Từ "bỏ hủ bùng binh" chuyển dịch sang nuôi bò kinh tế
Ở đất võ Bình Định, hầu như nhà nông nào cũng nuôi vài con bò để đến khi xuất chuồng, bà con có được số tiền lớn lo việc dựng vợ, gả chồng cho con hay nuôi con học đại học.
Chuyện nuôi bò khi ấy được nông dân chủ yếu xem như “bỏ hủ bùng binh” (nuôi heo đất) mà chưa nghĩ nuôi bò để làm kinh tế. Do đó, đàn bò ở Bình Định trước đây hầu hết là giống bò địa phương, bà con gọi là bò cỏ, bò cóc, tầm vóc nhỏ thó, trọng lượng thấp, giá trị kinh tế kém.
Năm 2015, với mục tiêu thay đổi tầm vóc đàn bò trên địa bàn, Bình Định triển khai Đề án thâm canh bò thịt chất lượng cao giai đoạn 2015-2020. Đi theo đó là những chính sách hỗ trợ để phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao.
Hướng đi này của Bình Định đến nay mang lại kết quả mỹ mãn, chuyện nuôi bò ở Bình Định không còn theo kiểu “bỏ hủ bùng binh” mà đã trở thành chuyện làm kinh tế, nhiều nông dân đổi đời nhờ nuôi bò.
Theo ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định, trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh này triển khai 62 mô hình chăn nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao ở các huyện, thị xã trong tỉnh, tập trung vào giống BBB (Blanc-Blue-Belgium) và Red Angus.
Để phục vụ cho công tác lai tạo, Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định đào tạo 117 kỹ thuật viên, ngoài làm nhiệm vụ dẫn tinh viên, lực lượng này còn thực hiện công tác hướng dẫn nông dân cách chăm sóc bò, trồng cỏ kết hợp với phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò.
Đề án thâm canh bò thịt chất lượng cao ở Bình Định được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước gần 42 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 18 tỷ đồng, ngân sách của tỉnh, huyện là 24 tỷ đồng, đó là chưa kể nguồn vốn của người chăn nuôi tự đầu tư là 6.361 tỷ đồng, tổng kinh phí đầu tư thực hiện đề án là 6.403 tỷ đồng.
Sau 5 năm thực hiện, đề án đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Nếu như 2014 tỷ lệ bò lai ở Bình Định chỉ đạt 76% so tổng đàn đến năm 2019 đã tăng lên 85%, bước sang năm 2020 tăng đến 90%. Tính đến đầu năm 2020, tổng đàn bò thịt ở Bình Định nuôi trong nông hộ là 320.000 con, trong đó đàn bò thịt chất lượng cao là 47.000 con.
Tổng số bò phối giống trong giai đoạn này là 444.627 con, trong đó, phối giống bò thịt nhóm Zebu và Drought Master là 236.330 con. Nhóm bò thịt chất lượng cao gồm các giống bò BBB, Red Angus và bò Wagyu (Kobe) được phối giống là 208.297 con.
Tổng số bê lai sinh ra là 352.245 con, trong đó, bê lai hướng thịt nhóm Zebu và Drought Master là 214.327 con và bê lai hướng thịt chất lượng cao là 137.918 con. Số bê lai chất lượng cao sinh ra bình quân hàng năm đạt 23.000 con.
Đặc biệt, các giống bò BBB, Red Angus, Wagyu trước năm 2015 ở Bình Định chưa có, thế nhưng từ năm 2016 trở lại đây nhóm bò này đã tăng trưởng mạnh từng năm. Năm 2016 nhóm bò BBB, Red Angus, Wagyu đã chiếm đến 16,6%, đến năm 2020 đã đạt trên 60% tổng đàn bê lai sinh ra. Điều này chứng tỏ nhóm bò chất lượng cao ngày càng được người chăn nuôi Bình Định ưa thích vì hiệu quả kinh tế chúng mang lại rất cao.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định Trần Văn Hạnh, để kích thích người chăn nuôi, mỗi hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 1 phần chi phí mua bò giống và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ làm thức ăn…
Đề án được thực hiện nhằm tăng cường phối giống các giống bò chất lượng cao để từng bước cải thiện chất lượng đàn bò, thay đổi thói quen chăn nuôi của người dân.
“Bê lai chất lượng cao giống BBB và Red Angus khoảng 5-6 tháng tuổi được nuôi trong thời gian 18 tháng sẽ đạt bình quân 450kg/con. Kỹ thuật chăn nuôi dễ áp dụng, không xảy ra dịch bệnh nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Lợi nhuận bình quân 80 triệu đồng/mô hình”, ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định chia sẻ.
Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu bình quân 26%
Từ khi đàn bò thịt ở Bình Định được nâng tầm vóc, chất lượng, nhiều hộ nông dân ở tỉnh này đã chia tay với nghèo khó và bứt lên làm giàu.
