| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, tạo động lực mới phát triển nông nghiệp

Thứ Năm 01/01/2015 , 08:10 (GMT+7)

Nông nghiệp nước ta đã trở thành một nền nông nghiệp hàng hóa hội nhập quốc tế sâu rộng. Sản xuất không chỉ đáp ứng dồi dào nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu nhiều loại nông sản với quy mô lớn. Nước ta là nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.

1. Sự cần thiết

Ngành nông nghiệp là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, năm 2013 đóng góp 18,4% GDP. Phát triển nông nghiệp có ý nghĩa còn lớn hơn về mặt xã hội khi gần 70% dân số đang sinh sống ở nông thôn và chủ yếu dựa vào nông nghiệp để có việc làm và thu nhập. Một nền nông nghiệp mạnh còn là chỗ dựa vững chắc để bảo vệ môi trường sinh thái.

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách mạnh mẽ phát triển nông nghiệp. Nghị quyết 26 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa X đã xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhờ vậy, nông nghiệp đã liên tục phát triển với tốc độ khá cao, bình quân 3-4%/năm, sản lượng nhiều loại sản phẩm tăng mạnh, chất lượng từng bước được cải thiện, tổ chức sản xuất được từng bước đổi mới có hiệu quả cao hơn, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, trình độ khoa học kỹ thuật được nâng lên, xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình sản xuất có năng suất và hiệu quả cao.

Nông nghiệp nước ta đã trở thành một nền nông nghiệp hàng hóa hội nhập quốc tế sâu rộng. Sản xuất không chỉ đáp ứng dồi dào nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu nhiều loại nông sản trên quy mô lớn. Nước ta là nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.

Nông nghiệp phát triển đã giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, hỗ trợ tích cực xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng đã làm thay đổi cục diện, rừng được phục hồi cả về diện tích và trữ lượng. Năm 2014 độ che phủ rừng ước đạt 41,5%.

Bên cạnh những thành tựu to lớn đó, nông nghiệp nước ta đang còn nhiều tồn tại và phải đối phó với nhiều thử thách. Tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại, kém bền vững, sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Thu nhập và đời sống của đa số nông dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều nơi còn cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.

Trong khi đó thị trường nông sản có nhiều thay đổi, người tiêu dùng trong nước quan tâm nhiều hơn tới chất lượng và an toàn thực phẩm, hầu hết các loại nông sản phải tham gia cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt; cạnh tranh về các nguồn lực gia tăng, diện tích đất đai dành cho nông nghiệp ngày càng giảm; biến đổi khí hậu làm cho môi trường phát triển nông nghiệp có nhiều thay đổi phức tạp.

Trong bối cảnh đó, để thực hiện được các mục tiêu nhiệm vụ to lớn mà Đảng, Chỉnh phủ đề ra, đáp ứng mong đợi của nhân dân, ngành nông nghiệp cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ từ cách tiếp cận tới các giải pháp tổng thể đối với toàn ngành cũng như cho từng lĩnh vực cụ thể, hay nói cách khác phải thực hiện Tái cơ cấu ngành.

2. Những giải pháp lớn và kết quả bước đầu

Tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch hành động. Bộ đã chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện 12 dự án cụ thể hóa nhiệm vụ tái cơ cấu trong các lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, chế biến và bảo quản nông lâm thủy sản, thủy lợi); phương hướng thực hiện các nhóm giải pháp chính (tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, tái cơ cấu đầu tư, đổi mới cơ chế chính sách, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới và tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước chuyên ngành).

Bộ đã và đang tham mưu để Chính phủ ban hành nhiều chính sách quan trọng về điều chỉnh cơ chế quản lý đất trồng lúa, hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ, phát triển thủy sản, bảo vệ và phát triển rừng gắn với hỗ trợ và xóa đói giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, đổi mới nông lâm trường quốc doanh, phát triển hợp tác xã trong nông nghiệp…

Bộ cũng đã ban hành chỉ thị, tổ chức triển khai các chủ trương tái cơ cấu ngành tới các địa phương. Tới nay hầu hết các địa phương đã xây dựng Đề án, kế hoạch thực hiện tái cơ cấu trên địa bàn.

