Dạy và học trực tuyến là giải pháp được các trường đã và đang thực hiện để nhằm giúp học sinh có kênh trau dồi kiến thức, kết nối với giáo viên thường xuyên hơn trong thời gian phải nghỉ học dài ngày phòng chống dịch Covid-19. Nhưng sau thời gian triển khai thì giải pháp dạy học này bộc lộ không ít bất cập.
Ba mẹ phải “học” cùng con
Chị Trịnh Tú Linh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) hết sức ủng hộ việc dạy học trực tuyến vì giúp học sinh, nhất là học sinh tiểu học tiếp tục nhịp học, không sao nhãng kiến thức.
Thông qua phần mềm Zoom, lớp học con trai chị được giáo viên tổ chức 4 lần/tuần cho 2 môn chính là Toán, tiếng Việt vào các buổi sáng với thời gian 60 phút/lần. Mỗi khi giờ học bắt đầu, chị lại chuẩn bị sẵn máy tính, đăng nhập tài khoản, hướng dẫn con trai cách sử dụng và theo dõi đến hết giờ.
Tuy nhiên, sau 3 tuần học cùng con, chị Tú Linh gặp không ít khó khăn về thời gian. “Hai vợ chồng đều làm nhân viên văn phòng nên không phải lúc nào chúng tôi cũng có thời gian hỗ trợ con học trực tuyến dù đã rất cố gắng.
Những lúc đó, tôi đành phải đưa con sang nhà phụ huynh cùng lớp của con để nhờ vả vì chị ấy ở nhà chăm con mà không phải đi làm”, chị Linh chia sẻ.
“Mặt khác, khi dạy học trực tuyến, giáo viên có biện pháp theo dõi, nhận xét, đánh giá thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh.
Tuy nhiên, với học sinh THCS, THPT các em đã ý thức tốt trong việc học, còn học sinh Tiểu học do còn nhỏ nên dễ lơ là, đòi hỏi phụ huynh phải học cùng con để hỗ trợ, nhắc nhở”, chị Linh nói thêm.
Nhiều phụ huynh nhìn nhận, để cho con tham gia học trực tuyến phải có điện thoại thông minh, hoặc máy tính và có kết nối mạng nhưng không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện trang bị.
Hoặc, nếu có tổ chức bình thường thì cũng khó tránh sự cố đường truyền chập chờn, ngắt quãng, làm ảnh hưởng quá trình học của học sinh.
Trường hợp con trai anh Đặng Hoàng Quân (Quận 2, TP.HCM), giáo viên xây dựng lớp học qua phần mềm Google Meet khá nhanh, nhưng không ít lần đang học, con anh bị “bật” ra khỏi lớp vì mạng yếu.
“Điều này ảnh hưởng đến tâm lý, quá trình học và tiếp thu kiến thức của các con” anh Quân bày tỏ.
Cũng ở góc độ phụ huynh, anh Quân cho rằng, tùy từng trường mà có hướng dẫn học sinh, phụ huynh đăng nhập vào website bằng tài khoản để tham gia lớp học.
Đồng thời vận động, khuyến khích học sinh hoàn thành các bài học và hoạt động trong tuần. Nhưng đối với những phụ huynh không thành thạo công nghệ thì đây cũng là một vấn đề khó.
Giáo viên vất vả hơn
Hiện có nhiều hình thức tổ chức dạy học trực tuyến giáo viên có thể lựa chọn. Ngoài các phần mềm như Zoom, Google Meet thì giáo viên còn livestream để giảng trực tiếp trên Facebook hoặc thu hình sẵn rồi phát trên Youtube và gửi link cho học sinh…
Tuy nhiên, so với hoạt động dạy học trực tiếp trên lớp, nhiều giáo viên đánh giá tổ chức dạy học trực tuyến vô cùng vất vả.
