| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn kinh tế tư nhân trong xuất khẩu nông sản

Thứ Năm 01/06/2017 , 08:30 (GMT+7)

Việt Nam được biết đến là cường quốc về xuất khẩu nông sản với những mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, thủy sản, trái cây... với kim ngạch lên tới vài chục tỉ USD mỗi năm, và trong đó doanh nghiệp tư nhân đang âm thầm đóng rất lớn phía sau thành quả này.

Làm chủ vật tư nông nghiệp

Suốt một thời gian dài thời kỳ bao cấp và hậu bao cấp, ngành vật tư nông nghiệp chứng kiến sự độc quyền của các doanh nghiệp Nhà nước. Ngày đó, chuyện khan hiếm giống, phân bón, thuốc BVTV mỗi khi mùa vụ đến xảy ra như cơm bữa bởi các mặt hàng vật tư đều được bán theo hình thức phân phối.

13-17-18_xut-vi-di-uc
Dấu ấn của doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò rất lớn trong kim ngạch xuất khẩu nông sản tỉ đô của Việt Nam

Nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ năm 2005 khi Luật Doanh nghiệp mới ra đời, khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực vật tư nông nghiệp. Và chỉ sau hơn thập kỷ, lĩnh vực vật tư nông nghiệp có sự phát triển vượt bậc, không chỉ đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân mà còn đóng góp to lớn cho nền nông nghiệp nước nhà.

Bằng chứng là với riêng ngành phân bón, từ lúc chỉ có khoảng chục doanh nghiệp nhà nước độc quyền phân phối các sản phẩm đạm, lân, kali, muốn mua vật tư, nông dân phải đặt cọc tiền trước cả tháng, thậm chí nửa năm thì nay mọi chuyện thay đổi hoàn toàn, các doanh nghiệp nhà nước dưới áp lực phục vụ ngày một tốt của doanh nghiệp tư nhân phải chạy đôn chạy đáo giữ thị trường, chăm sóc khách hàng chu đáo, tận tình hơn, bởi nếu không thay đổi sẽ bị tụt lại phía sau.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp phân bón nhà nước quen thói phân phối trước đây, không kịp thay đổi, thích nghi giờ đã đánh mất thị phần, nhiều doanh nghiệp thậm chí sa lầy trong thua lỗ, nợ nần vì không cạnh tranh được với tư nhân, hàng nhập khẩu có giá bán cạnh tranh hơn, phục vụ lại tốt hơn.

Theo số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cả nước hiện nay có khoảng 700 doanh nghiệp phân bón, trong đó các doanh nghiệp tư nhân chiếm tới 90%, tức trên 50% tổng sản lượng 11 triệu tấn phân bón của cả nước. Có thể nói, chưa bao giờ người nông dân được hưởng lợi lớn và có quyền lớn khi mua phân bón như hiện tại. Trên thị trường giờ có hàng trăm mặt hàng với đầy đủ chủng loại, thành phần, giá cả để bà con lựa chọn, cảnh phải xếp hàng, đặt tiền mới mua được phân bón như trước kia đã thực sự lùi sâu vào dĩ vãng.

Không chỉ phá thế độc quyền, trì trệ của doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân còn là nơi cung cấp vốn, nguồn lực rất lớn để nông dân đầu tư vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông lâm thủy sản.

Không chỉ mặt hàng phân bón, những lĩnh vực vật nông nghiệp khác như: thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, giống cây trồng, thuốc BVTV hiện nay cũng cơ bản chuyển dịch dần sang tay các doanh nghiệp tư nhân hoặc những doanh nghiệp CPH mà vai trò nhà nước ở đó không còn hoặc còn rất nhỏ. Những doanh nghiệp này có một điểm chung là đa phần đều làm ăn ngày một hiệu quả và tốt hơn.

Điển hình như tại Tây Nguyên có Công ty TNHH MTV Minh Tân ở TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, mỗi năm phân phối, cung ứng trên 1 triệu tấn phân bón các loại cho các đại lí cấp 2, để rồi hàng trăm đại lí vật tư nông nghiệp cấp 2 lại bán trả chậm cho hàng trăm nghìn nông dân đầu tư vào cây cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, cây ăn quả… bình quân mỗi hộ từ 30 đến cả trăm triệu đồng. Qua đó mới thấy, trên thực tế doanh nghiệp tư nhân đóng góp nguồn lực rất lớn cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.
 

