Cuối tháng 11 cũng là thời điểm cam Vũ Quang (Hà Tĩnh) vào mùa. Năm nay nhờ áp dụng chuyển đổi theo hướng hữu cơ nên chất lượng cam được đánh giá cao, nhờ đó cam bán được giá, bà con trồng cam rất phấn khởi. Hiện các nhà vườn đang tranh thủ thu hoạch bán cho thương lái.
Trang trại cam Bảo Phương (xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang) trồng hơn 2.000 gốc cam chanh trên diện tích hơn 6ha, trong đó có hơn 500 gốc đã cho thu hoạch. Chị Trần Thị Hoài Phương, chủ trang trại cho biết: “Năm nay, gia đình tôi đạt hơn 15 tấn quả, mới đầu mùa nhưng cam được thương lái thu mua tại vườn với giá khá cao. Hiện chúng tôi đang tỉa xuất bán dần với giá sỉ tại vườn từ 40 - 45 nghìn đồng/kg, giá bán lẻ từ 55 - 60 nghìn đồng/kg. Nhờ được tập huấn và thực hiện chăm sóc cam theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, đặc biệt dùng biện pháp bao quả 100% nên cam cho quả đẹp và ngọt đậm, giá bán cao, tiêu thụ dễ".
Năm nay, gia đình anh Phan Anh Toản (xã Hương Minh, huyện Vũ Quang) có 1.000 gốc cam trên diện tích 2,3ha đất đồi, năng suất ước 20 tấn quả. Hiện giá bán tại vườn dao động từ 30.000 - 60.000 đồng/kg, ước năm nay gia đình anh Toản thu về 600 triệu đồng.
“Mọi năm chúng tôi chủ yếu bán cho thương lái trực tiếp thu mua tại vườn nhưng nay thông qua mạng xã hội đã kết nối được nhiều khách ở các tỉnh, bao gồm cả Hà Nội và TP.HCM. Cam năm nay cho năng suất, sản lượng không cao vì ảnh hưởng của mưa, thời tiết bất lợi nên giá cam nhỉnh hơn mọi năm”, anh Toản cho biết.
Tại vườn cam hơn 3ha của ông Nguyễn Ngọc Phong (thôn 7, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang) những ngày này tấp nập thương lái vào thu mua. Ông Phong phấn khởi chia sẻ: "Năm nay thời tiết nắng mưa thất thường nên cam rụng khá nhiều, vườn của gia đình tôi ước thu gần 30 tấn quả. Nhờ chất lượng cam ngọt và sạch nên bán được giá từ 30 - 35 nghìn đồng/kg. Nếu thời tiết những ngày tới nắng ấm thì giá cam sẽ còn tăng cao". Cũng theo ông Phong, theo xu hướng hằng năm, cam sẽ tăng giá vào thời điểm cuối năm nên hiện gia đình chưa thu hoạch ồ ạt mà tập trung chọn tỉa quả chín sớm, cố gắng neo quả trên cây.
Theo các hộ trồng cam trên địa bàn huyện Vũ Quang, những năm gần đây, nhờ chú trọng áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng cam của địa phương ngày càng được nâng lên. Nông dân đã chủ động dùng túi bọc quả nhằm chống các côn trùng chích hút như ruồi vàng, bướm, ốc sên... cũng như ngăn được thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, người trồng cam cũng tăng cường dùng phân hữu cơ thay vì phân hóa học để nâng cao năng suất, chất lượng của cam.
Đặc biệt, nhờ tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu nhằm mở rộng thị trường nên việc tiêu thụ cam Vũ Quang thuận lợi hơn trước, thu nhập được cải thiện.
Chị Nguyễn Thị Luyến - tiểu thương ở huyện Vũ Quang cho hay: "Mỗi ngày cơ sở chúng tôi thu mua và bán ra thị trường từ 5 - 7 tạ cam. Trong đó, Vinh và Hà Nội đang là những thị trường tiềm năng nhất. Thời điểm này, chúng tôi đã kết nối để tiêu thụ, quảng bá sản phẩm tại một số cửa hàng nông sản ở Hà Nội và được người tiêu dùng đánh giá cao. Hiện tại, cam đang được thu mua với giá từ 30 - 35 nghìn đồng/kg tuỳ loại. Những ngày tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối, tham gia các hoạt động hội chợ ở các địa phương khác để phân phối, quảng bá rộng rãi đặc sản cam Vũ Quang”.
Thời gian qua, huyện Vũ Quang đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cam tới người tiêu dùng; nhân rộng các mô hình kinh doanh, phân phối sản phẩm có thương hiệu cam Vũ Quang. Bên cạnh đó, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và giới thiệu sản phẩm tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để giúp bà con thuận tiện tiêu thụ.
Ngoài ra, để giúp bà con có nguồn thu cao vào cuối vụ, địa phương cũng đã tập trung chỉ đạo các xã chủ động hướng dẫn người dân thăm vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện các yếu tố gây hại cho cam, nhất là thời điểm cuối năm.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết: Toàn huyện hiện có gần 2.300ha cam, trong đó có gần 1.700ha cho thu hoạch. Năm nay, diện tích cam cho thu hoạch giảm hơn 500ha do bà con trồng mới đối với các diện tích bị thoái hoá, sâu bệnh. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm cam tiếp tục được đảm bảo, mẫu mã quả đẹp vì người trồng đã chú trọng hơn đến kỹ thuật chăm sóc, mở rộng diện tích theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.