| Hotline: 0983.970.780

Đầu mùa, cam Vũ Quang giá cao hơn 5.000 - 10.000 đồng/kg so với năm ngoái

Thứ Hai 11/11/2024 , 07:43 (GMT+7)

HÀ TĨNH Mặc dù sản lượng cam năm nay không cao hơn so với mọi năm nhưng người dân tại vùng cam Vũ Quang (Hà Tĩnh) vẫn rất phấn khởi vì cam được giá từ đầu vụ.

Cứ vào dịp giữa tháng 11 dương lịch hằng năm, trên các vườn đồi ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), người trồng cam lại tất bật thu hoạch quả sau thời gian dài chăm bón. Năm nay, sản lượng cam không cao hơn so với mọi năm nhưng cam bán được giá cao nên bà con nông dân vẫn rất phấn khởi.

Người trồng cam Vũ Quang phấn khởi thu hoạch vì cam được giá từ đầu vụ. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Người trồng cam Vũ Quang phấn khởi thu hoạch vì cam được giá từ đầu vụ. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Cam đầu mùa giá 30 - 40 nghìn đồng/kg

Những ngày này, vườn cam của gia đình bà Nguyễn Thị Hợi tại thôn 4, xã Quang Thọ (huyện Vũ Quang) nườm nượp thương lái vào thu mua. Đang thoăn thoắt cắt những quả cam chín vàng ruộm để kịp giao cho thương lái, bà Hợi không giấu nổi niềm vui khi mặc dù mới đầu mùa nhưng cam được thu mua với giá cao.

Bà Hợi vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 700 gốc cam giống cam ghép Hà Nội, trong đó có những gốc gần 10 năm tuổi. Sản lượng năm nay ước đạt gần 15 tấn cam. Hiện gia đình tôi đã xuất bán được gần 3 tấn với giá bán tại vườn 30 nghìn/kg, dự kiến về cuối vụ giá cam sẽ còn tăng cao”.

Để cam cho quả đẹp và có vị ngọt đậm, bà Hợi cho biết mỗi năm bón từ 2 - 3 đợt phân chuồng đã được ủ hoai mục và chủ động nguồn nước tưới cho cam trong mùa nắng nóng. Ngoài ra còn áp dụng bao quả 100% nên không phải phun thuốc trừ sâu, đảm bảo cam chất lượng và an toàn, được khách hàng tin tưởng lựa chọn, nhờ đó việc tiêu thụ thuận tiện và giá bán cũng tốt hơn.

Áp dụng biện pháp bao quả 100% nên các vườn cam không phun thuốc trừ sâu, đảm bảo cam chất lượng, mẫu mã đẹp và an toàn nên khách hàng rất ưa chuộng. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Áp dụng biện pháp bao quả 100% nên các vườn cam không phun thuốc trừ sâu, đảm bảo cam chất lượng, mẫu mã đẹp và an toàn nên khách hàng rất ưa chuộng. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Khoảng 1 tuần nay, mỗi ngày trang trại cam Bảo Phương tại thôn 1, xã Quang Thọ xuất bán ra thị trường từ khoảng 5 tạ đến vài tấn cam.

Anh Đoàn Ngọc Bảo, chủ trang trại cam Bảo Phương cho biết: Trang trại hiện có hơn 2000 gốc cam Xã Đoài, trong đó có hơn 1.000 gốc đã cho thu hoạch, vụ năm nay ước đạt hơn 40 tấn cam, đem lại nguồn thu hơn 1 tỷ đồng. "Hiện cam mới vào đầu mùa thu hoạch nhưng đã ngọt đậm. Chúng tôi đã bắt đầu hái để bán ra thị trường khoảng 1 tuần nay, mức giá cắt tại vườn 40.000 đồng/kg, còn giá bán lẻ niêm yết tại các cửa hàng, siêu thị là 68.000 đồng/kg”, anh Bảo phấn khởi.

Hiện thị trường tiêu thụ chính của trang trại cam Bảo Phương là TP Vinh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… Nhờ chuyển đổi trồng cam theo hướng hữu cơ, dùng túi giấy bọc từng quả nên trang trại cam Bảo Phương cho quả đẹp và ngọt đậm. Đặc biệt, sản phẩm "Cam Bảo Phương" đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, truy xuất nguồn gốc rõ ràng nên tiêu thụ dễ, giá bán cao.

Sản phẩm Cam Bảo Phương đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, truy xuất nguồn gốc rõ ràng nên tiêu thụ dễ, giá bán cao. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Sản phẩm Cam Bảo Phương đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, truy xuất nguồn gốc rõ ràng nên tiêu thụ dễ, giá bán cao. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Để xây dựng thương hiệu, anh Bảo thường xuyên tham gia các hội chợ thương mại trên toàn quốc, đồng thời xây dựng kênh zalo, facebook, tiktok mang tên “Cam Bảo Phương”, nhờ đó thị trường tiêu thị ngày càng được mở rộng.

“Mặc dù mới đầu mùa nhưng cam đã được thu mua với giá cao. Để đảm bảo nguồn cam phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới, chúng tôi sẽ rà soát số lượng, phân loại và có giải pháp cân đối từng đợt thu hoạch”, anh Bảo cho biết thêm.