Một số địa phương lựa chọn cây con chủ lực, nhiệm vụ trọng tâm xây dựng thành chương trình, dự án, ban hành cơ chế chính sách và chỉ đạo triển khai thực hiện trên thực tế gắn với xây dựng nông thôn mới. Công tác truyên truyền vận động quần chúng đã được quan tâm thực hiện ở các cấp.

Hơn 1 năm thực hiện Đề án đã tạo được sự chuyển biến nhất định về nhận thức. Các địa phương, đơn vị thuộc ngành thể hiện quyết tâm ngày càng cao hơn, sự vào cuộc ngày càng sâu sắc, quyết liệt hơn để thực hiện Tái cơ cấu ngành.

Năm 2014, sản lượng hầu hết các loại nông sản có thị trường thuận lợi đều tăng mạnh như tôm tăng 20%, cà phê tăng 5,2%, thịt hơi các loại tăng 2,7%, sữa tăng 15,6%, trứng tăng 3,8%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 30,85 tỷ USD, tăng 3,0 tỷ USD (tăng 11,2%).
Giá trị tổng sản lượng tăng 3,58%, giá trị gia tăng tăng 3,31%, cao hơn nhiều so với năm 2013 (tương ứng là 3,0 và 2,67%). Đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu 1,0 tỷ USD trở lên.
Mặt khác, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 63,9% năm 2012 lên 64,7 năm 2013 và 67,8% năm 2014. Những kết quả nêu trên đạt được do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện tái cơ cấu đã có tác động tích cực nhất định, bước đầu tạo ra sự chuyển động mới đúng hướng trong ngành.

Trên thực tế sự lãnh đạo, chỉ đạo và các nguồn lực được tập trung hơn cho các ngành, lĩnh vực, sản phẩm trọng tâm. Nhiều nỗ lực được triển khai để nâng cao hiệu quả các lĩnh vực sản xuất, nhất là thông qua phát triển thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông lâm thủy sản.

3. Biện pháp đẩy mạnh

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một quá trình dài hạn nhưng cần được đẩy mạnh để nhanh chóng tạo ra sự chuyển biến rõ nét, nâng cao nhanh hơn thu nhập và đời sống của nông dân một cách bền vững.

Tái cơ cấu ngành trước hết yêu cầu phải có sự thay đổi trong cách tiếp cận ngành, chuyển hẳn sang định hướng phát triển sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế đối với tất cả các loại nông sản; không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả để đạt thu nhập và lợi nhuận cao hơn, trong đó đặc biệt chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không sản xuất bằng mọi giá, lạm dụng tài nguyên thiên nhiên, vật tư nông nghiệp gây lãng phí và ô nhiễm mà hướng tới nền sản xuất an toàn, bền vững về môi trường; chú ý hơn tới đảm bảo công bằng xã hội, phát triển liên kết, phân phối hài hòa lợi ích giữa các thành phần tham gia chuỗi giá trị; tích cực hỗ trợ xóa đói giảm nghèo thông qua phát triển sản xuất hàng hóa thay vì nâng cao mức độ tự cung tự cấp ngay cả đối với lương thực.

Mỗi địa phương lựa chọn các sản phẩm lợi thế, các khâu còn nhiều dư địa để nâng cao hiệu quả sản xuất để tập trung chỉ đạo. Ngành trồng trọt chủ yếu đi vào thâm canh bền vững gắn với chế biến và tiêu thụ, tập trung vào các cây trồng chủ lực có khả năng cạnh tranh cao, có giá trị cao.

Ngành lúa gạo cần có điều chỉnh lớn về cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, hệ thống bảo quản, chế biến, tổ chức sản xuất và kinh doanh để có hiệu quả cao hơn và bền vững hơn. Ngành chăn nuôi phải nhanh chóng tiếp cận trình độ quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh, tập trung vào lợn, gia cầm, bò sữa.