Đến chiếm lĩnh xuất khẩu nông sản

Một mặt cung cấp nguyên liệu đầu vào, cung ứng vật tư, vốn vay thông qua bán hàng trả chậm cho nông dân, không ai khác cũng chính là doanh nghiệp tư nhân hiện đang từng bước chiếm lĩnh, chi phối lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, đem về nguồn ngoại tệ quý giá cho đất nước.

Không đâu xa, trong tổng số trên 7 tỷ USD xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt được năm 2016, vai trò của doanh nghiệp tư nhân hết sức rõ ràng. Sau thời gian hoàng kim, nhiều doanh nghiệp thủy sản nhà nước bắt đầu đuối sức, hụt hơi phải lùi về hoạt động cầm chừng cũng chính là lúc các doanh nghiệp tư nhân trong chế biến thủy sản xuất khẩu lại nổi lên thành trụ đỡ cho thủy sản Việt Nam.

Điển hình đó là Công ty CP Thủy Hải Sản Minh Phú (Cà Mau), Công ty CP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), Công ty CP Hùng Vương (Tiền Giang)… Thực tế, trong danh sách tốp 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam năm 2016 được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố, các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn áp đảo và chia nhau các vị trí dẫn đầu.

Không đâu xa, con số xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2017 cán mốc 1 tỉ USD vừa được công bố mới đây, vẫn là dấu ấn của doanh nghiệp tư nhân. Khi các cơ quan chuyên môn nhà nước xúc tiến, đàm phán, mở cửa được thị trường nào, các doanh nghiệp tư nhân gần như ngay lập tức vào cuộc và xuất khẩu thành công nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam sang các thị trường phi truyền thống.

Trong đó, Công ty CP Tiến Bộ Quốc tế AIC dù ở lĩnh vực xuất khảu lao động cũng nhanh chóng chớp thời cơ đưa được quả vải thiều và cà rốt Việt Nam tiếp cận thị trường Malaysia; Công ty Vina T&T xuất khẩu thanh long sang Mỹ, một số doanh nghiệp tư nhân khác đưa xoài, vú sữa, chôm chôm sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhìn chung, trừ những mặt hàng xuất khẩu bị khống chế bởi hạn ngạch do doanh nghiệp nhà nước chi phối, các mặt hàng nông sản xuất khẩu khác đều chứng minh doanh nghiệp tư nhân đang rất chuyên nghiệp, bài bản.

Chia sẻ với chúng tôi, một số chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho rằng, ở bất cứ lĩnh vực nào trong nông nghiệp hiện nay, nếu sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân càng đông đảo thì môi trường cạnh tranh càng lành mạnh và người nông dân càng được lợi.

Cũng theo vị chuyên gia này, không hẳn lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân giỏi hơn, thông minh hơn lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước mà chủ yếu do họ có động lực lớn hơn. Theo đó, đa phần các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước hiện nay chỉ được làm những gì pháp luật cho phép nên giải pháp an toàn luôn được đặt lên hàng đầu.

Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân hiện nay được làm những gì pháp luật không cấm nên mục tiêu cuối cùng của họ vẫn là hiệu quả. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân thường không bị chi phối bởi các mối quan hệ, lợi ích nhóm hay % nên hiệu quả luôn đạt được ở ngưỡng cao nhất.

Nếu như trước đây việc cung ứng vật tư nông nghiệp chủ yếu dựa vào hệ thống các doanh nghiệp vật tư nông nghiệp nhà nước trực thuộc các tỉnh, thành phố thì nay về cơ bản mảng này đã thuộc về tay tư nhân, chỉ có số ít các doanh nghiệp vật tư nông nghiệp cũ đã CPH hoặc chuyển hoàn toàn thành doanh nghiệp tư nhân còn hoạt động hiệu quả, còn lại đều trong cảnh èo uột.

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.