Tăng mạnh cam VietGAP, hữu cơ

Theo các hộ trồng cam trên địa bàn huyện Vũ Quang, những năm gần đây, nhờ chú trọng áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng cam của địa phương ngày càng được nâng lên. Nông dân đã chủ động dùng túi bọc quả nhằm chống các côn trùng chích hút như ruồi vàng, bướm, ốc sên... cũng như ngăn được thuốc bảo vệ thực vật.

Các vườn cam ở Vũ Quang đang bước vào đợt cao điểm thu hoạch với năng suất ước đạt từ 11 - 12 tấn/ha. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Các vườn cam ở Vũ Quang đang bước vào đợt cao điểm thu hoạch với năng suất ước đạt từ 11 - 12 tấn/ha. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Bên cạnh đó, người trồng cam cũng tăng cường dùng phân hữu cơ thay vì phân hóa học để nâng cao năng suất, chất lượng cam. Đặc biệt, nhờ tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu nhằm mở rộng thị trường nên việc tiêu thụ cam Vũ Quang thuận lợi hơn trước, thu nhập được cải thiện.

Chị Nguyễn Thị Hải, chủ cơ sở thu mua hoa quả trên địa bàn thị trấn Vũ Quang cho biết: “Năm 2023, cơ sở chúng tôi bán ra thị trường hơn 30 tấn cam cho bà con. Năm nay, cam Vũ Quang ngọt đậm, quả đẹp, chúng tôi dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 50 tấn cam. Khoảng hơn 1 tuần nay, chúng tôi đã tiêu thụ hơn 10 tấn cam. Giá cam năm nay cao hơn các năm trước, hiện giá tại vườn chúng tôi mua cao hơn năm ngoái khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg”.

Giá cam năm nay cao hơn các năm trước, hiện giá tại vườn được thương lái mua cao hơn năm ngoái khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Giá cam năm nay cao hơn các năm trước, hiện giá tại vườn được thương lái mua cao hơn năm ngoái khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Toàn huyện Vũ Quang hiện có hơn 1.800ha trồng cam, trong đó diện tích cho thu hoạch hơn 1.700ha. Những năm gần đây, mặc dù diện tích cam cho thu hoạch có phần giảm sút do bà con trồng mới đối với các diện tích bị thoái hoá, sâu bệnh. Tuy nhiên chất lượng cam tiếp tục được đảm bảo, mẫu mã quả đẹp vì người trồng đã chú trọng hơn đến kỹ thuật chăm sóc, mở rộng diện tích theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Đến nay, toàn huyện có 33,5ha cam đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ (trong đó năm 2024 có thêm 3ha).

Theo ông Võ Quốc Hội, Phó Trưởng Phòng NN-PTNN huyện Vũ Quang, năm nay sản lượng cam của huyện ước đạt khoảng 20.000 tấn, không cao hơn so với mọi năm, song mức giá thu mua cao hơn nên người dân vẫn rất phấn khởi. Hiện giá thu mua tại vườn dao động ở mức 30.000 - 40.000 đồng/kg. Đối với các vùng trồng cam hữu cơ, người dân mở rộng các kênh tiêu thụ, mở bán trên các kênh thương mại điện tử, giá bán có thể đạt từ 50.000 - 70.000 đồng/kg.

Đến nay, toàn huyện Vũ Quang có 33,5ha cam đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Đến nay, toàn huyện Vũ Quang có 33,5ha cam đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Cam là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Vũ Quang và đã trở thành nguồn thu nhập chính giúp người dân vươn lên làm giàu.

"Thời gian qua, huyện Vũ Quang đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cam tới người tiêu dùng; nhân rộng các mô hình kinh doanh, phân phối sản phẩm có thương hiệu cam Vũ Quang. Bên cạnh đó, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và giới thiệu sản phẩm tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để giúp bà con thuận tiện tiêu thụ" ông Hội cho biết thêm.

Ngoài xã Quang Thọ là địa phương trồng nhiều cam tại huyện Vũ Quang, thời điểm này tại các xã khác trong huyện như Đức Lĩnh, Đức Liên, Ân Phú, Đức Hương…, các nhà vườn cũng đang bước vào đợt cao điểm thu hoạch với năng suất cam ước đạt từ 11 - 12 tấn/ha.

Xem thêm
Hơn 1.000 hộ dân được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi nhờ sáng kiến 'Chăn Hênh'

SƠN LA Qua 3 năm triển khai tại huyện Mai Sơn, trên 1.000 hộ dân được tập huấn về các kỹ thuật trong chăn nuôi, hỗ trợ liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Từ vụ hổ, báo, sư tử bị chết do cúm gia cầm A/H5N1: [Bài 1] Đồng Nai vá lỗ hổng

Vụ hổ, báo, sư tử bị chết vì cúm A/H5N1 tại Khu du lịch Vườn Xoài và Vườn thú Mỹ Quỳnh buộc ngành thú y Đồng Nai phải thay đổi chiến lược ứng phó.

Giống sắn xua tan nỗi ám ảnh bệnh khảm lá

Giống sắn HN1 cho năng suất củ tươi đạt trên 34 tấn/ha, hàm lượng tinh bột tối thiểu 25%, đặc biệt giống sắn này có khả năng kháng bệnh khảm lá vượt trội.