| Hotline: 0983.970.780

Gieo nhu cầu, hái quả ngọt từ cải tạo đàn bò

Thứ Tư 29/06/2022 , 07:05 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Chương trình cải tạo đàn bò đã thực sự tạo ra đột phá cho ngành chăn nuôi Quảng Trị, cho người dân thu nhập ổn định, cao gấp 2 - 3 lần trước đây.

Cuộc sống đổi thay nhờ cải tạo đàn bò

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Thế Linh ở thôn Bàu, xã Kim Thạch (Vĩnh Linh, Quảng Trị) thường chỉ nuôi 1 con bò đực để cày kéo, chăn thả trên các cánh đồng làng. Thế nhưng, cùng với chương trình cải tạo đàn bò, tầm vóc bò được cải thiện rõ rệt, ông Linh cùng nhiều hộ dân đã chuyển sang nuôi nhốt tập trung bò cái sinh sản và vỗ béo. Mỗi năm, với 3 bò nái, gia đình ông thu về được 70 - 80 triệu đồng. Đó là nguồn thu lớn đối với vùng đất đầy cát trắng, nắng gió Quảng Trị.

Ông Lê Chí Công, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Linh khẳng định, chương trình cải tạo đàn bò đã tạo bước đột phá cho ngành chăn nuôi tại Quảng Trị. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Lê Chí Công, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Linh khẳng định, chương trình cải tạo đàn bò đã tạo bước đột phá cho ngành chăn nuôi tại Quảng Trị. Ảnh: Võ Dũng.

Bài liên quan

“Trước đây, nuôi bò chỉ để làm sức kéo nhưng nay người dân nuôi bò để bán thịt phục vụ thị trường. Đất không rộng, nhân lực ít như gia đình tôi thì nuôi vài ba con bò lai vỗ béo, vài ba con bò lai sinh sản. Mỗi năm, bò sinh ra 3 con bê, xuất 1 - 2 con bò vỗ béo, tính ra cũng đút túi 70 - 80 triệu đồng. Nếu là bò vàng địa phương như trước đây thì chỉ thu được 1/3 số tiền trên thôi”, ông Linh chia sẻ.

Có hộ, sau khi bê sinh ra được 4 - 5 tháng thì xuất chuồng. Nhưng cũng có hộ, bê sinh ra được tách sữa nuôi 2 - 3 năm, nguồn thu vì thế lớn hơn. Ông Nguyễn Xuân Kiên, thôn Nỗng, xã Kim Thạch là một trường hợp như thế.

Theo kinh nghiệm của ông Kiên, bê 4 - 5 tháng tuổi rất nhiều người hỏi mua vì thịt bê ở thời điểm này rất ngon. Tuy nhiên, nếu đủ điều kiện thì nên nuôi thêm thời gian để tăng hiệu quả kinh tế. Sau nhiều năm nuôi bò, bê vỗ béo, ông Kiên phát hiện ra nếu chăm sóc tốt, kể từ tháng thứ 6, tốc độ tăng trọng của bê rất nhanh, người nuôi sẽ tăng được lợi nhuận.

“Trước đây, với bò vàng địa phương, bê sinh ra nuôi 1 năm thường chỉ bán được 13 - 14 triệu đồng thì nay, với bê 3B, giá bán thường gấp 2 - 2,5 lần. Nhà tôi hiện có 2 con bê 3B đực. Thời điểm nuôi được 1 năm khách đã trả hơn 20 triệu đồng. Tôi sẽ để nuôi thêm 1 - 2 năm nữa, lúc đó xuất bán có thể tăng lên 50 - 60 triệu đồng/con”, ông Kiên dắt hai con bê đực giống 3B ra khỏi chuồng khoe với chúng tôi.

Chương trình cải tạo đàn bò đã tạo ra sinh kế bền vững cho nông dân Quảng Trị. Ảnh: Công Điền.

Chương trình cải tạo đàn bò đã tạo ra sinh kế bền vững cho nông dân Quảng Trị. Ảnh: Công Điền.

Cùng với việc chuyển từ nuôi chăn thả tự do sang nuôi nhốt, nhiều hộ đã trồng cỏ voi, ngô để phục vụ nuôi bò lai sinh sản, vỗ béo. Nuôi tập trung tránh được tình trạng ô nhiễm môi trường, tận dụng được nguồn phân chuồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nuôi nhốt cũng giúp nhà nông kiểm soát dịch bệnh cho đàn bò tốt hơn.

Gần 20 năm kể từ khi về công tác tại Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Linh rồi được bổ nhiệm làm Trạm trưởng, ông Lê Chí Công cảm nhận được sự thay đổi trong tư duy chăn nuôi của người dân vùng đất này. Theo ông Công, cái được lớn nhất khi áp dụng thụ tinh nhân tạo tinh bò ngoại chính là đã giúp thay đổi tư duy phát triển kinh tế của người dân địa phương. Khi kinh tế phát triển, sẽ kéo theo nhiều chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống.

“Vùng đất này, đưa một giống mới, đưa một tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nông nghiệp không dễ. Nhưng khi thực tế chứng minh những điều mới mẻ góp phần đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn thì người dân sẽ không ngần ngại thay đổi. Có thể khẳng định, chương trình cải tạo đàn bò đã tạo bước đột phá cho ngành chăn nuôi tại Quảng Trị”, ông Lê Chí Công khẳng định.

Gieo nhu cầu, hái quả ngọt

Quảng Trị hiện có khoảng 56 nghìn con bò. Trong đó, đàn bò cái sinh sản chiếm khoảng 17 nghìn con, tỷ lệ đàn bò lai Zebu của tỉnh đạt khoảng 60% tổng đàn, chủ yếu tập trung ở vùng đồng bằng và chăn nuôi thâm canh. Từ năm 2019 đến năm 2021, tổng số bò cái phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo tại Quảng Trị đạt trên 30,1 nghìn con.

