Năm 2011, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc tăng 1 triệu tấn lúa, Bộ NN-PTNT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chuyển đổi thời vụ, áp dụng cơ cấu giống phù hợp, phòng chống dịch hại… Đặc biệt, trung ương đã hỗ trợ kinh phí gần 200 tỷ đồng để các địa phương vùng ĐBSCL gia cố đê bao, bờ bao, bơm tát nước… mở rộng diện tích lúa vụ thu đông (lúa vụ 3). Riêng đối với vùng thượng nguồn đón lũ từ sông Mê Kông vốn sản xuất lúa 2 vụ/năm, từ khi hệ thống đê bao được xây dựng khép kín đã giúp nông dân có điều kiện sản xuất lúa vụ 3 đạt hiệu quả.
Loạt bài này, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam ghi nhận thực tế về hành trình sản xuất lúa vụ 3 ở tỉnh Đồng Tháp sau hơn 1 thập kỷ được đầu tư hệ thống đê bao khép kín phục vụ sản xuất lúa.
Chuyển đổi sản xuất không thành
Tuyến đường Kháng Chiến bao trọn ấp Long An B, xã Phú Thọ (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đã được xây dựng thành đê bao kiên cố, cao hơn mặt ruộng tầm 4 - 5m.
Giữa 10h trưa, từ trên đê bao nhìn xuống, chúng tôi gặp anh Lê Hoàng Em đang tất bật phun xịt thuốc cho rẫy bắp nằm trơ trọi giữa cánh đồng mênh mông toàn trồng lúa.
Hỏi thăm mới biết, nơi đây vốn là vùng chuyên trồng lúa 2 vụ/năm. Từ năm 2014, hệ thống đê bao được xây dựng khép kín, anh cũng như nhiều bà con trong vùng thực hiện chuyển đổi trồng 3 vụ lúa/năm.
Thời điểm đó, việc sản xuất 3 vụ lúa được anh Hoàng Em đánh giá là cho thu nhập ổn hơn trước rất nhiều. Bởi dịch hại có phát sinh nhưng không nhiều, bà con sản xuất có lợi nhuận.
Tuy nhiên, càng về sau, sâu rầy, chuột cắn phá nặng hơn, chi phí đầu tư sản xuất từ đó càng tăng cao. Vì thế, từ vụ đông xuân 2023 - 2024, anh quyết định chuyển toàn bộ 10 công đất lúa, lên liếp trồng ớt, tuy nhiên cũng không mang lại hiệu quả. Vụ thu đông 2024, anh tiếp tục chuyển đổi sang trồng bắp.
Chỉ tay về phía cánh đồng đối diện ngăn cách bởi đê bao, nước lũ đã tràn khắp đồng, anh Hoàng Em bộc bạch, chỉ cần cánh đồng ngoài đê bao xả lũ, chuột sẽ di trú vào cánh đồng trong đê bao, đất gò cao để cắn phá. Vì thế việc trồng ớt của anh trong vụ vừa qua cũng phá huề, lỗ công. Theo tính toán của nông dân này, thông thường chi phí đầu tư phân bón, thuốc BVTV (nếu không có dịch hại nhiều) khoảng 1 - 1,2 triệu đồng/công, nay tăng lên gần 2 triệu đồng/công.
“Cánh đồng 3 vụ thu hoạch thì cánh đồng 2 vụ chuẩn bị xuống giống, sâu rầy cứ đảo tới đảo lui hoài. Rẫy bắp mới xuống giống được khoảng 1 tháng nhưng sâu dữ lắm, đã xử lý phun 4 cữ thuốc phòng trừ sâu”, anh Hoàng Em cho biết.
Trong khi đó, anh Nguyễn Thiện Thuật ở ấp Long An A, xã Phú Thành A (huyện Tam Nông) có 14 công đất đang canh tác 3 vụ lúa/năm nằm trong vùng đê bao khép kín.
Thời gian trước anh Thuật đã chuyển đổi khoảng 10 công đất ruộng để trồng xoài. Nông dân này khẳng định “làm 3 vụ chưa chắc có lợi nhuận bằng 2 vụ”. Thậm chí nhiều nông dân thâm canh quá mức, 2 năm 7 vụ. Dù nhận thức rất rõ làm không có lãi, nhưng theo anh Thuật bắt buộc phải làm 3 vụ lúa vì không còn hướng đi nào khác.
Anh Thuật đưa ra bài toán kinh tế, canh tác liên tục 3 vụ lúa, chi phí đội lên khoảng 2,7 - 2,9 triệu đồng/công. Do đất không có thời gian nghỉ ngơi, thu gom rơm rạ không kịp thời dẫn đến lợi nhuận chỉ đạt khoảng 4 triệu đồng/công/năm.
