| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 13/05/2021 , 16:39 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 16:39 - 13/05/2021

Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vacxin chống Covid-19

Bài toán vacxin Covid-19 cho người Việt Nam cần giải quyết bằng một chủ trương xã hội hóa bài bản và triệt để.

Giải pháp tối ưu để đẩy lùi Covid-19, chính là tiêm vacxin cho người Việt Nam. Hiện nay, đã có những nhóm đối tượng ở tuyến đầu chống dịch được tiêm vacxin, chiếm một tỉ lệ khá nhỏ trong cộng đồng. Làm sao để có đủ vacxin cho người Việt Nam khi đại dịch toàn cầu vẫn đang diễn biến phức tạp? Câu trả lời là phải đẩy mạnh xã hội hóa nguồn cung ứng.

Những vacxin do Việt Nam sản xuất để ứng phó Covid-19 như vắc xin NanoCovax của Công ty NANOGEN hay vacxin COVIVAC của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế đều trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, dự kiến sẽ có kết quả khả quan vào cuối năm 2021. Như vậy, trước mắt chỉ có con đường nhập khẩu vacxin để phục vụ nhu cầu trong nước.

Bộ Y tế khẳng định Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vacxin phòng Covid-19 đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng. Vì vậy, Bộ Y tế không có chủ trương để các công ty, doanh nghiệp tự nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 để tiêm. 

Một đơn vị có uy tín trên thị trường vacxin là Công ty cổ phần vacxin Việt Nam - VNVC dự kiến nửa đầu năm 2021 sẽ đưa về Việt Nam khoảng 30 triệu liều vacxin do tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới AstraZeneca và Đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu và sản xuất. Con số này vô cùng ít ỏi, vì để bảo đảm tiêm đủ vacxin phòng Covid-19 cho người Việt Nam trong năm 2021 thì cần đến 150 triệu liều vacxin.

Để chăm lo cho người lao động và giảm bớt gánh nặng tài chính cho Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm và chi trả việc tiêm vacxin. Đây là một động thái tích cực, nhưng lại gây ra hệ lụy là tạo nên sự khan hiếm trên thị trường vacxin và đẩy giá cả lên mức mất kiểm soát.

Vì vậy, bài toán vacxin cho người Việt Nam cần giải quyết bằng một chủ trương xã hội hóa bài bản và triệt để. Xã hội hóa vacxin không chỉ nằm ở nguồn kinh phí do nhiều tổ chức đứng ra quyên góp, mà còn phải chú trọng các khâu nhập khẩu, bảo quản, phân phối và sử dụng theo đúng quy định. Một khi Bộ Y tế đã xác định mục tiêu huy động thêm các nguồn xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ cung ứng vacxin, giúp bảo đảm ngân sách nhà nước, tăng độ bao phủ tiêm vacxin, thì nên có một chương trình hành động cụ thể.

Người Việt Nam vốn có sẵn tinh thần tương thân tương ái. Việc thành lập một quỹ riêng biệt cho vacxin Covid-19 không hề khó khăn, mà chỉ cần một tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm chính cho quá trình quyên góp được minh bạch và hiệu quả. Từ nguồn tài chính xã hội hóa được tiến hành công khai, Bộ Y tế mới có thể điều phối hợp lý thị trường vacxin phục vụ cho đồng bào một cách nhanh chóng và thuận tiện.