Từ lai hóa đàn bò, thu nhập của người chăn nuôi đã cao gấp 2 - 3 lần so với nuôi bò vàng trước đây. Ảnh: Công Điền.

Từ lai hóa đàn bò, thu nhập của người chăn nuôi đã cao gấp 2 - 3 lần so với nuôi bò vàng trước đây. Ảnh: Công Điền.

Bê lai được sinh ra dễ dàng, bò mẹ tự đẻ, chưa có trường hợp phải can thiệp của cán bộ thú y. Trọng lượng bê sơ sinh bình quân đạt từ 20 – 32 kg/con; ngoại hình đẹp, khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Bê thích nghi tốt với môi trường sống, sinh trưởng phát triển nhanh, dễ nuôi, phàm ăn, lớn nhanh, tốc độ tăng trọng trung bình của bê đạt từ 20 - 32 kg/tháng. Bê nuôi đến 12 tháng tuổi đạt từ 230 – 300 kg. Giá bán đối với bê ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo khoảng 21 - 30 triệu đồng, gấp 2 - 3 lần bò vàng địa phương.

Theo thống kê, từ chương trình cải tạo đàn bò, mỗi năm đàn bò lai của tỉnh Quảng Trị cho ra đời hơn 9 nghìn con bê lai, mang về nguồn thu cho nông dân toàn tỉnh gần 200 tỷ đồng/năm.

Trước hiệu quả từ chương trình, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chương trình cải tạo đàn bò. Nhờ đó, tiến độ phối giống được đẩy nhanh hơn, người dân hưởng ứng nhiệt tình. Một số hộ chăn nuôi đã chuyển hoàn toàn từ phối tinh bò Zêbu sang phối giống tinh bò nhập ngoại, đồng thời đầu tư cho chăn nuôi bò thịt thâm canh và sinh sản.

Năm 2022, Quảng Trị tiếp tục chương trình cải tạo đàn bò với kế hoạch phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo khoảng 1 vạn con. Trong đó, bò chuyên thịt 3B, Brahman chiếm khoảng 70%, bò Zebu 30%. Thông qua chương trình cải tạo đàn bò, số bò nái lai Zebu tại Quảng Trị tăng dần qua các năm. Hiện nay, số bò nái lai F1, F2 từ 50% máu ngoại trở lên chiếm tỷ lệ trên 70%.

Quảng Trị sẽ tiếp tục dành chính sách hỗ trợ cho thụ tinh nhân tạo đàn bò trong thời gian tới. Ảnh: Võ Dũng.

Quảng Trị sẽ tiếp tục dành chính sách hỗ trợ cho thụ tinh nhân tạo đàn bò trong thời gian tới. Ảnh: Võ Dũng.

Mô hình đạt kết quả tốt, hiện đang được ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị nhân rộng ra toàn tỉnh, mở ra một hướng sản xuất mới về chăn nuôi bò thâm canh theo hướng chuyên thịt. Trên cơ sở các con lai, sẽ tiến hành các bước lai tạo tiếp theo nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả chăn nuôi và ngày càng cải thiện được điều kiện chăn nuôi.

Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết, thời gian tới, Quảng Trị sẽ tập trung Zebu hoá đàn bò theo hướng chuyên thịt. Đến năm 2025, Quảng Trị phấn đấu nâng tỷ lệ đàn bò lai Zebu toàn tỉnh đạt 75% để có đàn nái nền đạt tiêu chuẩn phục vụ cho các hướng lai tiếp theo.

Về phương pháp, ông Cẩn cho hay, trên nền bò cái Zebu chọn lọc (có tỷ lệ lai từ 50% trở lên), các dẫn tinh viên sẽ sử dụng tinh các giống bò thịt nhập ngoại như 3B, Red Brahman, Red Angus... để thụ tinh nhằm tạo ra con lai F1 có giá trị kinh tế cao, trọng lượng thịt lớn đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp bà con chăn nuôi nâng cao thu nhập.

Để thực hiện chương trình này, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã cử các cán bộ là kỹ sư chăn nuôi thú y có kinh nghiệm trực tiếp theo dõi chỉ đạo chương trình. Người chăn nuôi sẽ được hướng dẫn cách phát hiện bò động dục, chăm sóc qua các giai đoạn, kỹ thuật phối hợp khẩu phần từ nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có tại địa phương. Đây chính là mấu chốt cho kết quả tỷ lệ thụ thai cao và đảm bảo thành công của chương trình.

Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, do vậy tất cả các hộ nông dân có bò cái có khối lượng từ 170 kg trở lên đều được tham gia.

“Chương trình cải tạo đàn bò được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Đối tượng tham gia là những gia đình có bò cái (bò vàng bản địa hoặc bò lai), khối lượng đạt từ 170 – 220 kg, sinh sản tốt. Đối với bò chuyên thịt, đối tượng phối là bò cái lai Zebu từ 50% máu ngoại trở lên, khối lượng đạt từ 220 kg trở lên, sinh sản tốt. Các hộ tham gia chương trình sẽ đ­ược hỗ trợ 50% các loại vật tư­ đầu vào", ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết.

Xem thêm
Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Dưa chuột nếp Hà Trung giòn, thơm, ngọt mát

THANH HÓA Giống dưa chuột nếp Hà Trung trồng theo hướng VietGAP giòn, thơm, ngọt mát, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn các ruộng sản xuất bên ngoài từ 18 - 20%.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.