Trong khi đó, khu vực ngoài đê bao, làm 2 vụ lúa, chi phí đầu tư mùa vụ khoảng 2 - 2,3 triệu đồng/công, lợi nhuận cũng khoảng 3 triệu đồng/công/năm (chỉ tính riêng thu nhập từ cây lúa).
Nếu trồng xoài, thời điểm trúng mùa, 10 công mang lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm, gấp nhiều lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, nếu gặp bất lợi cũng có thể “trắng tay”.
Cánh đồng nhiều năm không được xả lũ
Di chuyển đến xã An Bình A, TP Hồng Ngự, khu vực này cũng đã được xây dựng đê bao khép kín trên 10 năm, tạo thành đường giao thông đi lại, phục vụ sản xuất khá kiên cố cho người dân địa phương.
Đang tất bật trộn phân bón, thấy chúng tôi từ xa đến, anh Nguyễn Văn Nghé (xã An Bình An) nghỉ tay, trò chuyện.
Theo anh Nghé, trước thời điểm lên đê bao, việc trồng lúa rất nhàn, hầu như không cần xịt sâu mò, chi phí đầu tư phân bón so với hiện nay chỉ khoảng 50%. Nhưng hiện nay, anh tính toán sơ bộ, những ruộng xung quanh chi phí sản xuất khoảng đã ở mức 2 – 3 triệu đồng/công tầm lớn (1.300m2), tăng khoảng 500.000 – 600.000 đồng/công so với trước.
Bên cạnh đó, do nhiều năm không được xả lũ vào đồng, canh tác 3 vụ nhiều năm liền nên đất đai bạc màu, vì vậy việc sản xuất lúa của bà con không ổn định, 1 vụ lãi, 1 vụ lỗ. Nhất là vụ hè thu 2024, mưa nhiều, lại bị rầy phấn trắng gây hại, gia đình anh Nghé xuống giống gần 80 công tầm lớn nhưng năng suất thu được chỉ trên 500kg/công.
“Ở cánh đồng này xả lũ vào không được do đất đai không bằng phẳng, nửa đồng ở trên gò xả lũ vào chỉ vừa láng bờ. Còn phía dưới này nước ngập vườn cây ăn trái nên không ai chịu”, anh Nghé bày tỏ.
Tại huyện Tân Hồng cũng tương tự, khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, tình trạng lúa trời (hay còn gọi là lúa cỏ, lúa cơi) xuất hiện ngày càng nhiều, ảnh hưởng đến năng suất của bà con.
Nông dân Đoàn Văn Năm ở khóm 3, thị trấn Sa Rài (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) mấy chục năm gắn bó với nghề trồng lúa nhưng chưa bao giờ ông gặp cảnh lúa trời phát sinh nhiều như hiện nay.
“Trung bình nếu ruộng không bị lúa trời, thu hoạch vụ đông xuân có thể đạt 750 - 800kg/công, hè thu khoảng 650 - 700kg/công. Nhưng đã bị lúa trời, 1 công thu hoạch chỉ được 200 - 250kg. Lúa trời trổ lên có đuôi, hạt tròn, dài như hạt lúa thông thường nhưng đến khi thu hoạch thì rụng hết chỉ còn cọng rơm”, ông Năm cho biết thêm.
Để khắc phục những khó khăn trong sản xuất, giúp nông dân sản xuất 3 vụ có lợi nhuận, ông Năm mong muốn các nhà khoa học, đơn vị cần nghiên cứu giải pháp khống chế. Bởi nếu tình trạng lúa trời kéo dài, lan rộng thì nông dân rất mệt mỏi.
Bên cạnh đó, nhiều nông dân ở đây cũng cho rằng, 3 - 4 năm, địa phương cần tiến hành xả lũ vào đồng ruộng để rửa trôi bớt độc tố tồn trữ trên đất, bổ sung phù sa giúp cây lúa khỏe, cho năng suất cao hơn. Nhưng thực tế, trên toàn cánh đồng, nhiều nông dân đã chuyển đổi sang trồng rẫy; hoa màu; nuôi cá, tôm… Do đó, nhiều bà con không đồng tình việc xả lũ vì lo ngại hư hại.
Nhìn nhận được tầm quan trọng của việc xả lũ vào cánh đồng sản xuất 3 vụ lúa/năm, ông Năm cho rằng, nếu chính quyền địa phương cương quyết và có kế hoạch thông báo trước, đến thời điểm đưa nước lũ vào đồng ruộng thì buộc nông dân không được xuống giống.