Khẩn trương triển khai thí điểm 4 huyện NTM kiểu mẫu
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) Trung ương, tính đến ngày 20/2/2020, cả nước đã có 4.947 xã (chiếm 55,6%) số xã đạt chuẩn NTM, tăng 141 xã so với cuối năm 2019. Bình quân cả nước đạt 15,66 tiêu chí/xã. Có 9 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM (tăng 1 tỉnh là tỉnh Vĩnh Phúc) so với cuối năm 2019.
Đến thời điểm này, đã có 115/664 đơn vị cấp huyện thuộc 32 tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 17,3% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước). Có 2 tỉnh Nam Định và Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.
Hiện nay, việc triển khai 04 đề án thí điểm về huyện NTM kiểu mẫu cũng đang được khẩn trương tiến hành ở 4 huyện gồm Nam Đàn (Nghệ An), Xuân Lộc (Đồng Nai), Đơn Dương (Lâm Đồng) và huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định).
Năm 2020, phấn đấu hoàn thành mục tiêu các tỉnh phải có ít nhất 01 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/công nhận đạt chuẩn NTM (hiện còn 22 tỉnh, thành phố chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận). Phấn đấu 100% các huyện của cả nước có xã được công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2020 (hiện còn 57 huyện của 29 tỉnh chưa có xã đạt chuẩn NTM).
Về một số chương trình, đề án xây dựng NTM đặc thù, đến nay, các địa phương đã triển khai được 17 dự án thí điểm bảo vệ môi trường. Trong đó, nhiều mô hình tuyên truyền viên cơ sở về bảo vệ môi trường do các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương thực hiện ngày càng thu hút được sự gia của đông đảo nhân dân.
Với Đề án hỗ trợ các thôn, bản đặc biệt khó khăn trong xây dựng NTM, đến nay, có 34/36 tỉnh đã ban hành văn bản cụ thể hóa các tiêu chí NTM cấp thôn, bản. Trong đó, đã có hơn 1.000 thôn bản, chiếm 30% thuộc phạm vi của đề án đã được công nhận đạt chuẩn NTM...
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM năm 2020, theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, cần tập trung rà soát lại số xã hiện mới chỉ đạt dưới 10 tiêu chí, đôn đốc việc thực hiện mục tiêu mỗi tỉnh phải có một huyện được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ/công nhận đạt chuẩn NTM; mỗi huyện phải có ít nhất 01 huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/công nhận đạt chuẩn NTM...
Bên cạnh đó, tổng hợp tiến độ của 04 đề án thí điểm về huyện NTM kiểu mẫu, đặc biệt là huyện Nam Đàn của tỉnh Nghệ An nhằm hướng tới các ngày lễ lớn trong năm 2020. Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ làm việc với tỉnh Nghệ An nhằm đẩy nhanh việc triển khai, gắn với đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp...
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành đánh giá đề án hỗ trợ các thôn bản đặc biệt khó khăn trong xây dựng NTM, theo đó sẽ có hội nghị ở Yên Bái để tổng kết rà soát, đánh giá kinh nghiệm và cách làm, mở rộng triển khai ở các địa phương. Đây cũng là nội dung mà Chính phủ rất quan tâm.
Về đề án bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM, cần sớm tổng kết các mô hình thực hiện, bởi đây là vấn đề đang rất yếu trong xây dựng NTM, cần đánh giá đa dạng từ cả quản lí sản xuất, mô hình thu gom rác... Với chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM, cần đẩy nhanh hơn nữa các đề án, đề tài đang triển khai; tiếp tục đề nghị kéo dài trong giai đoạn 2021-2025.
Đánh giá kỹ chất lượng sản phẩm OCOP
Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), theo Văn phòng điều phối NTM Trung ương, đến nay, cả nước đã có 61/63 tỉnh đã phê duyệt, triển khai đề án/kế hoạch thực hiện (còn 2 tỉnh là Kiên Giang và Tây Ninh chưa phê duyệt).
Trong đó, đã có 28 tỉnh/thành tổ chức đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận cho 1.336 sản phẩm OCOP (đạt 55,6% so với kế hoạch là 2.400 sản phẩm) của 836 chủ thể tham gia chương trình OCOP, trong đó có 19 sản phẩm đề xuất 5 sao, 405 sản phẩm đạt 4 sao và 912 sản phẩm đạt 3 sao.
Chương trình xây dựng sản phẩm OCOP đã thể hiện được sức sống và phù hợp với đặc điểm các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, nhất là gắn với xây dựng HTX, các doanh nghiệp ở nông thôn...
Mặc dù phong trào tham gia xây dựng và số lượng các sản phẩm OCOP thời gian đã được công nhận tương đối lớn, tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, chất lượng sản phẩm OCOP là khâu mà thời gian tới, cần phải chú trọng cải thiện. Theo đó, cần hoàn thiện và rà soát kỹ về điều kiện, thủ tục đánh giá, phân loại, công nhận sản phẩm OCOP trong thời tới.
Bên cạnh đó, thời gian tới, cần phải có đánh giá kỹ hơn nữa việc triển khai chương trình xây dựng sản phẩm OCOP ở các địa phương. Đặc biệt với các tỉnh làm tốt thì cần có hội nghị cấp vùng đặc thù để rút ra bài học kinh nghiệm, điển hình như Bắc Kạn rất khó khăn nhưng lại làm tốt về OCOP, hoặc tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng rất điển hình về làm sản phẩm OCOP.
Song song đó, cần đẩy mạnh khâu truyền thông để lan tỏa sâu rộng hơn nữa chương trình này, bởi có rất nhiều mô hình hay, nhưng truyền thông còn yếu...
Đối với các tỉnh chưa xây dựng đề án OCOP, chưa tổ chức xét duyệt sản phẩm OCOP, Bộ NN-PTNT sẽ có văn bản đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bởi đây là những chỉ tiêu rất cơ bản trong quá trình xây dựng NTM.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo thời gian tới, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương và các đơn vị tập trung phối hợp với các Bộ ngành và cơ quan liên quan xây dựng khung khổ pháp lý và dự kiến nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025; xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp (xã, huyện, tỉnh) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025…
Đồng thời, khẩn trương xây dựng, hoàn thiên các bộ tiêu chí về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 ở cả các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) và cấp độ (cấp xã, huyện, tỉnh), cố gắng hoàn thành trong tháng 3/2020 nhằm có sơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.
Đồng thời, sớm xin ý kiến tổng hợp của các địa phương, các Bộ ngành đề báo cáo về chủ trương đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho Chương trình MTQG Xây dựng NTM, xin ý kiến thống nhất của các Bộ ngành và trình Chính phủ xem xét, Quốc hội phê duyệt.