Một giáo viên dạy lịch sử của một trường THPT trên địa bàn quận 8, TP.HCM chia sẻ, để có 30 phút dạy học, cô phải mất hơn nửa ngày soạn bài giảng trình chiếu PowerPoint, bài tập và trò chơi trực tuyến cho học sinh. Trường hợp có học sinh vì lý do riêng mà không theo dõi được buổi học trực tuyến trước đó, bắt buộc giáo viên phải quay tóm tắt bài giảng từ 5-10 phút để các em xem lại.
“Phần lớn giáo viên phải tự mày mò thực hiện nên rất lúng túng cách làm ở những ngày đầu. Nếu như được tập huấn kỹ càng, đồng bộ thì không những giáo viên biết cách ứng dụng công nghệ vào giảng dạy hiệu quả mà còn lựa chọn được các phần mềm giảng dạy an toàn”, cô Hồng Anh góp ý.
Cô N.T. - giáo viên dạy tiểu học trường TAS (Quận 2, TP.HCM) đã quen với dạy học trực tuyến, nhưng cô không thể phủ nhận quản lý lớp học khó hơn dạy trực tiếp.
“Những lúc giáo viên đang trình chiếu Powerpoint thì không thể quan sát hết sự có mặt của học sinh. Nhiều lúc đang dạy, các em đi ra, đi vào thường xuyên. Chưa kể, do ngồi nhà tham gia học tập nên các em rất ồn ào, nhất là lớp đông học sinh”, cô Hồng cho biết.
Theo cô T., giảng dạy trực tiếp trên lớp, giáo viên nắm bắt được năng lực học, tiếp thu của từng em và rèn các kỹ năng, nề nếp cho học sinh. Học sinh được tiếp xúc xã hội với giáo viên, bạn bè.
Ngược lại, khi tham học trực tuyến, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng học, kỹ năng độc lập và ý thức tự học, việc này khá khó với học sinh Tiểu học vì các em còn nhỏ.
Có thể thấy, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học là định hướng ngành giáo dục đang đẩy mạnh. Việc dạy học trực tuyến chính hiện nay chính là bài toán cho các giáo viên về kiến thưc, kỹ năng áp dụng. Tuy nhiên, nếu được tập huấn quy củ, đồng bộ thì dạy trực tuyến hoặc kết hợp với dạy học trực tiếp trên lớp có thể góp phần nâng cao chất lượng các giờ giảng dạy.
Tăng cường dạy học trực tuyến an toàn
Mới đây, một số giáo viên chia sẻ, trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến đã xảy ra hiện tượng kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học, phòng học trực tuyến để đăng tải nội dung xấu, độc, phản giáo dục… ảnh hưởng đến hoạt động dạy học của thầy và trò.
Để khắc phục thực trạng này, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi các sở GD-ĐT; các trường đại học, học viện, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên trong quá trình học tập qua Internet.
Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức, kĩ năng sử dụng Internet, mạng xã hội đảm bảo an toàn, an ninh mạng khi tham gia hoạt động dạy - học qua Internet cũng như các kỹ năng phòng, tránh các nguy cơ, tình huống, tác hại có thể xảy ra đối với thầy cô giáo, học sinh sinh viên và phụ huynh trong dạy học qua Internet.
Bộ yêu cầu các đơn vị giới thiệu, phổ biến cho giáo viên những giải pháp, phần mềm quản lý, tổ chức dạy học qua Internet tin cậy, có uy tín; khuyến khích sử dụng phần mềm có bản quyền, những phần mềm do Bộ GD-ĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu sử dụng miễn phí trong mùa dịch Covid-19.
Xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, tổ chức dạy học qua Internet, trong đó hướng dẫn rõ quy trình quản lý, tổ chức một lớp học trực tuyến; các kỹ năng quản lý điều hành lớp học trực tuyến đối với giáo viên; trách nhiệm của người học khi tham gia lớp học trực tuyến, nhất là các hành vi không được làm đối với người học.
Đồng thời, tăng cường các biện pháp phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy học qua Internet. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu xảy ra các tình huống tiêu cực, giáo viên, học sinh sinh viên, phụ huynh và cán bộ quản lý cần cung cấp thông tin kịp thời tới lãnh đạo nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.