Như hộ ông Ðặng Ðình Tùng ở xã Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Thời gian trước đây, gia đình ông Tùng chủ yếu nuôi giống bò vàng có dáng vóc nhỏ, trọng lượng thấp, sản lượng thịt không cao.
Khi Bình Định khở động triển khai thực hiện Đề án thâm canh bò thịt chất lượng cao năm 2015, gia đình ông Tùng được Trung tâm Giống vật nuôi Bình Ðịnh hỗ trợ mua con giống, thức ăn gia súc và được chuyển giao kỹ thuật, tập huấn kỹ năng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao.
“Những giống bò chất lượng cao như bò BBB, Red Angus đã mang đến cho gia đình tôi rất nhiều tiền chứ không phải như nuôi giống bò cỏ trước đây. Ban đầu tôi nhập về 10 con bò giống khoảng 4-5 tháng tuổi, trọng lượng từ 50 - 150kg với giá 150 triệu đồng. Sau 2 năm nuôi, bò tăng trọng được khoảng 700kg/con, bán được 60 triệu đồng/con, trừ đi chi phí tôi còn lãi khoảng 200 triệu đồng”, ông Tùng chia sẻ.
Hay trường hợp của anh Nguyễn Thành Tập ở thôn Trà Sơn, xã Tây An (huyện Tây Sơn, Bình Định). Nhà anh Tập trước đây làm lò gạch thủ công, sau khi nhà nước xóa các lò gạch thủ công, anh Tập cải tạo lò gạch thành chuồng nuôi bò chất lượng cao.
Ban đầu, đàn bò của anh Tập có 10 con, trong đó 9 con là giống bò BBB và 1 con giống Red Angus. Nuôi được 10 tháng mà nhìn con nào con nấy to đùng, anh Tập nhận ra mình đã đi đúng hướng khi nuôi các giống bò chất lượng cao.
“Khi ấy, 10 con bò đầu tiên tôi mua tổng cộng là 115 triệu đồng, con lớn nhất 7 tháng tuổi có giá 20 triệu đồng, nuôi mới 10 tháng nó đã đạt khoảng 450kg, thương lái trả mua 45 triệu đồng. Sau đó bán hết cả bầy tôi thu được hơn 300 triệu đồng, trừ vốn mua con giống và thức ăn, tôi còn lãi khoảng 100 triệu sau 10 tháng nuôi”, anh Tập cho hay.
Theo anh Tập, bò BBB dễ nuôi, ít bệnh tật, phàm ăn nên người nuôi ít tốn thức ăn công nghiệp. Chúng chủ yếu ăn cháo và cỏ, nhờ ăn nhiều nên chóng lớn. Dù bò cỏ, bò lai có thời điểm giảm giá, nhưng giá bò BBB vẫn cao gấp đôi, đầu ra thuận lợi. Đặc biệt, giống bò BBB càng lớn phát triển thịt càng nhanh, lượng thịt gấp đôi bò lai bình thường nên người nuôi sớm có lãi.
Phong trào chăn nuôi bò thịt chất lượng cao càng phát triển, không chỉ những hộ nuôi bò đổi đời mà những người làm những nghề phụ trợ trong lĩnh vực chăn nuôi ở Bình Định cũng sung túc theo, như nghề phối giống (thụ tinh nhân tạo) cho bò, những diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả cũng được nông dân chuyển sang trồng cỏ voi cung cấp cho các hộ chăn nuôi bò, những hộ nấu rượu bán hèm rượu để làm thức ăn cho bò…
Đơn cử như anh Nguyễn Hữu Ðộ ở xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn, Bình Định), địa phương phát triển mạnh nghề nuôi bò chất lượng cao, đã có cuộc sống khấm khá hơn từ nhờ nghề chuyên thụ tinh nhân tạo cho bò.
Mỗi ngày, anh Độ nhận nguồn tinh bò lai chất lượng cao từ Trung tâm Giống vật nuôi Bình Ðịnh để đi thụ tinh nhân tạo cho 3-4 con bò cái tại địa phương, thu nhập được khoảng 500.000đ/ngày, một khoản lớn đối với người dân nông thôn.
“Sau 5 năm thực hiện đề án, tổng doanh thu chăn nuôi bò đạt 13.129 tỷ đồng. Như vậy, Đề án thâm canh bò thịt chất lượng cao sau khi khấu trừ chi phí, đàn bò ở Bình Định đã mang lại khoản lợi nhuận hơn 3.431 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu là 26% so với tổng doanh thu. Giá trị tăng thêm của việc chăn nuôi bò thịt chất lượng cao cho thấy cao hơn khoảng 39% so với bò lai Zêbu, tỷ suất sinh lời của 1 mô hình là 24% so với tổng doanh thu của mô hình”, ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định chia sẻ.