Ngành thủy sản tiếp tục điều chỉnh cơ cấu đánh bắt, nâng cao hiệu quả khai thác, đồng thời phát huy cao hơn tiềm năng to lớn về nuôi trồng thông qua thâm canh bền vững.

Ngành lâm nghiệp phát triển mạnh các loại rừng trồng có hiệu quả kinh tế cao, bao gồm cả cây lâm đặc sản, cây dược liệu; thay đổi phương thức quản lý rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, đặc dụng để vừa bảo vệ được rừng vừa đem lại thu nhập cao hơn cho người dân.

Trong quá trình thực thi đồng bộ các giải pháp, cần tập trung và ưu tiên đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật tổ chức lại sản xuất và đổi mới cơ chế chính sách như những khâu đột phá để tái cơ cấu ngành.

Về khoa học kỹ thuật, cần đẩy mạnh hướng dẫn và hỗ trợ nông dân sử dụng các giống có năng suất và giá trị thương phẩm cao; thực hiện đúng các gói kỹ thuật tiên tiến trong nuôi trồng đối với từng loại cây con, phổ biến áp dụng VietGap và các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt khác có xác nhận; đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng các kỹ thuật tưới tiết kiệm, công nghệ cao, thiết bị và công nghệ mới, nhất là về công nghệ sinh học, viễn thông, viễn thám… Phát huy cao hơn vai trò của các doanh nghiệp trong nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ; tổ chức liên kết giữa các doanh nghiệp với các tổ chức khoa học công nghệ của Nhà nước.


Trồng hoa công nghệ cao tại huyện Đan Phượng (Hà Nội)

Trong tổ chức lại sản xuất trước hết chú trọng thực thi các chính sách minh bạch, ưu đãi ổn định dài hạn để thu hút đầu tư, phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp có sức cạnh tranh cao để đảm bảo cung cấp đầu vào có chất lượng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm do nông dân làm ra, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ to lớn, phức tạp, chỉ thành công khi có sự ủng hộ và tham gia tích cực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và hàng triệu hộ nông dân. Do vậy, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, quyết liệt của cấp ủy và chính quyền các cấp có ý nghĩa quyết định. Thực tế thời gian qua đã chứng minh điều đó.

Khẩn trương rà soát đơn giản hóa các quy định, thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn trong lĩnh vực nông nghiệp. Tích cực thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại các nông lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các hộ nông dân phát triển sản xuất hàng hóa với quy mô lớn hơn và đạt hiệu quả cao hơn, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác để tập hợp nông dân tham gia có hiệu quả các chuỗi giá trị; khuyến khích các hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp và nông dân thông qua các tổ chức của mình, gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ.

Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách theo hướng phát huy cao hơn, hiệu quả hơn cơ chế thị trường, tạo lập các điều kiện để mọi loại thị trường liên quan đến nông nghiệp hoạt động thông suốt, đồng bộ, hiệu quả, nhất là về quyền sử dụng đất, lao động, vật tư và hàng hóa nông nghiệp, vốn, sở hữu trí tuệ…; giảm thiểu các yếu tố làm méo mó thị trường; thông qua cơ chế thị trường để điều tiết các nguồn lực giữa các mục tiêu và sử dụng nguồn lực có hiệu quả.

Đồng thời, tăng cường kiểm soát để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư công hỗ trợ các mục tiêu ưu tiên, nhất là trong phát triển cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nhân lực, chống dàn trải, kém hiệu quả. Nhanh chóng thể chế hóa tư duy đổi mới thành các văn bản pháp quy để áp dụng trên diện rộng.

Tiếp tục đầu tư phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, ưu tiên hơn phát triển thủy lợi phục vụ thủy sản, tưới cây trồng cạn và các mục tiêu ưu tiên ở mỗi địa phương. Tăng cường công tác quản lý vận hành, đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao để nâng cao hiệu quả xây dựng và vận hành các công trình thủy lợi.

Đồng thời, quan tâm hơn tới xây dựng hạ tầng phục vụ nghề cá, các cơ sở nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, cơ sở vật chất kỹ thuật hỗ trợ nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, nhất là quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.