua cách xử lý bằng chế phẩm vi sinh. Bà con làm đất sâu (từ 10 – 15cm) để tầng canh tác dày hơn. Bên cạnh đó, cần có thời gian phơi ải đất khoảng 3 tuần giúp đất được cải tạo tốt hơn. Hay ngâm đất khoảng 2 tuần và sử dụng phân bón hợp lý.

Xem thêm
Hỗ trợ bò giống giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững

HÀ TĨNH Nhiều địa phương tại Hà Tĩnh đang lựa chọn hỗ trợ bò giống để thay thế gà giống nhằm nâng cao tính bền vững của mô hình sinh kế trong chương trình giảm nghèo.

Bình Thuận có 10 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống an toàn dịch bệnh

Tính đến cuối tháng 8/2024, tỉnh Bình Thuận có 10 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống được Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Một số giống sầu riêng có giá trị xuất khẩu cao

Các giống sầu riêng dưới đây đang được thị trường ưa chuộng, có giá trị xuất khẩu cao, nhưng để phát triển sản xuất chỉ trồng bằng cây đầu dòng nhân giống vô tính