| Hotline: 0983.970.780

Bộ NN-PTNT chỉ thị tăng cường quản lý sức khỏe đất trồng trọt

Thứ Tư 11/09/2024 , 07:00 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT vừa có chỉ thị về tăng cường công tác quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững.

Theo Bộ NN-PTNT, đất trồng trọt là tư liệu sản xuất đặc biệt, đóng vai trò vô cùng quan trọng tới sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Thời gian qua, quản lý sức khỏe đất trồng trọt đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như xây dựng được hành lang pháp lý về sức khỏe đất; ban hành các tiến bộ kỹ thuật; kết quả nghiên cứu, đánh giá về sức khỏe đất trong nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi; cải tạo, sử dụng hiệu quả đất trồng trọt thoái hóa, ô nhiễm…

Đất trồng trọt là tư liệu sản xuất đặc biệt, đóng vai trò vô cùng quan trọng tới sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Ảnh: Trung Quân.

Đất trồng trọt là tư liệu sản xuất đặc biệt, đóng vai trò vô cùng quan trọng tới sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Ảnh: Trung Quân.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như: Các nội dung nghiên cứu, điều tra, đánh giá về thoái hóa đất, chất lượng đất, ô nhiễm môi trường đất chưa đáp ứng được công tác bảo vệ chất lượng đất nói riêng hay sức khỏe đất sản xuất trồng trọt cũng như phục vụ công tác chỉ đạo trong sản xuất trồng trọt; nhận thức về sức khỏe đất gắn với sản xuất trồng trọt bền vững còn hạn chế; nguồn nhân lực khoa học công nghệ, quản lý nhà nước về lĩnh vực sức khỏe đất chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Thí điểm quản lý sức khỏe đất trên cây trồng chủ lực

Để quản lý sức khỏe đất trồng trọt được triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất, đáp ứng mục tiêu phát triển sản xuất trồng trọt bền vững, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị:

- Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng tiêu chí xác định, biện pháp quản lý và quy trình sản xuất trên vùng đất dốc, đất trũng, đất phèn, đất mặn, đất cát ven biển và đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa.

Xây dựng hệ thống hướng dẫn về cấu trúc, dữ liệu sức khỏe đất trồng trọt để đảm bảo thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc; từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về sức khỏe đất trồng trọt, hướng dẫn các địa phương chủ động tiến hành xây dựng hệ cơ sở dữ liệu về sức khỏe đất trồng trọt.

Chủ trì, phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, các đơn vị có liên quan rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hoặc xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến sức khỏe đất, đặc biệt là chất lượng đất trồng trọt.

Xây dựng, hoàn thiện chương trình, tài liệu và tổ chức tập huấn cho từng nhóm đối tượng nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân về quản lý sức khỏe đất, trong đó chú ý đến ảnh hưởng của suy thoái đất, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn… Xây dựng, triển khai kế hoạch truyền thông, nâng cao nhận thức về sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng, hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững.

Thực hiện thí điểm mô hình quản lý sức khỏe đất gắn với phát triển trồng trọt bền vững đối với cây trồng chủ lực tại một số vùng sản xuất tập trung theo hướng xã hội hóa.

Bộ NN-PTNT chỉ đạo rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hoặc xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến sức khỏe đất. Ảnh: Minh họa.

Bộ NN-PTNT chỉ đạo rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hoặc xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến sức khỏe đất. Ảnh: Minh họa.

- Cục Bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các quy trình sử dụng thuốc BVTV, phân bón tiết kiệm, cân đối theo hướng ưu tiên phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học và tối ưu hóa các loại thuốc BVTV, phân bón cho từng cây trồng gắn với từng loại đất cụ thể.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích việc phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học cải tạo đất. Phối hợp với Cục Trồng trọt, các đơn vị liên quan hoàn thiện quy trình canh tác bền vững, lồng ghép vấn đề đảm bảo sức khỏe đất vào các chương trình tập huấn, truyền thông sử dụng phân bón, thuốc BVTV.

- Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Cục Trồng trọt và các đơn vị liên quan xây dựng chương trình nghiên cứu về sức khoẻ đất đảm bảo tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực quản lý sức khoẻ đất gắn với phát triển trồng trọt bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.

Chủ trì và phối hợp với các cục chuyên ngành trong việc huy động các nguồn lực khoa học công nghệ trên toàn quốc thông qua việc hỗ trợ, khuyến khích các đề tài, dự án có sự tham gia phối hợp thực hiện của các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, đơn vị của địa phương. Bố trí kinh phí khoa học công nghệ để thực hiện các nhiệm vụ, đề tài, dự án nâng cao sức khỏe đất sản xuất trồng trọt.

- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ và các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận về sức khỏe đất gắn sản xuất trồng trọt bền vững; tập huấn cho nông dân và cán bộ kỹ thuật địa phương các quy trình canh tác, quy trình duy trì, bảo vệ và cải tạo đất…; xây dựng các mô hình bảo vệ sức khỏe đất gắn với sản xuất trồng trọt.

- Vụ Hợp tác Quốc tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan huy động tối đa nguồn lực quốc tế để thực hiện các nhiệm vụ nâng cao sức khỏe đất trồng trọt.

Bộ NN-PTNT chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học cải tạo đất. Ảnh: Trung Quân.

Bộ NN-PTNT chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học cải tạo đất. Ảnh: Trung Quân.

Các cơ quan nghiên cứu đề xuất, thực hiện đề tài, chương trình điều tra, đánh giá, nghiên cứu về sức khỏe đất, quy trình canh tác bền vững gắn với bảo vệ đất; cải tạo đất sản xuất nông nghiệp, đánh giá định kỳ chất lượng, độ phì nhiêu đất để làm cơ sở đưa ra giải pháp quản lý sức khoẻ đất và dinh dưỡng cây trồng phù hợp với từng vùng sinh thái và từng loại cây trồng. Các đơn vị khác phối hợp với Cục Trồng trọt tuyên truyền và triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý sức khỏe đất trồng trọt.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe đất

Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của trung ương; chủ động xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án của địa phương về quản lý, nâng cao sức khỏe đất gắn với phát triển sản xuất trồng trọt bền vững phù hợp với điều kiện thực tế; lồng ghép các nội dung về tăng cường sức khỏe đất trồng trọt với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về sức khỏe đất nói riêng và cơ sở dữ liệu cho lĩnh vực trồng trọt nói chung trong phạm vi được phân công.

Chủ động triển khai các hoạt động quản lý nhà nước, điều tra, đánh giá, cải tạo đất trồng trọt làm cơ sở đưa ra các giải pháp quản lý sức khoẻ đất và dinh dưỡng cây trồng phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và từng loại cây trồng của địa phương. Hướng dẫn, bố trí, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ này.

Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của sức khỏe đất với sản xuất trồng trọt. Ảnh: Minh họa.

Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của sức khỏe đất với sản xuất trồng trọt. Ảnh: Minh họa.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của sức khỏe đất với sản xuất trồng trọt; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về sức khỏe đất, đặc biệt đối với đối tượng là cán bộ quản lý, chuyên môn tại địa phương. Phổ biến, hướng dẫn người dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, nâng cao sức khỏe đất gắn với quản lý dinh dưỡng cây trồng.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất sản xuất trồng trọt; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi gây ô nhiễm môi trường đất, thoái hóa đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích, làm ảnh hưởng đến chất lượng và sức khỏe đất trồng trọt trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Bộ NN-PTNT đề nghị các hiệp hội tăng cường tuyên truyền cho hội viên phối hợp tuyên truyền cho người dân và các tổ chức, cá nhân liên quan về quy định pháp luật, vai trò của sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững. Phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất nhiệm vụ khoa học, dự án; thực hiện thí điểm mô hình quản lý sức khỏe đất gắn với phát triển trồng trọt bền vững đối với cây trồng chủ lực tại một số vùng sản xuất tập trung theo hướng xã hội hóa.

Xem thêm
Người chăn nuôi trắng tay, cạn kiệt vốn liếng sau bão

HẢI PHÒNG Không chỉ thiệt hại nặng nề, sau bão, nhiều trang trại chăn nuôi đang cạn kiệt vốn liếng, đối mặt nguy cơ dịch bệnh, rất khó khăn trong khôi phục sản xuất.

Nỗi niềm cán bộ thú y: [Bài cuối] Nghề 'tâm sự, trò chuyện' cùng vật nuôi

Công việc nhiều, lòng nhiệt tình có thừa, nhưng thu nhập lại... khiêm tốn. Đó là câu chuyện của những nhân viên thú y ở huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

20 giống cà phê của WASI được chuyển giao ra sản xuất

ĐẮK LẮK Hiện WASI đã có 20 giống cà phê được giới thiệu và đưa vào sản xuất, bao gồm 14 giống cà phê vối và 6 giống cà phê chè.